Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai họp bàn giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa sau động đất - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Sáng 29-7, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp bàn các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa sau động đất.
Từ ngày 27-7 đến 7h ngày 29-7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) ghi nhận xảy ra 16 trận động đất với độ lớn từ 2,6 - 5,3.
"Từ trận số 2 đến trận 16 có cường độ nhỏ không gây tác động lớn. Riêng trận 1 với độ lớn M= 5,3 đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thiệt hại trung bình tới thiệt hại nặng cho các công trình xây dựng thiết kế kém, nhưng không gây thiệt hại đến thiệt hại nhẹ cho các công trình được thiết kế tốt. Mọi người đều cảm nhận thấy động đất, có thể gây chết người tùy thuộc vào hoàn cảnh tác động" - ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nhận định tại cuộc họp.
Ông Trần Quang Hoài - phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) - cho biết theo báo cáo của Viện Vật lý địa cầu, khả năng động đất tại tỉnh Sơn La còn diễn biến phức tạp, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp để đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa thủy điện, công trình công cộng và an toàn cho nhân dân và đưa ra cảnh báo sớm.
Nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu - Đồ họa: T.ĐẠT
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương cho biết đến nay các công trình công nghiệp không có thiệt hại nghiêm trọng, các công trình hầm mỏ tại tỉnh Hòa Bình không bị ảnh hưởng bởi động đất và vẫn hoạt động bình thường.
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn cũng đã rà soát các hồ chứa thủy điện tại hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình, các công trình thủy điện vẫn đảm bảo an toàn. EVN sẽ tiếp tục theo dõi, đồng thời thuê các đơn vị chuyên ngành để kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất cũng như cảnh báo thiên tai để đưa ra giải pháp cụ thể.
"Sau khi có động đất, Tổng cục Thủy lợi đã tiến hành kiểm tra, rà soát, đến nay 560 hồ chứa vẫn đảm bảo an toàn. Cụ thể, một số hồ chứa ở tỉnh Tuyên Quang ở mức cao 100%, đơn vị chủ động các phương án xả lũ để đảm bảo an toàn", đại diện Tổng cục Thủy lợi thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Anh - viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - đánh giá khả năng động đất tỉnh Sơn La còn diễn biến phức tạp - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Ông Trần Quang Hoài đánh giá hiện tượng động đất liên tiếp tại tỉnh Sơn La đã gây ảnh hưởng đến nhiều công trình, nhà dân, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát, lên phương án cảnh báo công trình nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đối với các hồ lớn xây dựng trong thời gian vừa qua tại Hòa Bình và Sơn La, mức chịu đựng đã cao hơn so với mức cảnh báo ban đầu. Đối với những hồ xung yếu và đã đầy nước, cần có phương án giải quyết ngay, những hồ đã tích đầy nước nếu xảy ra động đất sẽ xảy ra mất an toàn.
"Các đơn vị cần chú ý cảnh báo khi rung lắc có tình trạng rơi đá tại các tuyến đường giao thông, cần có kiểm soát, biển báo chỉ dẫn, khai thông nhanh để đảm bảo an toàn với các tuyến đường giao thông.
Hiện nay chưa có tài liệu hướng dẫn phòng tránh động đất, cần nhanh chóng triển khai, cung cấp thông tin phạm vi có nguy cơ động đất cao. Dự báo tỉnh Sơn La động đất cao nhất có thể 6,8-6,9 độ, có thể gây hư hại các công trình trên nhiều vùng chứ không chỉ ở tâm chấn, vì vậy cần nhanh chóng khoanh vùng để nhân dân phòng tránh, xử lý.
Bắt đầu từ tháng 8 sẽ có mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ… chúng ta không chỉ chuẩn bị ứng phó những bất thường mà còn ứng phó mưa lũ, bởi vậy cần nhanh chóng triển khai các biện pháp kịp thời", ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận