Người đàn ông ở huyện Sarpol-e Zahab thuộc tỉnh Kermanshah, Iran than khóc trước thiệt hại quá lớn từ trận động đất - Ảnh: REUTERS
Thông tin mới nhất do Truyền hình quốc gia Iran cung cấp tối 13-11 cho biết số thương vong trong thảm họa động đất tại khu vực biên giới giữa Iran và Iraq đã lên tới gần 7.000 người, trong đó có ít nhất 395 người Iran thiệt mạng và bên Iraq con số thiệt mạng cũng đến 20 người cùng hàng trăm người bị thương.
Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nhiều khu vực vẫn bị cô lập, khiến hoạt động cứu nạn và cứu hộ gặp nhiều hạn chế.
Chạy đua cứu hộ ở Iran
Theo hãng tin AFP, lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người có thể còn sống sót nằm dưới các đống đổ nát.
Nhưng nhiều khả năng người dân vùng thiên tai phải có thêm đêm thứ hai ở ngoài trời.
Nhu cầu cần nhất hiện nay của người dân là lều bạt để trú qua đêm, nước uống và thực phẩm. Những căn nhà xây dựng gần đây thì còn đứng vững nhưng những nhà cũ bằng đất thì bị phá hủy hoàn toàn”
Tướng Mohammad Ali Jafari - chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran
Trận động đất quá mạnh khiến những căn nhà xây kiên cố cũng sụp như những tấm bìa cáctông ở Iran - Ảnh: REUTERS
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra vào 21h18 ngày 12-11 (giờ địa phương, tức 1h18 sáng 13-11, theo giờ Việt Nam) với tâm chấn ở độ sâu 25 km, cách thị trấn Halabja, miền Đông Iraq, gần biên giới phía Đông Bắc Iran, 30 km.
Trước tình hình cấp bách hiện nay, giới chức Iran đã khẩn trương huy động mọi lực lượng xe cứu thương, nhân viên y tế, kỹ thuật, máy bay trực thăng sẵn sàng chuẩn bị ứng cứu tại sân bay Mehrabad ở thủ đô Tehran. Về phía người dân, nhiều người đã đến các cơ sở y tế hiến máu nhằm sẵn sàng hỗ trợ người bị thương.
Động đất đã gây ảnh hưởng đến ít nhất 14 tỉnh ở Iran, trong đó tỉnh Kermanshah ở phía Tây Iran nằm trên núi Zagros giữa Iran và Iraq là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Giới chức Iran cho biết động đất đã khiến hơn 20 ngôi làng ở tỉnh này bị hủy hoại, cắt đứt nguồn điện và nước sinh hoạt của người dân nơi đây. Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến sẽ thị sát công tác cứu hộ tại tỉnh Kermanshah trong ngày 14-11.
Trong khi đó hệ thống đường sá tại khu vực chịu ảnh hưởng của động đất cũng bị hư hại nghiêm trọng, hạn chế nỗ lực của lực lượng cứu hộ trong việc tiếp cận khu vực vùng sâu, vùng xa.
Hiện các đội cứu trợ khẩn cấp mang theo nhu yếu phẩm cơ bản đã được triển khai tới vùng bị nạn để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của thảm họa động đất. Trong khi đó, các dư chấn mạnh vẫn tiếp tục xuất hiện tại khu vực chịu ảnh hưởng của động đất.
Nhà sập do động đất ở Darbandikhan, gần thành phố Sulaimaniyah, thuộc vùng bán tự trị Kurdistan ở Iraq - Ảnh: REUTERS
Tháng 6-1990, Iran từng hứng chịu thảm họa động đất gây thương vong lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, phá hủy một loạt các thành phố ở phía Bắc Iran gồm Rudbar, Manjil và Lusan cùng hàng trăm làng mạc, cướp đi sinh mạng của khoảng 37.000 người.
Các nước chia buồn sâu sắc
Lãnh đạo và các quan chức cấp cao nhiều nước tiếp tục gửi điện chia buồn, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với chính phủ và nhân dân Iran cùng Iraq sau thảm họa động đất nói trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn đến người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, trong đó bày tỏ cảm thông và chúc những nạn nhân bị thương sớm bình phục. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề khẩn cấp của Nga, ông Vladimir Puchkov cũng cho biết bộ này sẵn sàng hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim lên tiếng cam kết hỗ trợ nạn nhân thảm họa động đất ở Iran và Iraq. Ông Yildirim cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một nhóm cứu trợ mang theo thuốc men và thực phẩm cần thiết để giúp đỡ nạn nhân động đất.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng ra tuyên bố bày tỏ nước này luôn sát cánh bên người dân Iran và Iraq.
Các tín đồ thu dọn gạch đá rơi vỡ do động đất tại đền thờ Hồi giáo ở Khanaqin, thuộc tỉnh Diyala, Iraq vào ngày 13-11 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận