Ngày 3-4, nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi thông điệp chia sẻ và đề nghị hỗ trợ Đài Loan sau khi trận động đất mạnh 7,2 độ xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông hòn đảo này và gây nhiều thiệt hại. Tính đến 18h ngày 3-4 (giờ Việt Nam), có ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương trong thiên tai.
Động đất mạnh nhất trong 25 năm
"Giờ đây hòn đảo láng giềng của chúng tôi đang lâm vào cảnh khó khăn. Nhật Bản sẵn sàng cung cấp cho Đài Loan mọi sự hỗ trợ cần thiết" - Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói và gửi lời chia buồn tới các nạn nhân.
Theo Hãng tin CNA (Đài Loan), trận động đất mạnh 7,2 độ xảy ra ngoài khơi Đài Loan lúc 7h58 sáng 3-4 (giờ địa phương) là trận động đất mạnh nhất trong 25 năm qua kể từ trận động đất 7,3 độ năm 1999 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Truyền hình phát cảnh các tòa nhà nghiêng đổ ở Hoa Liên - huyện có dân cư thưa thớt phía đông Đài Loan nằm gần tâm chấn. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Chang Yu-lin (60 tuổi), nhân viên một bệnh viện ở TP Đài Bắc, chia sẻ: "Trận động đất rất mạnh. Cảm giác như thể ngôi nhà sắp đổ sập".
Lực lượng cứu hộ đã dùng thang để đưa những người bị mắc kẹt ra ngoài qua cửa sổ. Động đất đã buộc hệ thống tàu điện ngầm của Đài Bắc phải tạm dừng một thời gian ngắn, trong khi những nơi khác xảy ra lở đất. "Đây là trận động đất mạnh nhất mà tôi từng trải qua" - một người phụ nữ họ Chan nói.
Ông Wu Chien-fu - giám đốc Trung tâm Địa chấn - chỉ ra trận động đất năm 1999 đã làm đổ sập hàng trăm tòa nhà ở miền trung Đài Loan, còn trận động đất ngày 3-4 đã làm rung chuyển nhiều khu vực hơn với cường độ mạnh hơn bất cứ trận động đất nào khác kể từ năm 1999.
Thiệt hại nhân mạng thấp
Nếu so sánh với các trận động đất có cường độ mạnh tương tự ở nơi khác, số người thiệt mạng ở Đài Loan thấp hơn rất nhiều. Thậm chí một trận động đất mạnh chỉ 5,6 độ ở Indonesia vào tháng 11-2022 cũng đã khiến hơn 260 người thiệt mạng.
Có ba yếu tố quan trọng giúp Đài Loan giảm thiểu thiệt hại do động đất, đặc biệt về nhân mạng.
Thứ nhất là chất lượng xây dựng. Một điểm đáng chú ý là nhiều hình ảnh được truyền thông quốc tế đăng tải cho thấy các tòa nhà cao tầng ở Đài Loan chỉ bị "bật gốc" và nghiêng sang một bên, gồm cả ở những nơi chịu thiệt hại nặng như Hoa Liên, thay vì sập hoàn toàn.
Điều này có nghĩa người dân - nếu còn kẹt trong tòa nhà - vẫn có cơ hội sống sót cao hơn so với trường hợp bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Điều này cũng cho thấy chất lượng xây dựng đóng vai trò quan trọng ra sao.
Theo Viện Nghiên cứu thực nghiệm Đài Loan (NARLabs), để đảm bảo chất lượng, tất cả dự án xây dựng ở Đài Loan cần phải tuân thủ các quy định do chính quyền đưa ra. Đánh giá và điều chỉnh các quy định an toàn đối phó địa chấn cho các tòa nhà là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao khả năng chống động đất.
Từ năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng động đất (NCREE) của NARLabs chịu trách nhiệm hỗ trợ Cơ quan Nội chính Đài Loan đánh giá và điều chỉnh quy định an toàn chống động đất cho các tòa nhà. Sau hai lần sửa đổi vào năm 2006 và 2011, tiêu chuẩn thiết kế chống chịu động đất đã chính thức có hiệu lực vào tháng 10-2022.
Theo Đài Bắc Thời báo, một quan niệm sai lầm phổ biến lâu nay cho rằng các công trình cồng kềnh và chắc chắn sẽ an toàn hơn khi có động đất. Tuy nhiên, vật liệu nặng làm tăng trọng lượng tòa nhà, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hơn nếu bị sập.
Việc giảm trọng lượng, chẳng hạn thông qua giảm thiểu các đồ vật trang trí, là yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn khi có động đất. Các yếu tố kết cấu như dầm nhà cần phải chắc chắn, nhưng đối với các yếu tố phi kết cấu như tường ngoài và vách ngăn bên trong thì nên ưu tiên sử dụng vật liệu nhẹ.
Thứ hai là nhờ hệ thống cảnh báo sớm của Đài Loan. Hệ thống này phát hiện sự rung chuyển khi địa chấn xảy ra ở khu vực tâm chấn và ngay lập tức gửi cảnh báo với tốc độ truyền đi nhanh hơn năng lượng địa chấn. Vì thế hệ thống này có thể cung cấp những giây phút cảnh báo quan trọng cho người sống xa tâm chấn để kịp thời ứng phó.
Trên trang web của Sở Khí tượng thuộc Cơ quan Giao thông Đài Loan cũng có các thông tin chi tiết về việc cài đặt ứng dụng cảnh báo động đất. Ứng dụng có các tính năng như cảnh báo sớm thiên tai, thông báo sẽ được gửi đến những người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng mức cường độ trên 3 khi có động đất.
Thứ ba là ý thức của người dân. Một người bạn Đài Loan chia sẻ "từ cấp tiểu học chúng tôi đã được huấn luyện" về việc bảo vệ bản thân khi có động đất. Kể lại với Tuổi Trẻ, chị Lại Huỳnh Thanh Trúc (đang học thạc sĩ ngành giáo dục kỹ thuật số tại Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan - NTUST) cho biết vào khoảng sau 7h30 sáng 3-4, khi đang có mặt tại ký túc xá ở Đài Bắc, chị cảm nhận có sự rung chuyển mạnh.
Chị Trúc kể khi ấy các bạn người Đài Loan trong ký túc xá đều tự giác chạy ra cầu thang để xuống sân nhanh chóng.
Hoa Liên thường xảy ra động đất
Vùng Hoa Liên đã từng hứng chịu nhiều trận động đất trước đây. Vào tháng 2-2018, khu vực này xảy ra trận động đất mạnh 6,4 độ khiến 17 người thiệt mạng.
Theo phân tích của các chuyên gia trên trang Conversation, cứ khoảng 30 năm vùng Hoa Liên sẽ phải hứng chịu những trận động đất lớn hơn 7 độ. Trận động đất lớn nhất được ghi nhận gần đây trên đất liền Đài Loan xảy ra năm 1999. Trận này đo được với cường độ 7,6 ở khu vực Chi-Chi đã khiến hơn 2.400 người thiệt mạng.
Trận động đất đo được với cường độ 7,2 ngày 3-4 có khả năng sẽ tiếp tục gây ra các dư chấn trong nhiều ngày và thậm chí nhiều tuần tới. Cũng không loại trừ khả năng trận động đất hôm nay chưa phải là trận lớn nhất trong chuỗi động đất. Dù vậy, khả năng xảy ra một trận động đất lớn hơn sẽ giảm dần theo thời gian.
Tâm chấn động đất tương đối nông
Theo đánh giá sơ bộ của Cơ quan Thời tiết Đài Loan, ước tính ban đầu cho thấy vết nứt gây ra trận động đất bắt nguồn ở độ sâu từ
10-40km. Một trận động đất nông thường sẽ làm mặt đất rung chuyển mạnh hơn, vì vậy có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn với các tòa nhà.
Phân tích dữ liệu mới nhất cho thấy tâm chấn nằm ở độ sâu tương đối nông và có khả năng tạo ra đứt gãy bề mặt. Dữ liệu vệ tinh bề mặt Trái đất sẽ hé lộ thêm thông tin về sự biến dạng của mặt đất trong những ngày tới.
Đã có tới 13 dư chấn mạnh khoảng 5 độ trong khoảng 3 tiếng sau trận động đất đầu tiên. Tất cả các dư chấn này đều đủ lớn để khiến mặt đất rung chuyển trên khắp Đài Loan.
Sản xuất bán dẫn ở Đài Loan ngưng trệ
Theo báo Straits Times, các công ty sản xuất bán dẫn lớn của Đài Loan như TSMC và UMC đã dừng một số dây chuyền và sơ tán nhân viên do ảnh hưởng của trận động đất ngày 3-4.
Trận động đất làm dấy lên lo ngại về những hậu quả tiêu cực với ngành công nghệ và thậm chí cả nền kinh tế toàn cầu khi xét đến vai trò quan trọng của Đài Loan trong việc sản xuất các con chip tiên tiến nhất.
Đài Loan là nơi sản xuất ra bộ xử lý trung tâm của những chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất hay chip đồ họa NVIDIA dùng để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT của OpenAI.
Theo ước tính, hòn đảo này hiện cung cấp từ 80 - 90% các con chip tiên tiến nhất - mà trên thực tế là không có sản phẩm nào khác có thể thay thế. Trong đó, TSMC hiện là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất các con chip phức tạp này.
AI được xem là lĩnh vực "nóng" nhất trong giới công nghệ hiện nay. Các lãnh đạo như Sam Altman của OpenAI hay Jensen Huang của NVIDIA đều từng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt chip cho việc đào tạo các dịch vụ AI mới.
Tất cả các đơn đặt hàng AI của NVIDIA hiện tại đều được chuyển đến TSMC, vì vậy ngay cả những gián đoạn ngắn hạn đối với sản lượng chip tiên tiến của công ty này cũng có thể để lại hậu quả khó lường.
Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào việc TSMC đã sơ tán những nhà máy nào và tốc độ khôi phục dây chuyền sản xuất của họ là bao lâu. Bên cạnh đó, các tác động từ động đất đến hạ tầng điện và logistics ở Đài Loan cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình giao hàng.
Trong nhiều thập niên qua, TSMC đã chọn tập trung vào các cơ sở sản xuất tại Đài Loan để các kỹ sư có thể cùng tinh chỉnh máy móc và chia sẻ chuyên môn. TSMC đã thành công tới mức có thể "vượt mặt" các ông lớn như Intel và Samsung Electronics.
Tuy nhiên, những lo ngại về an ninh cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã hối thúc TSMC đa dạng hóa về mặt địa lý. TSMC hiện đang xây dựng các nhà máy chip ở Nhật Bản và Mỹ, nhưng các dây chuyền này sẽ không dành để sản xuất các loại chip tiên tiến nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận