Bản làng của xã Đông Sơn, huyện A Lưới nằm trong vùng tâm chấn của các trận động đất ngày 14 và 22-12 - Ảnh: Thái Lộc |
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết vừa xảy ra thêm một trận động đất tại huyện A Lưới. Trận động đất có cường độ 3,4 độ richter, xảy ra lúc 18g44 ngày 22-12, đây là trận động đất thứ năm xảy ra liên tục trong tháng 12 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Vào các ngày 6, 7, 12 và 14-12 đã xảy ra các trận động đất với cường độ 2,5-2,9 độ richter tại huyện A Lưới và thị xã Hương Trà (giáp ranh A Lưới).
Hai giả thiết
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết trong lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ xảy ra một trận động đất với cường độ 4,4 độ richter tại huyện Phong Điền vào năm 1947, mãi đến tháng 5-2014 mới xuất hiện động đất trở lại (xảy ra ngày 15-5-2014) với cường độ 4,7 độ richter ở huyện A Lưới.
Từ đó đến nay tại huyện miền núi này liên tiếp xảy ra 14 trận động đất cường độ nhỏ. Trong đó, năm 2014 xảy ra bốn trận và từ đầu năm 2015 đến nay xảy ra mười trận động đất, tập trung trong tháng 12 đã xảy ra năm trận động đất.
Theo PGS.TS Phương, các trận động đất xảy ra tại huyện A Lưới có đặc điểm là chấn tâm nằm rất gần nhau, và vì thế có thể đưa ra hai giả thiết về nguồn gốc phát sinh. Giả thiết thứ nhất là các trận động đất này có nguồn gốc kiến tạo, tức là do một đứt gãy kiến tạo đang hoạt động.
Trên khu vực Thừa Thiên - Huế có hai đới đứt gãy hoạt động được xác định, đó là đới đứt gãy Đăkrông - Huế và đới đứt gãy Trường Sơn. Nếu giả thiết này là đúng thì các trận động đất tại A Lưới có thể được phát sinh trên đới đứt gãy Trường Sơn.
Giả thiết thứ hai là động đất kích thích, được phát sinh như hệ quả của các hồ chứa nước thủy điện. Chuỗi động đất ở A Lưới cũng có thể là hệ quả của việc tích nước vào hồ chứa thủy điện tại khu vực này. Khi sự tăng ứng suất do áp lực của một cột nước khổng lồ ép lên đáy hồ làm phát sinh các động đất có độ lớn trung bình và nhỏ được gọi là các động đất kích thích.
Theo UBND huyện A Lưới, tại huyện hiện đã có một hồ chứa nước của nhà máy thủy điện A Lưới xây dựng trên sông A Sáp, có dung tích hơn 60 triệu m3, bắt đầu tích nước từ tháng 9-2011.
Sơ đồ tâm chấn 5 trận động đất tại A Lưới trong tháng 12 và vị trí hồ thủy điện A Lưới - Đồ họa: Vĩ Cường |
Rất cần cơ quan chức năng trả lời
Động đất xảy ra liên tiếp đã khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng. Ông Đoàn Quang Huy (50 tuổi, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) nói: “Trước đây không hề có động đất, nhưng kể từ khi có nhà máy thủy điện thì động đất xảy ra liên tục”.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch UBND huyện A Lưới - nói các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra kết luận để người dân an tâm.
“Hiện tại người dân cho rằng nguyên nhân chính là do thủy điện A Lưới gây ra, chúng tôi cũng chẳng biết phải giải thích thế nào” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, thời gian qua tại A Lưới đã xảy ra nhiều trận động đất nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng lên tiếng, công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai động đất cũng không có.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, động đất kích thích thường là các trận động đất nhỏ và trung bình, nhưng có chấn tiêu nằm gần mặt đất nên thường gây rung động trên mặt đất kèm theo tiếng nổ, có thể gây hoảng sợ cho người dân tại vùng chấn tâm. Tuy nhiên, vì chủ yếu là các trận động đất nhỏ nên chúng ít có khả năng gây thiệt hại trực tiếp.
Cũng theo quy luật, các trận động đất kích thích thường xảy ra rầm rộ sau các đợt tích nước vào hồ chứa thủy điện, trong mùa mưa.
Biện pháp ứng phó tốt nhất là cần sơ tán dân ra xa khu vực đập thủy điện và hồ chứa để đảm bảo an toàn khi có sự cố. Người dân cần được hướng dẫn những kiến thức cơ bản để có thể tự cứu mình khi có động đất xảy ra.
Ông Phương lưu ý rằng đây mới chỉ là hai giả thiết ban đầu được đưa ra trên cơ sở lý thuyết của khoa học địa chấn, để có được kết luận chính xác về nguồn gốc phát sinh các trận động đất ở A Lưới cần có các nghiên cứu chi tiết và dài hạn trong tương lai.
Quan trắc, đánh giá động đất tại A Lưới, Hương Trà Trước tình trạng xảy ra động đất liên tiếp tại A Lưới và Hương Trà, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN và cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá về tình hình động đất tại các khu vực nêu trên, cơ sở khuyến nghị “chính quyền địa phương nên di dân ra khỏi khu vực có các công trình thủy điện, tái định cư ở vùng có bán kính đủ an toàn” của PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - đã đăng trên báo chí, báo cáo Thủ tướng và công bố để chính quyền và nhân dân địa phương biết nhằm tránh hiểu lầm, hoang mang. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục thực hiện quan trắc, giám sát động đất tại các khu vực trên, chủ động báo tin kịp thời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận