Anh Hà Thiết (31 tuổi, thôn 7, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) nói người dân vùng này đang hoang mang vì động đất.
Nhiều buổi diễn tập ứng phó động đất
Đặc biệt, trận động đất 5 độ Richter vào trưa 28-7 làm một số nhà dân nứt vách càng khiến dân lo ngại. Bà con sợ thời gian tới động đất mạnh sẽ làm sụp đổ nhà cửa, ảnh hưởng tính mạng và đời sống.
Anh Thiết cho biết cách ứng phó là khi thấy nhà cửa rung lắc mạnh, đổ vỡ đồ vật thì chạy ra ngoài. Sau đó, nhắm lúc nào yên ổn trở lại thì ai về nhà nấy.
"Trước đây động đất nhẹ, còn bây giờ mạnh hơn nên rất sợ. Bà con không có cách gì biết trước, cũng không biết động đất mạnh cấp mấy. Chỉ khi xong, xem báo đài mới biết nặng nhẹ!".
Từ năm 2021 tới nay, huyện Kon Plông đã tổ chức nhiều buổi diễn tập, tập huấn cho người dân ứng phó động đất. Ông Phạm Thanh Bình - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông - cho hay đã làm việc với Viện Vật lý địa cầu và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập và thực hành cho các cán bộ của huyện, xã và người dân cách ứng phó, phòng tránh động đất.
Các trường học cũng nằm trong diện tập huấn, diễn tập để trang bị kỹ năng cho học sinh.
Địa phương cũng xây dựng các video, phóng sự tuyên truyền gửi tới từng xã, thôn, tổ dân phố cho người dân nắm; phát sổ tay, tờ rơi hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh, ứng phó, sơ cứu khi xảy ra động đất cho người dân.
"Chúng tôi triển khai tập huấn từ năm 2021 và duy trì liên tục tới hiện nay. Toàn bộ các thôn xã, địa phương, trường học đã được tập huấn.
Sau đó, cán bộ xã tổ chức tập huấn lại cho người dân định kỳ tại các buổi họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt cộng đồng. Chiếu video, phóng sự trực tiếp cho bà con xem và học tập, làm quen để làm theo. Cơ bản người dân đã nắm các kỹ năng ứng phó động đất" - ông Bình cho hay.
Sớm tìm nguyên nhân, phòng tránh
Ông Bùi Viết Hà - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông) - cho hay ngành du lịch địa phương lo động đất liên tục làm du khách ngại đến Kon Tum, ảnh hưởng nặng tới du lịch Măng Đen.
Do đó, người dân và doanh nghiệp du lịch đề nghị cơ quan chức năng cần sớm làm rõ, kết luận chính xác nguyên nhân xảy ra động đất. Trong trường hợp động đất do yếu tố con người, do tích nước hồ chứa thủy điện, cần có giải pháp xử lý triệt để, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.
Ngày 29-7, Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đưa ra nhận định nguyên nhân động đất tại tỉnh Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa thủy điện, đồng thời dự báo động đất ở Kon Tum sẽ tiếp diễn thời gian tới.
Khi được hỏi về nhận định hoạt động tích nước hồ thủy điện gây động đất, ông Trần Công Đàm - giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum - cho hay trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới có nhiều hồ thủy điện. Hồ thủy điện Thượng Kon Tum không phải là hồ lớn nhất và duy nhất.
Ông Đàm nói ngoài thủy điện, còn có nhiều hoạt động khác có thể dẫn tới động đất kích thích mà chưa biết được, cần có kết luận của chuyên gia.
Theo ông Đàm, trước đây Viện Vật lý địa cầu có đề nghị nhà máy hỗ trợ lắp đặt một số trạm quan trắc để nghiên cứu, theo dõi động đất tại đây.
Tới nay, nhà máy chưa nhận được kết luận nào nói nguyên nhân xảy ra động đất thời gian qua là do thủy điện. Thời gian qua, nhà máy đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ một số hoạt động trợ giúp người dân vùng động đất.
Thủ tướng: hỗ trợ người dân, tìm nguyên nhân ứng phó
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời cần chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại nếu có.
Thủ tướng cũng giao Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng.
Huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân...
Động đất chưa có dấu hiệu dừng
Ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết nguyên nhân gây ra động đất liên tục ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) do động đất kích thích. Cụ thể là do hồ chứa thủy điện nằm trong vùng.
Việc tích nước của các hồ chứa này có khả năng là nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua. Cụ thể, trên địa bàn huyện Kon Plông có sáu công trình thủy điện, ba công trình trong số đó có hồ chứa là Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re.
Tính từ 0h đến 18h ngày 29-7, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 25 trận động đất lớn nhỏ. Cộng với 21 trận vào ngày 28-7 thì địa phương này đã hứng chịu tổng cộng 46 trận. Trận nặng nhất đạt cường độ 5 độ vào trưa 28-7 khiến nhiều tỉnh thành lân cận rung chuyển. Tại Kon Plông, nhiều nhà cửa bị nứt do rung chuyển.
Cơ quan chức năng đã cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 cho trận này. Hiện số vụ động đất tại huyện Kon Plông vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong vòng 24 giờ đã xảy ra số vụ trong hơn 117 năm (giai đoạn 1903 - 2020) cộng lại. Cụ thể giai đoạn này chỉ có 30 trận lớn nhỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đánh giá động đất, sóng thần rất khó dự báo trước được vì xảy ra rất nhanh. Tùy thuộc vào mức độ rung nhà cửa... thì có cảnh báo mức độ rủi ro để người dân phòng tránh trong thời gian tiếp theo.
Tuy các bản tin cảnh báo có khác nhau về mức độ rủi ro nhưng ở mức độ nào cũng nguy hiểm. Bà Lan ví dụ vụ động đất này chỉ làm tường nứt, thay đổi kết cấu bên trong nên khó nhận ra nhưng vụ tiếp theo tạo dư chấn sẽ gây sập.
Bà Lan cũng chia sẻ bằng những kiến thức đúc kết được cần phải tuyên truyền cho người dân biết khi nghe tiếng động như thế nào thì chạy ra khỏi nhà. Nếu không kịp thì chui xuống gầm bàn, góc tường để trú...
Ngoài ra động đất không chỉ ảnh hưởng nhà cửa mà đồi núi, đường sá cũng bị tác động do đó cần hạn chế đi lại.
Sau động đất thì nên tìm nơi trú tránh an toàn trước, việc sửa lại nhà cửa không nên làm ngay vì các đợt dư chấn sẽ còn tiếp diễn. Khi thiên nhiên ổn định lại mới kiểm tra độ an toàn nhà cửa và có hướng khắc phục.
Thủy điện nhỏ: lợi ích nhỏ, thiệt hại nhiều
Cũng theo bà Lan, hiện Tây Nguyên có quá nhiều thủy điện, nhất là các thủy điện nhỏ. Khi làm thủy điện chắc chắn đầu tiên phải chặt cây rừng, việc này khiến giảm độ che phủ gây lũ quét, sạt lở. Sau đó là nổ mìn để làm hồ chứa gây tác động đến vỏ Trái đất. Tới khi hoàn thành thì tích nước gây áp lực dẫn tới động đất.
"Đối với thủy điện lớn, làm bài bản, đem lại lợi ích như Hòa Bình, Trị An... thì rất tốt. Còn thủy điện nhỏ lợi ích đem lại không bao nhiêu mà ảnh hưởng tới môi trường rất nhiều. Tích nước thì gây động đất, xả lũ thì gây thiệt hại cho dân.
Do đó, Nhà nước phải quản lý lại chuyện này" - bà Lan góp ý. Bà Lan nói thêm Tây Nguyên nằm trong vùng đứt gãy địa chất nên cứ phát triển thủy điện vô tội vạ thì động đất sẽ ngày càng nhiều. Nếu không ngưng thì sẽ phải trả giá bằng thiệt hại về người, tài sản rất lớn.
Nhà nước nên tập trung cho năng lượng sạch khác và thủy điện lớn để đảm bảo an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận