24/11/2018 18:36 GMT+7

Động đất mạnh khiến hai đảo New Zealand xích gần nhau hơn

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trận động đất 7,8 độ Richter phía đảo Nam của New Zealand hồi tháng 11-2016 đã đưa 2 hòn đảo chính của nước này từng xích gần nhau đến 5 mét, theo các nhà khoa học.

Động đất mạnh khiến hai đảo New Zealand xích gần nhau hơn - Ảnh 1.

Trận động đất Kaikoura kéo dài trong 74 giây đã gây ảnh hưởng trên khu vực dài 170 km - Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, trận động đất mạnh hai năm trước đã khiến phần phía bắc của đảo Nam dịch chuyển về hướng đông bắc, tiến gần tới đảo Bắc, khiến khoảng cách giữa Mũi Campbell - điểm tận cùng của đảo Nam - và thủ đô Wellington trên đảo Bắc sát thêm 35 cm, dù từng có lúc gần nhau đến 5 mét.

Tuy nhiên khoảng cách giữa hai điểm trên hiện vẫn còn xa hơn 50km.

Các nhà khoa học nhận thấy đã hai năm sau, hai hòn đảo chính của New Zealand vẫn đang định hình lại do các đường đứt, gãy không ổn định, với Eo Cook giữa hai đảo đang thu hẹp lại.

Chấn động đó còn khiến thành phố Nelson - thành phố lâu đời nhất ở đảo Nam và là thành phố định cư lâu đời thứ hai ở New Zealand, bị chìm thêm 10-20 mm.

Các trạm theo dõi định vị toàn cầu (GPS) được lắp đặt sau động đất cho thấy thị trấn Kaikoura - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong động đất, dịch chuyển 15 cm về phía Đông, thị trấn Blenheim trượt 15 cm về phía Đông Bắc và thành phố Nelson dịch chuyển 5 cm về phía Đông Nam. Trong khi đó, thủ đô Wellington cũng dịch chuyển 5 cm về phía Đông Bắc.

Ông Rob Langridge - nhà khoa học thuộc GNS Science (một tổ chức của chính phủ chuyên nghiên cứu về địa chất), cho biết ít nhất 25 đường đứt gãy bị ảnh hưởng trong trận động đất năm 2016.

Điều đó khiến trận động đất Kaikoura kéo dài trong 74 giây trở thành một trong những trận động đất phức tạp nhất trên thế giới.

Ông Kevin Berryman - nhà khoa học chính của GNS, cũng thừa nhận mọi trận động đất từ 7,5 độ Richter trở lên thường rất phức tạp nhưng trận Kaikoura "rõ ràng là bất thường" khi gây ra đồng thời 25 đường đứt gãy.

Theo ông, nghiên cứu về ảnh hưởng mang tính hệ quả lâu dài của trận động đất trên sẽ giúp gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chuẩn bị đối mặt những nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.

Động đất mạnh khiến hai đảo New Zealand xích gần nhau hơn - Ảnh 2.

Một miệng hố bất thường dài khoảng 200m, rộng 20-30m từng được phát hiện ở TP Rotorua của New Zealand hồi cuối tháng 4 vừa qua sau những ngày mưa lớn - Ảnh chụp màn hình

Bà Sigrun Hreinsdottir, một nhà khoa học khác của GNS, giải thích với trang Stuff rằng do số đường đứt gãy bị ảnh hưởng nhiều nên rất khó có thể xác định đường đứt gãy nào, trong động đất hay khi hậu chấn, là nguyên nhân gây thay đổi khoảng cách giữa các đảo.

Quá nửa đêm 14-11-2016, trận động đất Kaikoura mạnh 7,8 độ Richter đã làm rung chuyển New Zeland, với tâm chấn ở độ sâu 23 km và nằm cách thành phố Christchurch trên đảo Nam khoảng 90 km về phía Bắc - Đông Bắc.

Đã có tới hơn 800 dư chấn được ghi nhận sau trận động đất này với khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là thị trấn Kaikoura.

Khu vực này gần như hoàn toàn bị cô lập do tất cả các tuyến đường chính dẫn vào đây bị nứt vỡ hoặc lở đất và đã có 2 người thiệt mạng cùng 24 người bị thương.

New Zealand nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" - nơi va chạm giữa hai mảng kiến tạo Ấn Độ-Úc và Thái Bình Dương, nơi ghi nhận hơn 15.000 chấn động mỗi năm dù chỉ 100-150 trong số đó đủ mạnh để con người có thể cảm thấy chấn động.

Vào tháng 2-2011, một trận động đất mạnh 6,3 độ Richter xảy ra tại thành phố Christchurch đã cướp đi sinh mạng của 185 người và gây thiệt hại nặng về vật chất.

Thiết bị siêu nhỏ biết "đánh hơi" người bị kẹt trong động đất Video các tòa nhà nghiêng ngả sau động đất ở Đài Loan Động đất, núi lửa liên tiếp, chuyện gì xảy ra ở "Vành đai lửa"?
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên