Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 28-7, ông Nguyễn Xuân Anh - viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - cho biết nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5 độ ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trưa nay là do động đất kích thích.
Động đất kích thích là do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân...
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ.
Tuy nhiên, từ tháng 4-2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28-7 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23-8-2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ.
Theo ông Xuân Anh, "động đất kích thích" là nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5 độ ở Kon Plông ngày 28-7 và các trận động đất khác ở Kon Tum.
"Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Tuy nhiên vẫn cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này", ông Xuân Anh nói.
Ông Xuân Anh cho biết hiện nay Viện Vật lý địa cầu đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này.
"Hoạt động động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất rất cần thiết và cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư", ông Xuân Anh khuyến cáo.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, lúc 11h35 cùng ngày, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra trận động đất mạnh 5 độ. Độ sâu tiêu chấn khoảng 8,1km.
"Trận động đất này có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất", ông Xuân Anh nói.
Đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Kon Plông. Người dân ở nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… cũng cảm nhận được rung lắc từ trận động đất.
Cũng trong ngày 28-7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra 4 trận động đất khác có cường độ từ 2,6 đến 4,1 độ. Các trận động đất này được đánh giá có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tại cuộc họp ứng phó với động đất ở Kon Tum năm 2022, đại diện Viện Vật lý địa cầu từng cho biết chuỗi động đất ở Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Tuy nhiên để khẳng định nguyên nhân phát sinh và có cơ sở để dự báo, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất tại khu vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận