Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra vào sáng 24-3 tại Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ngai vàng truyện ngắn thuộc về ông
Xúc động đọc điếu văn cho Nguyễn Huy Thiệp tại lễ truy điệu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định việc báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua tràn ngập những thông tin về Nguyễn Huy Thiệp, cùng những đánh giá về vị trí của ông trên văn đàn Việt Nam, những lời chia buồn đã nói lên ảnh hưởng lớn lao của ông trong đời sống văn học và đời sống xã hội nước nhà.
“Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này ông vẫn là người ngự trị trên ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại”, ông Thiều ngợi ca văn tài của Nguyễn Huy Thiệp. Ông Thiều khẳng định, văn của Nguyễn Huy Thiệp là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật.
“Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không thể chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên… Sự buốt lạnh ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri”, ông Thiều xúc động nói.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc điếu văn tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Video: MAI THƯƠNG
Họa sĩ Nguyễn Phan Bách - trưởng nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - nghẹn ngào nói những lời sau cuối trước vong linh bố và người thân, bạn bè cùng độc giả mến mộ nhà văn.
"Bố chúng tôi là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thuận theo lẽ vô thường của tạo hóa là sinh - lão - bệnh - tử. Ông đã dừng chân, rời bỏ cõi tạm ở tuổi 72. Ông không mất đi mà dòng máu của ông sẽ còn chảy mãi trong huyết quản của anh em chúng tôi, trong những người con cháu của ông. Ông sẽ còn đó trong những ký ức, những kỷ niệm của bạn bè và đồng nghiệp.
Tư tưởng, tinh thần của ông sẽ vẫn còn mãi trong những tác phẩm của ông đối với toàn thể những người yêu văn học Việt Nam và quốc tế", họa sĩ Nguyễn Phan Bách rưng rưng xúc động và không giấu niềm tự hào về người cha tài năng của mình.
Trưởng nam của nhà văn cảm tạ những ân tình nồng hậu và tình yêu vô bờ của đông đảo bạn bè, bạn đọc khắp trong và ngoài nước đã dành cho bố mình, đặc biệt là trong vài ngày qua kể từ khi nhà văn ra đi, cũng như trong một năm nhà văn đổ bệnh.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một sự mất mát không gì bù đắp với gia đình, nhưng họa sĩ Nguyễn Phan Bách nói ông và gia đình "thực sự ấm lòng khi được đón nhận sự thăm hỏi, chia sẻ động viên" từ mọi người và sẽ "khắc cốt ghi tâm".
Rất đông văn nhân, bạn đọc đến dự lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều người trong giới văn nghệ sĩ từ nhà văn, họa sĩ, giới sân khấu điện ảnh, giới xuất bản, đông đảo bạn đọc cùng đại sứ Pháp tại Việt Nam, đại diện Viện Pháp tại Hà Nội cũng đến viếng.
Ông Nicolas Warnery - đại sứ Pháp tại Việt Nam - cho biết đây là lần đầu tiên ông đến viếng một nhà văn Việt Nam vừa qua đời và ông vô cùng xúc động chứng kiến tình cảm của bạn đọc dành cho nhà văn này: "Tôi nhìn thấy những nhà văn lớn của Việt Nam đang có mặt ở đây. Nhà văn có mất đi, thì tác phẩm của họ còn mãi với bạn đọc" - ông nói.
Ông Nicolas Warnery - đại sứ Pháp tại Việt Nam - đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Ông Nicolas Warnery nói ông đã đọc 2 tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bằng tiếng Pháp là Tướng về hưu và Chuyện tình kể trong đêm mưa. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được bạn đọc Pháp rất yêu thích. Ở Pháp, nói đến văn học Việt Nam là nói đến Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp.
Đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Bảo Ninh nói sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp là một tổn thất lớn mà đến nay người đời còn chưa nhận ra đầy đủ mức độ.
Nhà văn Bảo Ninh ghi sổ tang tại lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
“Viết được như ông ấy khó lắm. Đôi khi đất nước bỗng nhiên có một nhà văn như thế” - tác giả Nỗi buồn chiến tranh đánh giá cao văn tài của đồng nghiệp. Ông bày tỏ hi vọng “biết đâu ngày mai Việt Nam lại có một nhà văn ngang tầm thế”.
Nhưng rồi Bảo Ninh lắc đầu thể hiện sự lo ngại rằng sẽ khó mà có một văn tài kỳ lạ như Nguyễn Huy Thiệp trong một tương lai gần. Bảo Ninh bày tỏ mong muốn các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp sẽ được đưa vào trường học để “lớp trẻ biết thế nào là văn chương của thời đại mới”.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tại lễ viếng
Xúc động đến tiễn đưa tác giả Tướng về hưu, nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dành những lời trân trọng cho bậc đàn anh trong nghề. Ông nói Nguyễn Huy Thiệp là “của hiếm của văn học Việt Nam, một trường hợp văn chương đầy ngoạn mục!”.
Nhìn dòng người đủ giới đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng nay, ông Phương nói rưng rưng “đó là tấm lòng dành cho văn học tử tế, nhìn vào đó người ta thấy được giá trị của văn học tử tế lớn thế nào trong lòng nhân dân”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh tại lễ viếng
Từng có thời gian gần gũi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi làm phim Thương nhớ đồng quê được chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói những gì mà Nguyễn Huy Thiệp để lại là vĩnh cửu, sẽ còn mãi mãi trong lòng nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi vòng hoa viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thắp hương trước linh cữu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
GS Hồ Ngọc Đại tại lễ viếng
Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - kính viếng hương hồn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ghi sổ tang tại lễ viếng
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ghi sổ tang không kìm được xúc động: "Thiệp ơi, bạn ơi, nhà văn tài năng của tôi ơi, thôi đi nhé, mưa tháng 3, Hà Nội tiễn bạn"
Nhạc sĩ Quyền Văn Minh thể hiện ca khúc 'Một cõi đi về' đưa tiễn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Lễ viếng nhà văn được tổ chức từ 9h15, sau đó ông sẽ được đưa về một nghĩa trang nhỏ tại huyện Đông Anh, nơi có người vợ hiền của ông vừa sang nằm trước đợi ông về.
Lễ tang trang trọng do Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình tổ chức. Ông Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói việc đứng ra cùng gia đình tổ chức đám tang trang trọng, xứng đáng với tầm vóc lớn lao của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chính là vinh dự của hội.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là người viết và đọc điếu văn cho Nguyễn Huy Thiệp. Ông Thiều coi đây là một mối duyên đẹp của ông và tác giả Tướng về hưu.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại chợ Viềng, Nam Định năm 2003 - Ảnh: DƯƠNG MINH LONG
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h44 ngày 20-3 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi, sau một năm cùng vợ con chống chọi với những lần tai biến liên tiếp.
Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc. Đó là 10 năm ông "úp mặt vào núi mà đọc sách".
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986, khi ông 36 tuổi. Ngay lập tức, ông trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi lúc bấy giờ và kéo dài mãi về sau bởi một giọng văn "phũ", dám đi đến tận cùng cái ác của con người để mà tiêu trừ nó.
Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, Quan âm chỉ lộ, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…
Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Ông được gọi là "vua truyện ngắn" Việt Nam.
Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu. Ông còn có một bản thảo tiểu thuyết nữa chưa được xuất bản.
Ông là một trong số không nhiều những nhà văn Việt Nam được dịch nhiều ra thế giới. Riêng ở Pháp đã dịch 9 cuốn sách của ông.
Từ hơn chục năm nay, ông hầu như gác bút, vui tuổi già với con cháu.
Ông nhận được một số giải thưởng văn chương quốc tế như Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Nonino Risit d’Âur (giải thưởng Premio Nonino của Ý năm 2008).
Nhưng đến nay tác giả Tướng về hưu vẫn chưa có giải thưởng trong nước nào. Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nói đây là món nợ lớn của Hội Nhà văn Việt Nam với Nguyễn Huy Thiệp.
Ông hiện đang được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật với hai tác phẩm là truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận