Và nhiều vấn đề phát sinh, hàng trăm hộ dân xung quanh phải lãnh đủ.
Loay hoay với nhà máy xử lý rác
Từ hàng chục năm qua, rác thải của người dân tại TP Bến Tre và các huyện lân cận được chở về bãi rác Phú Hưng (TP Bến Tre) để xử lý bằng cách chôn lấp trên diện tích khoảng 6ha.
Năm 2018, bãi rác Phú Hưng quá tải sau gần 20 năm tồn tại. Bãi rác này nằm trong khu dân cư nên thường xuyên bị người dân phản ảnh về ô nhiễm.
Tỉnh Bến Tre đã kêu gọi đầu tư và Công ty cổ phần Xử lý rác thải Bến Tre đã xây dựng nhà máy xử lý rác cạnh bãi rác Phú Hưng. Theo thiết kế, nhà máy có thể tiếp nhận 200 tấn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên, khi vận hành chỉ xử lý được khoảng 40% công suất. Bốn năm sau, lượng rác tồn đọng gần 100.000 tấn.
Nhà máy này có nhiều sai phạm, UBND tỉnh Bến Tre đã nhiều lần ra "tối hậu thư" đề nghị khắc phục. Giữa năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phải ký quyết định xử phạt Công ty cổ phần Xử lý rác thải Bến Tre 510 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 7,5 tháng để khắc phục các sai phạm.
Trong thời gian đóng cửa nhà máy xử lý rác thải này, rác thải từ TP Bến Tre và huyện Châu Thành, huyện Ba Tri được yêu cầu chở về bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri.
Dân lập chốt chặn xe rác
Giữa tháng 7-2023, do không chịu nổi tình trạng ô nhiễm tại bãi rác An Hiệp, người dân đã lập chốt ngăn chặn xe chở rác vào bãi rác này.
Nhà ở cạnh bãi rác An Hiệp, bà Huỳnh Thị Măng cho biết từ khi bãi rác An Hiệp phải gánh lượng rác từ các huyện, thành phố khác được chở về đây thì tình trạng ô nhiễm mới nghiêm trọng.
"Vuông tôm là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Trước đây tôi cho mướn để người ta nuôi tôm, nhưng nay chất thải từ bãi rác chảy tràn vào vuông, bao ni lông bị gió thổi vào vuông khiến tôm chết nên người ta không thuê nữa. Gia đình tôi tiếp tục nuôi tôm nhưng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng nên nuôi tôm là cầm chắc lỗ", bà Măng cho hay.
Chị Trần Thị Thanh (xã An Hiệp) cho biết nhà chị cách bãi rác khoảng 200m cũng đang quá khổ vì bãi rác này. Mấy năm trước, gia đình chị Thanh có thế chấp mảnh đất ở đây để vay tiền ngân hàng cho con đi học.
"Mấy tháng qua, ngân hàng họ thông báo đất của tôi bây giờ không đủ điều kiện nữa vì nằm gần bãi rác, bị ô nhiễm nên đất mất giá trị, không đảm bảo được cho khoản vay trước đây nên họ không tiếp tục cho vay nữa", chị Thanh nói.
Hơn 100 hộ dân xung quanh bãi rác An Hiệp đều than thở về tình trạng ô nhiễm tại đây từ nhiều tháng qua. Mùa mưa tới, nước thải tràn ra xung quanh.
Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp vì... rác
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Minh Tuấn - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre - cho biết giải pháp đưa rác về bãi rác An Hiệp chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ nhà máy xử lý rác trung tâm của tỉnh Bến Tre tái cơ cấu đi vào hoạt động.
Ông Tuấn cho biết hiện ngành chức năng tập trung một số giải pháp như xây dựng tường rào bao quanh khu vực bãi rác, phủ bạt các khu vực bãi rác nhằm giảm tình trạng mùi hôi, rác bay sang các khu vực xung quanh.
"Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải có giải pháp đắp ngăn chặn nước rỉ thoát ra ngoài, bơm nước rỉ vào những vị trí thích hợp để xử lý, đảm bảo không cho nước rỉ chảy ra khu vực tường rào của bãi rác... Sau khoảng 30 ngày, tình trạng ô nhiễm sẽ được kiểm soát", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, bãi rác An Hiệp sẽ được mở rộng thêm 3ha để có đủ diện tích xử lý rác thải.
Trước tình hình căng thẳng nói trên, mới đây UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường.
Trong văn bản này có nêu thực tế bãi rác An Hiệp phải tiếp nhận thêm khối lượng rác lớn trong khi tường rào, việc gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác và hạng mục mở rộng diện tích (3ha) thực hiện chưa kịp thời. Mưa lớn liên tục, mùi hôi phát tán trong phạm vi bán kính 1.000m thuộc địa phận hai xã An Hiệp, An Đức (huyện Ba Tri).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận