15/03/2018 14:44 GMT+7

Đóng cửa nhà máy thép ô nhiễm, Đà Nẵng bị đòi bồi thường

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Chính quyền Đà Nẵng đóng cửa hai nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường thay cho di dời dân, tuy nhiên doanh nghiệp yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng.

Đóng cửa nhà máy thép ô nhiễm, Đà Nẵng bị đòi bồi thường - Ảnh 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ UBND TP Đà Nẵng cho biết TP vừa giao Sở TN-MT chủ trì cùng các sở, ngành làm việc với 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) để thống nhất các vấn đề phát sinh liên quan đến việc ngừng hoạt động của hai nhà máy này.

"Thành phố tiếp thu đơn kiến nghị của 2 doanh nghiệp này, sẽ tổng hợp để báo cáo với Thường vụ Thành ủy, nhưng trước mắt vẫn thực hiện theo đúng kết luận của Thường vụ Thành ủy về việc dừng hoạt động 2 nhà máy" - vị này nói.

Trong đơn kiến nghị gửi UBND Đà Nẵng trước đó, 2 doanh nghiệp này đề nghị xem xét lại quyết định ngưng sản xuất, đồng thời có chính sách bồi thường thỏa đáng. 

Theo Công ty Dana - Úc, việc dừng hoạt động đã khiến 500 công nhân của công ty lâm cảnh thất nghiệp, DN có nguy cơ phá sản vì các khoản nợ ngân hàng, hợp đồng đã ký kết... đều phải dừng lại. 

Do đó, công ty này đề nghị thành phố Đà Nẵng xem xét và bồi thường thiệt hại bởi doanh nghiệp "luôn thực hiện theo chủ trương của thành phố".

Cũng theo doanh nghiệp này, khi Đà Nẵng có chủ trương không cho phép đơn vị sản xuất nấu, luyện thép hoạt động tại KCN Hòa Khánh vào năm 2006, công ty đã chuyển nhà máy đến cụm công nghiệp Thanh Vinh với diện tích hơn 33ha, trong đó có khoảng đệm trồng cây xanh cách ly giữa nhà máy và người dân. 

Tuy nhiên, diện tích của cụm công nghiệp này bị điều chỉnh quy hoạch, chỉ còn 29ha. 

"Việc quy hoạch, bố trí nhà máy công nghiệp nặng quá gần sát với khu dân cư, nên dù hệ thống xử lý môi trường có tốt đến mấy cũng ảnh hưởng đến dân" - doanh nghiệp này khẳng định.

Tương tự, Công ty cổ phần thép Dana - Ý cho biết khi mua 15ha đất trong quy hoạch có vệt 30m vùng đệm để trồng cây xanh cách ly với khu dân cư nhưng khi được giao đất, quy hoạch được điều chỉnh nên không còn vùng đệm này, gây hệ lụy cho cả người dân và doanh nghiệp. 

Trong khi đó, việc tạm dừng hoạt động khiến 1.000 công nhân của nhà máy bị thất nghiệp, với tổng thiệt hại do phải dừng sản xuất và di dời vào khoảng 2.000 tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng cơ quan chức năng có thể chấm dứt hoạt động các dự án gây ô nhiễm môi trường nếu không khắc phục được. 

Thế nhưng, theo lông Cao chấm dứt một dự án sẽ kéo theo việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, cơ hội làm việc của người lao động... 

Do đó, nếu làm đúng luật, luật sư Cao cho rằng hoạt động đầu tư kinh doanh hợp pháp nhưng vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường do lỗi của công tác quy hoạch, doanh nghiệp có thể khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình. 

"Phải bảo vệ người dân khỏi ô nhiễm môi trường, nhưng cũng phải đảm bảo cho môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp" - ông Cao nói.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên