Ông Dương Đức Hùng
Ông Dương Đức Hùng nói:
Từ hôm nay, chúng tôi bắt đầu đóng tất cả các cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thực ra, các hoạt động chống dịch đã được bắt đầu từ lâu nay, và đặc biệt là từ khi ghi nhận 2 nữ điều dưỡng mắc bệnh thì bệnh viện đã đóng cửa một phần thông qua việc dừng hoạt động khám theo yêu cầu, dừng tái khám tại khoa.
Nhưng ở thời điểm hiện nay, chúng tôi đã thực hiện đóng cửa một cách toàn diện để ngăn dịch, để không có nguy cơ phát tán ra ngoài. Còn trong bệnh viện thì các hoạt động điều trị cho bệnh nhân còn ở lại vẫn diễn ra bình thường.
Hiện bệnh viện còn bao nhiêu bệnh nhân, các ông sẽ tổ chức công việc như thế nào?
Hiện nay chúng tôi còn trên 800 bệnh nhân nội trú đang tiếp tục ở lại bệnh viện, đều là bệnh nhân nặng. Để chăm sóc những bệnh nhân này, rất nhiều nhân viên y tế của chúng tôi thuộc diện có thể cách ly ở nhà, với người thân, nhưng vì bệnh nhân họ phải vào bệnh viện để cách ly tập trung trong điều kiện ăn ở rất thiếu thốn.
Thông thường mọi người đi cách ly thì chỉ được nghỉ ngơi và được theo dõi sức khỏe, còn chúng tôi vào cách ly vẫn phải làm việc, và làm việc nhiều hơn bình thường.
Hiện có trên 1.300 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đang ở bệnh viện và những ngày tới đây sẽ có thêm những người vào, vì đặc thù của ngành y tế là làm theo ca, họ vào để thay ca. Nhưng khác với bình thường là những người hết ca trực vẫn phải ở lại bệnh viện.
Bệnh viện bố trí như thế nào về đời sống cho nhân viên y tế, trong những ngày hàng ngàn người phải ở lại sinh hoạt, làm việc trong bệnh viện?
Đây cũng là một vấn đề và chúng tôi vẫn đang tính phương án hợp lý nhất, nhưng dù như thế nào vẫn phải sắp xếp để vượt qua những ngày này. Vượt qua một cách kiên trì, nỗ lực, chưa có nhân viên nào xin nghỉ không lương, nghỉ ốm, tất cả đều đang rất cố gắng.
Sáng 28-3, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám thông thường, tái khám, ngưng cho phép thân nhân đến thăm bệnh nhân còn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện - Ảnh: NAM TRẦN
Các ông đã văn bản ngừng tiếp nhận bệnh nhân, ngoài trừ trường hợp nặng. Có một số khoa của Bạch Mai là đơn vị tuyến cuối, trong trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh viện bố trí như thế nào?
Chúng tôi đã chuẩn bị từ tuần trước và đã có thông báo để các tuyến không chuyển bệnh nhân lên. Tôi hiểu là các thân nhân bệnh nhân đang rất lo lắng, chúng tôi cũng thế, ai cũng lo lắng, nhưng vấn đề là vào Bạch Mai bây giờ thì có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19, nguy cơ đó là chưa thể loại trừ hoàn toàn.
Về giải pháp cho bệnh nhân các tuyến thì Bệnh viện Bạch Mai đã có hướng dẫn để các tỉnh không chuyển bệnh nhân lên, các bác sĩ sẽ hội chẩn thông qua telemedicine và Bạch Mai sẽ hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, bệnh nhân ngộ độc thì có đơn vị chống độc của quân đội. Các trường hợp nặng, rất cần kíp lên Bạch Mai thì chúng tôi đã cung cấp số điện thoại của cấp cứu để các tuyến liên hệ trước và phối hợp tiếp nhận tùy trường hợp cụ thể.
Với cá nhân các thầy thuốc, ông và các bác sĩ Bạch Mai đang bố trí công việc của mình như thế nào?
Tôi và các thành viên ban giám đốc khác từ khi dịch "nóng" lên chủ yếu ở trong bệnh viện, chỉ về nhà vào tối muộn để nhìn con một chút rồi lại vào. Nhưng chúng tôi thì vẫn còn đỡ lắm, khó nhất hiện nay là các bạn học viên Trường CĐ Y tế Bạch Mai hay các bạn điều dưỡng trẻ chưa có điều kiện có nhà riêng thì nhiều chủ nhà không cho thuê nữa, rất nhiều trường hợp như vậy, họ phải ôm chăn gối vào bệnh viện, khóc dở mếu dở.
Thế nhưng chúng tôi rất cảm động vì mọi người vẫn đang bình tĩnh, vẫn động viên nhau cùng làm việc. Tôi kể câu chuyện của tôi, tôi đến bệnh viện từ tối 27-3, khi tôi chuẩn bị đi thì có điện thoại, con tôi có hỏi và tôi nói là "ba đi cách ly 14 ngày và 14 ngày nữa ba mới gặp con". Cháu hỏi có phải ba bị nhiễm không? Tôi nói ba không bị nhiễm, nhưng ba phải cách ly vì cả bệnh viện phải cách ly và ba phải ở đây để ba điều trị cho các bệnh nhân nặng, 14 ngày là thời gian để hết cách ly thì ba sẽ về.
Tinh đến tối nay (28-3), trong số 174 bệnh nhân COVID-19, có 12 ca ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện đã "đóng cửa" không tiếp nhận bệnh nhân mới từ ngày 28-3.
Vợ tôi cũng băn khoăn rằng liệu tôi đi cách ly thì vợ con có phải cách ly không? Tôi nói với cô ấy là ba ở trong vùng dịch, ba cách ly vì điều đó chứ không phải ba bị nhiễm bệnh. Nhưng vợ tôi vẫn rất lo lắng. Đó là lo lắng chung của tất cả người thân cán bộ nhân viên ngành y, đặc biệt là có những đồng nghiệp của chúng tôi bị hàng xóm láng giềng kỳ thị.
Điều đó khiến cán bộ y tế không yên tâm, khiến chúng tôi cảm thấy có chút gì đó bị tổn thương. Hiện tại cán bộ y tế đang là "chiến sĩ" trên "mặt trận" chống dịch, nhưng làm sao để cho nhân viên y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng có cảm giác chúng tôi có một hậu phương tốt ở phía sau. Đó là điều cần thiết nhất thời điểm này.
Chúng tôi có thể không khó khăn về vật chất, vì bữa ăn đủ 2.000 calo không quá khó, chúng tôi có thể ăn 2 quả trứng rồi chữa bệnh. Nhưng tinh thần thì chúng tôi không tự lo được, đó là điều mà xã hội cần dành cho chúng tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận