Nông sản từ miền Tây được mua bán ngay bên lề đường, gần chợ đầu mối Thủ Đức TP.HCM - Video: TIẾN TRÌNH
Nhà xe lao đao vì dịch bệnh
Trước đó, chúng tôi đã liên hệ với rất nhiều nhà xe ở nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để hỏi việc vận chuyển hàng nhưng đều gặp phải cái lắc đầu và những câu trả lời như: "Dịch giã quá, xe không chạy", "Dịch bệnh hoành hành, tài xế họ ngán không đi nữa", "Các chợ đóng cửa hết, chở hàng lên đó giao cho ai", "Tài xế bị cách ly hết rồi, xe ngừng chạy luôn".
Anh P., một chủ xe chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Cà Mau - TP.HCM, đồng ý cho chúng tôi theo xe khi có hàng nhưng đến lúc xe lăn bánh thì anh lại cho hay là các chủ hàng quen thuộc bị "đứt đường dây" do chợ đóng cửa. Chuyến hàng của anh tuy chở đủ loại nhu yếu phẩm, lương thực như: tôm, cua, gạo, hoa quả… nhưng tất cả đều do khách hàng gửi cho người thân ở TP.HCM. Do quy định phòng chống dịch, xe của anh cũng không vào trung tâm thành phố mà chỉ hẹn khách ra một địa điểm ở vùng ven nhận hàng.
Một số chủ xe ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp… mà chúng tôi liên hệ cho biết họ vẫn chở rau quả lên TP.HCM nhưng không chạy dịch vụ nữa mà chở hàng của những người hảo tâm lên tặng cho người dân thành phố.
"Bây giờ chợ búa không hoạt động nữa. Bạn hàng truyền thống cũng nghỉ dịch nên rau quả lúc này trở nên quý hiếm. Tôi chuyển sang chở hàng từ thiện cho bà con" - anh Đức, một chủ xe vận tải ở Tiền Giang, chia sẻ.
Một xe nông sản từ miền Tây được mua bán ngay bên lề đường, gần chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Sau khi liên hệ nhiều chủ hãng xe chở thực phẩm từ miền Tây lên TP.HCM nhưng đều bị từ chối, chúng tôi bất ngờ nhận cuộc gọi của anh M., một chủ hãng xe vận tải ở Cần Thơ. Điều kiện duy nhất chủ xe này đặt ra khi cho chúng tôi tháp tùng là phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Khi xe khởi hành, anh M. mới tình thật: "Em mới khởi nghiệp nghề vận tải hàng hóa không bao lâu. Trước em có 6 xe nhưng qua đợt dịch rồi, em phải bán 2 xe để bù lỗ". Đó là đợt dịch bùng phát năm ngoái. Còn năm nay, M. nói mấy hôm trước 4 xe đều phải nằm nhà do tài xế chở hàng lên TP.HCM về phải tự cách ly ở nhà.
"Xe hàng ở miền Tây phần nhiều vận chuyển lên thành phố nhưng bây giờ chợ đóng hết, những mối truyền thống họ dừng làm ăn. Không có chuyện nhà xe bị làm khó khi trên đường chở hàng từ miền Tây đi TP.HCM", anh M.nói.
Việc mua bán nông sản thường diễn ra vội vã trong đêm - Ảnh TIẾN TRÌNH
Trên đường, nhiều chuyến xe chở hàng nông sản mang biển số tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang… vẫn xuyên màn đêm hướng về Sài Gòn. Ven đường, các vựa trái cây, rau quả… vẫn sáng đèn, lên hàng cho những chuyến xe.
"Những ngày này, nếu đi được hàng thì có lời tốt nhưng hàng rất khó vô được nội ô thành phố. Bởi tài xế họ sợ đi vào vùng dịch về sẽ bị cách ly", một tài xế xe tải chia sẻ.
Tối 18 rạng sáng 19-7, chuyến hàng của chúng tôi từ Cần Thơ theo tuyến quốc lộ 1 đi TP.HCM vẫn thong dong, tuyệt nhiên không có chuyện bị chặn dọc đường để "hỏi thăm". Giấy "xét nghiệm âm tính" của chúng tôi chỉ một lần trình qua khi xe đến chốt kiểm soát ngay đầu đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Nếu nói ở góc độ khác, những ngày giãn cách xã hội, xe cộ ít ra đường nên việc lưu thông còn thông thoáng hơn ngày thường.
"Chợ" nông sản trên đường
Khi đến cửa ngõ TP.HCM, nhiều xe tải chở hàng đã ghé lại bên đường chờ những chiếc xe nhỏ đến nhận hàng chứ không tiếp tục đi vào thành phố.
Xe của chúng tôi cũng rẽ qua hướng Hóc Môn đến chợ đầu mối Thủ Đức. Quanh các ngả đường dẫn vào chợ đầu mối Thủ Đức, hàng rào vẫn được giăng để ngăn người, xe vào chợ.
Một xe tải nhỏ gom được mớ nông sản từ miền Tây chở lên gần chợ đầu mối Thủ Đức, sau đó chở đi phân phối các nơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Trên suốt tuyến đường đối diện chợ đầu mối Thủ Đức, dập dìu xe chở nông sản đậu bên lề. Từ đây, các xe nhỏ đến nhận hàng tỏa đi phân phối khắp nơi.
Cạnh bên con đường bị hàng rào giăng kín, một bãi xe với gần chục xe tải lớn đậu dọc để xuống hàng. Trò chuyện với chúng tôi, ông H. - người quản lý, trông coi việc lên xuống hàng ở đây - chia sẻ: "Thời buổi dịch giã khó khăn. Chợ đầu mối đóng cửa trong khi việc cung - cầu hàng nông sản vẫn tiếp diễn. Phải có cách tổ chức để tiếp nhận, cung ứng hàng hóa chứ nếu không thì khó cho bà con trồng trọt, người buôn bán lẫn người tiêu dùng".
Chị D. - một bạn hàng ở đây - cho hay các chợ đầu mối lớn như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức dừng hoạt động, chợ truyền thống cũng đóng cửa, rau quả các nơi vẫn trồng, tới lứa phải thu hoạch, phải bán nhưng không phải ai cũng bán được vào siêu thị. Nhu cầu của người dân Sài Gòn cũng đang rất cần những mặt hàng thiết yếu này.
"Nếu tôi không nhận hàng về thì nhiều người khác cũng không có hàng bán, khổ lắm mới đi mua bán trong dịch giã thế này", chị D. than vãn.
Tại một điểm cách chợ đầu mối Thủ Đức không xa, nơi có nhiều xe nhỏ đến nhận hàng từ một xe container đậu chờ, khi chúng tôi hỏi về việc muốn nhận hàng đi phân phối, những người có trách nhiệm ở đây cho biết chỉ phân phối cho những bạn hàng quen.
"Do dịch giã nên việc buôn bán gặp khó khăn chung. Ngày thường chỗ tôi bán trên 10 container, giờ mỗi ngày chỉ một, hai container. Nguyên nhân là tài xế họ sợ lây nhiễm hoặc không đủ điều kiện y tế. Việc phân phối hàng gặp khó nhưng chúng tôi cũng không tăng giá bán. Ít ai tăng giá trong lúc này".
Một người cung ứng hàng về các tỉnh, gần chợ đầu mối Thủ Đức nói về những khó khăn khi mua bán trong tình hình dịch giã - Video: TIẾN TRÌNH
Cạnh đó, một phụ nữ đang ngồi với mớ nông sản đã được cho vào túi nằm ngổn ngang bên vỉa hè. Chị liên tục gọi người đến nhận hàng. Khi chúng tôi đến, chị tỏ ra khá lo âu vì lực lượng chức năng đến do chị buôn bán lấn chiếm vỉa hè.
Khi được hỏi, chị than thở: "Mua bán khó khăn lắm rồi. Tôi phải mang hàng ra vỉa hè để "nuôi" bạn hàng". Theo chị, nếu không tiếp tục giao hàng thì những mối làm ăn sẽ lấy chỗ khác. Đến khi qua dịch, chị sẽ mất mối.
Một bạn hàng mua rau củ từ miền Tây chở lên gần chợ đấu mối Thủ Đức - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Lúc tôi đến, anh Đ. - chủ một sạp nông sản cách chợ đầu mối Thủ Đức vài chục mét - đang cho xuống hàng từ xe tải. Anh cho biết chuyến hàng này anh mua từ vùng trồng rau ở huyện Chợ Mới (An Giang). Bên cạnh việc chuyển hàng để bán, bà con ở An Giang cũng gửi theo xe số rau để tặng cho bếp cơm ở các chốt kiểm dịch.
Anh Đ. nói ngày thường thì anh mua bán trong chợ. Những ngày dịch bệnh, việc phân phối hàng cũng gặp hạn chế.
"Để chở hàng từ An Giang lên đây là cả một quá trình khó nhọc. Xe phải qua nhiều chốt kiểm dịch, phải thủ nhiều loại giấy tờ vì mỗi nơi quy định một khác, khi tới đây là chi phí cũng đội lên. Tôi luôn ủng hộ và chấp hành các biện pháp phòng chống dịch nhưng phải duy trì việc cung ứng hàng hóa. Bởi chưa nói đến người tiêu dùng, nếu việc mua bán bị ngưng trệ thì bà con trồng rau ra bán cho ai?", anh Đ. nói.
Chúng tôi đặt câu hỏi vì sao các xe chở hàng hóa không chở vào trung tâm TP.HCM, nơi nhiều người rất cần mặt hàng này, một tài xế chở nông sản từ miền Tây lên TP.HCM chia sẻ: "Chợ đóng cửa hết rồi. Có chở vào đó thì cũng không thể bán mà lại gặp nhiều rủi ro". Nhiều tài xế khác khi được hỏi cũng đều trả lời rằng họ tuân thủ các quy định phòng dịch nhưng chợ đã bị đóng.
Trong hoàn cảnh đó, họ chỉ còn cách giao dịch nông sản ngay trên đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận