18/02/2025 14:27 GMT+7

Đóng bảo hiểm cho tài xế công nghệ, cước phí có tăng?

Đóng bảo hiểm cho shipper, tài xế công nghệ, có tăng phí ship, cước xe để hãng xe công nghệ trích mua bảo hiểm cho tài xế, hoặc giảm tiền nhận được của tài xế để trừ tiền bảo hiểm?

Đóng bảo hiểm cho tài xế công nghệ, liệu cước phí có tăng? - Ảnh 1.

Hiện nay hầu hết shipper đều thỏa thuận với công ty theo hình thức “đối tác kinh doanh” chia lợi nhuận theo từng đơn hàng. Shipper ở Đà Nẵng thường được hưởng 4.000 đồng/đơn hàng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Xung quanh câu chuyện Tài xế công nghệ, shipper sao không có bảo hiểm, phúc lợi như các công việc khác?, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã có ý kiến khác nhau.

Shipper như "cá nằm trên thớt"

Theo tài khoản TCK: "Đội ngũ tài xế công nghệ, shipper làm việc cần cù, đội nắng dầm mưa, mà đãi ngộ quá thấp và còn rất nhiều rủi ro. Cần có thêm những quyền lợi bảo vệ cho đội ngũ này".

Bạn đọc Trần Thanh Tùng cho rằng: "Shipper là nhân tố đem lại lợi nhuận cho các sàn thương mại điện tử nhưng họ chỉ có bị phạt, không được thưởng, không có bảo hiểm. Ngoài nguy cơ bị khách hàng hành hung thì nguy cơ lớn nhất là tai nạn giao thông, nhưng vì ký hợp đồng là đối tác giao hàng nên mọi rủi ro thuộc về shipper".

"Shipper như con cá nằm trên thớt vậy. Không có hợp đồng lao động thì có ai bênh vực được. Vì miếng cơm manh áo đành chấp nhận thôi" - bạn đọc có địa chỉ email thai****@gmail.com chia sẻ.

Còn tài khoản ktle****@gmail.com cho biết: "Đừng nói là công ty công nghệ, cả nhà vận chuyển giao hàng cũng chỉ ký hợp đồng thời vụ thông qua bên thứ ba và đưa ra rất nhiều lý do để kéo dài thời hạn vào hợp đồng chính thức. Tôi từng làm bốn năm mới được đóng bảo hiểm".

Trong khi đó, bạn đọc My Thom chỉ ra thực tế phũ phàng: "Shipper hay bán vé số... cũng vậy thôi. Nếu muốn phúc lợi xã hội đầy đủ thì mình kiếm việc khác, đâu ai bắt buộc mình phải làm shipper đâu. 

Mặc dù đồng cảm với shipper nhưng tôi nghĩ để có quyền lợi đầy đủ như nhân viên đi làm chính thức các ngành nghề khác khó lắm".

Còn bạn đọc Coc lo lắng, nếu đóng bảo hiểm cho shipper thì phí ship hay cước xe sẽ tăng để hãng xe công nghệ trích mua bảo hiểm cho tài xế, hoặc giảm tiền nhận được của tài xế để trừ tiền bảo hiểm!

Trách nhiệm của hãng xe công nghệ

Bạn đọc Mộc Châu chia sẻ: "Mong bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ shipper, tài xế công nghệ. Trách nhiệm lớn nhất vẫn là các hãng xe công nghệ".

"Xét cho cùng thì các hãng xe công nghệ hiện tại đang sử dụng nhân lực đó là con người, nhưng họ lách luật một cách hợp pháp qua việc họ chối bỏ trách nhiệm đang sử dụng nhân sự và từ đó họ phủi hết trách nhiệm. 

Cụ thể nhất là họ không mua bảo hiểm cho nhân sự đang mặc trên người chính chiếc áo thương hiệu của họ. Cơ quan nhà nước phải bảo vệ người cô thế là shipper, tài xế công nghệ" - bạn đọc Mai Anh đặt vấn đề.

Theo một bạn đọc khác: "Hãng xe thu hoa hồng app cao ngất ngưởng, nhưng lại không đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế. Cần có giải pháp khắc phục lỗ hổng này".

Bạn đọc tên Lam là một tài xế xe công nghệ viết: "Vì miếng cơm cho cá nhân và gia đình, chúng tôi phải chạy ngoài đường vất vả lắm. Cần có chính sách hỗ trợ cho chúng tôi đóng bảo hiểm xã hội để còn có tương lai sau này. 

Có chính sách tốt từ các hãng xe thì mọi người sẽ gắn bó lâu dài hơn, chứ không chỉ xem đây là công việc thời vụ như hiện nay".

Đại diện Grab Việt Nam cho biết công ty luôn dành ưu tiên đến sự an tâm của đối tác tài xế trong mỗi chuyến xe, đồng thời triển khai những hoạt động hỗ trợ để đối tác hoạt động an toàn, như chương trình cung cấp bảo hiểm tai nạn cá nhân cho cả tài xế và hành khách.

Cụ thể, bảo hiểm sẽ được tự động kích hoạt miễn phí khi tài khoản của tài xế ở chế độ sẵn sàng nhận cuốc, áp dụng với các trường hợp gặp tai nạn, hoặc sự cố bị hành hung ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng (gồm cả trường hợp những vụ việc bắt nguồn từ bên thứ ba).

Đội ngũ hỗ trợ của công ty và đội cứu hộ cũng sẽ túc trực hỗ trợ tài xế khi gặp sự cố.

Ngoài ra, các tính năng an toàn thường xuyên được công ty cải tiến, như cảnh báo tài xế lái xe trong tình trạng mệt mỏi, chạy quá tốc độ…

Đóng bảo hiểm cho tài xế công nghệ, liệu cước phí có tăng? - Ảnh 3.Cuối năm xe cộ đông, tài xế công nghệ phải nhờ khách hủy cuốc

Càng gần Tết, xe cộ đi lại càng đông, có những trường hợp tài xế phải nhờ khách hủy cuốc vì kẹt xe, không đến đón khách được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên