Thậm chí có ý kiến đề nghị bổ sung giá sàn vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới.
Tức là việc áp giá sàn mang tính tổng quát, lâu dài, chứ không phải chỉ mang tính tạm thời, linh hoạt nhằm "giải cứu" Hãng Hàng không Việt Nam, trong nguy cơ bị phá sản dưới tác động của dịch CovId-19 như từng được đề xuất năm 2021.
Lập luận của các ý kiến ủng hộ quy định giá sàn vé máy bay cho rằng việc này là để tránh khả năng các hãng hàng không "chuyên nghiệp" bị cạnh tranh/đánh bại bởi các hãng hàng không "giá rẻ" (chắc ý nói giá rẻ không chuyên nghiệp và chất lượng thấp kém, nên phải bảo vệ cách làm chuyên nghiệp và chất lượng cao).
Vậy phải chăng họ phủ nhận nguyên tắc cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường đã được quy định rõ trong khoản 1 điều 51 của Hiến pháp 2013?
Từ trước đến nay, quan điểm nhất quán, rõ ràng của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển các thành phần kinh tế là bảo đảm quyền tự do kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, chứ không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế khác nhau.
Thực tế là từ khi xuất hiện đề xuất giá sàn vé máy bay, các hãng bay giá rẻ, nhất lại là những hãng hàng không tư nhân còn non trẻ đã kịch liệt phản đối, coi đây là một hình thức hạn chế cạnh tranh.
Điều nguy hại hơn, nhiều ý kiến phản đối đã nêu thẳng việc quy định giá sàn sẽ khiến nguy cơ thui chột các phương án kinh doanh sáng tạo, giúp tối đa hóa lượng khách hàng, khai thác các thị trường ngách, thị trường tiềm năng của các hãng hàng không mới.
Như chúng ta đều biết, chỉ trong môi trường có tồn tại thị trường cạnh tranh (gay gắt), các chủ thể kinh doanh mới buộc phải thường xuyên tìm tòi các giải pháp kinh doanh mới, tiết giảm chi phí hoạt động, đổi mới và sáng tạo hơn trong hoạt động của mình, nhằm đi trước, vượt trước đối thủ và tìm kiếm các thị trường ngách mới nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Nhưng cũng chính nhờ cạnh tranh mà các công ty độc quyền hay thị trường ngách siêu lợi nhuận cũng không thể tồn tại quá lâu, khi đó chủ thể kinh doanh nào sáng tạo hơn, hiệu quả hơn sẽ chiến thắng trên thương trường.
Những "ông lớn" một thời nếu không tự đổi mới mình thì rồi cũng sẽ đánh mất giá trị thị trường, bị đào thải. Đây là một quy luật bất biến của kinh tế thị trường mà được các nhà kinh tế học gọi là "sự đào thải sáng tạo", để nhường cho các chủ thể kinh doanh mới khỏe hơn, đổi mới hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn.
Vì thế tốt hơn hết hãy để Vietnam Airlines phải biết tự lực cánh sinh trên thương trường, phải thực sự tự nhìn lại chính bản thân mình, để làm rõ năng lực cạnh tranh, những điểm yếu trong hoạt động quản lý đến chiến lược kinh doanh, hòng tìm kiếm những phương thức vượt lên "sinh tồn" và phát triển xứng đáng với thương hiệu Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Câu chuyện của Vietnam Airlines cũng là câu chuyện chung của các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối và xa hơn là câu chuyện về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận