Biểu diễn nghệ thuật sẽ là hoạt động xuyên suốt của ngày hội lần này tại sân khấu chính công viên huyện An Phú - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Bá Trạng - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh An Giang - cho biết ngày hội bắt đầu từ 8 đến 10-5, do UBND huyện An Phú đăng cai tổ chức sau 5 năm. Đây cũng là sự kiện văn hóa lớn nhất của đồng bào Chăm tỉnh An Giang từ sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
"Đây là dịp để đồng bào Chăm trong và ngoài tỉnh hội ngộ, giao lưu với nhau. Thông qua các hoạt động của ngày hội, người Chăm tại An Giang được thể hiện tài năng, sức khỏe và sự khéo léo, đồng thời thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của người dân với cộng đồng dân tộc mình.
Sự kiện được tổ chức luân phiên giữa các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu 2 năm một lần, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời điểm này bà con mới được vui ngày hội lớn của dân tộc mình", ông Trạng nói.
Chị Pha Ri Tá, ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú, có mặt từ rất sớm tại nhà thi đấu đa năng huyện An Phú để xem các vận động viên thi đấu bóng chuyền.
"Dù trời mưa, tôi và các chị em cũng gắng đi cổ vũ các đội thi đấu. Lâu rồi ngày hội của đồng bào mới tổ chức ngay huyện nhà, ai cũng háo hức và vui lắm. Tối nay là đêm văn nghệ thứ 2, theo tôi là đêm biểu diễn không thể bỏ lỡ" - chị Ri Tá chia sẻ.
Môn thi đẩy gậy thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần thứ 9 năm 2022 có sự tham gia của đông đảo người dân 8 xóm Chăm trên địa bàn tỉnh.
Ngày hội gồm các hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống, giới thiệu văn hóa ẩm thực và triển lãm ảnh những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Chăm An Giang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập…
Các món ăn đặc sắc của người Chăm trong ngày hội - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận