Phóng to |
Máy bơm nhả khói nghi ngút nhưng không lên được giọt nước nào vì kênh trơ đáy - Ảnh: DUY KHANG |
Ngày 26-2, tại các xã Long Phú, Đại Ân 2 (huyện Long Phú, Sóc Trăng), hàng chục nông dân tất bật bơm nước cứu lúa. Dưới kênh nước đang mặn lên từng ngày. Ông Trần Văn Háp ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, than thở: “Trời nắng nóng như thiêu đốt nên bơm nước đầy ruộng ba ngày đã cạn sạch. Mấy ngày nay nước kênh mặn chát nhưng cũng phải đánh liều bơm lên ruộng vì nếu không bơm, thiếu nước lúa cũng chết”.
Cứu lúa như cứu hỏa
Khoảng 800.000ha lúa bị ảnh hưởng Ông Nguyễn Trí Ngọc - cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT - cho biết nạn thiếu nước sản xuất và độ nhiễm mặn cao ở nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL sẽ khiến khoảng 800.000ha lúa vụ xuân hè và hè thu bị ảnh hưởng (cao điểm là tháng 3, tháng 4-2010). Lãnh đạo Cục Trồng trọt nhận định nạn khô hạn, thiếu nước và nguy cơ nước biển xâm nhập vào sâu trong nội đồng với độ mặn cao còn tiếp diễn với chiều hướng xấu nên các địa phương cần chủ động nạo vét hồ đập, củng cố hệ thống thủy lợi để tích trữ nước, đồng thời phải có cơ cấu giống và mùa vụ thích hợp với điều kiện thiếu nước, nhiễm mặn. Về lâu dài, nên hạn chế diện tích và tiến tới bỏ hẳn diện tích lúa xuân hè. |
Cánh đồng xã Tân Hưng chạy dài qua Đại Ngãi (Sóc Trăng) những ngày này lúa vụ ba chỉ mới hơn 40 ngày tuổi mà nước dưới kênh chỉ còn chừng 20cm nhưng cũng mặn chát.
Ông Bảy Hoàng ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, nói: “Nếu có nước cũng không dám bơm vì mấy ngày trước độ mặn dưới kênh này lên đến 3-4‰”. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có trên 40.000ha lúa vụ ba bị ảnh hưởng nắng hạn và xâm nhập mặn nên năng suất sẽ không cao.
Cảnh bơm nước cứu lúa cũng rất khẩn trương trên cánh đồng các xã Tân Tây, Bình Ân, Kiểng Phước, Tân Thành (huyện Gò Công Đông), Bình Phú, Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang). Ông Dương Minh Việt ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, sản xuất 1,4ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông nói: “Cứ 4-5 ngày tôi phải bơm một lần, mỗi lần bơm 5-6 giờ mới đủ nước. Trời nắng quá nên mới bơm xong nước đã rút đâu mất. Từ nay đến khi thu hoạch tôi còn phải bơm bốn đợt nữa nhưng bây giờ kênh cạn rồi”.
Ông Nguyễn Văn Về, chủ tịch UBND xã Tân Tây, cho biết hiện có khoảng 750ha lúa đang rất cần nước để trổ bông, ngậm sữa. Do nước kênh cạn nên xã vận động người dân luân phiên nhau bơm nước lên ruộng kể cả ban đêm để tránh tình trạng tranh giành nước.
Diễn biến phức tạp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập cho biết xâm nhập mặn tại Hậu Giang đang diễn biến phức tạp. Nước mặn đang lấn sâu vào địa bàn một số xã đầu nguồn thị xã Vị Thanh.
Theo trạm quản lý nước và công trình thủy lợi tỉnh, độ mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hòa, phó chủ tịch UBND thị xã Vị Thanh, nói trước mắt kêu gọi người dân đắp bờ vùng, bờ thửa trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ban chỉ đạo thị xã cũng đang chuẩn bị phương án đắp đập ngăn mặn đồng loạt tại 33 con kênh (tập trung tại hai xã Hỏa Tiến và Tân Tiến) nếu mặn tiếp tục lấn sâu. Trong hai năm trở lại đây, Hậu Giang liên tục bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập. Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh, xâm nhập mặn năm nay tại Hậu Giang có thể kéo dài hơn mọi năm (cao điểm trong tháng 3 và 4). Đi cùng với mặn là tình trạng thiếu nước ngọt, đời sống người dân bị đảo lộn.
Trước tình hình này, ông Lập cho biết đang chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp cùng Công ty Cấp thoát nước - công trình đô thị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công trạm cấp nước từ kênh Tám Ngàn để chủ động phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân tại thị xã Vị Thanh và một phần thị xã Vị Thủy. Trong trường hợp nước mặn lấn sang huyện Long Mỹ thì đưa nước sạch bằng xe bồn về phục vụ bà con.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ - cho biết mặn “tấn công” vào đất liền năm sau nhiều hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 xâm nhập mặn đã đến thị trấn Thạnh An, TP Cần Thơ (cách biển hơn 40km), trong khi năm trước đó mặn chỉ “với” tới huyện Mông Thọ, tỉnh Kiên Giang cách biển chừng 10km.
Một số khu vực của tỉnh An Giang và thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) cũng bị mặn xâm nhập với độ mặn cao nhất là 7‰, không thể bơm nước phục vụ trồng trọt. Theo ông Vinh, những năm gần đây một số tỉnh phía tây bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhiều là do gió tây mạnh hơn cộng với lượng nước trên sông Mekong giảm, không đủ nước đẩy mặn ra biển.
Phóng to |
“Né” mặn hạn chế thiệt hại
Cả ngày 26-2, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã họp khẩn cấp với tất cả các xã có sản xuất lúa ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công để bàn giải pháp cứu lúa vì cống Xuân Hòa - là cống lấy nước ngọt cuối cùng cho vùng này - sẽ đóng ngày 1-3. Hiện trong vùng ngọt hóa Gò Công có 25.000ha lúa đang trổ và ngậm sữa, cần nước đầy đủ để sinh trưởng trong khoảng 20 ngày nữa.
Nếu thiếu nước thì lúa không thể ngậm sữa và mất mùa. Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, nói mực nước trong các kênh lúc này chỉ còn 0,4-0,5m. Nhiều nơi phải tổ chức bơm chuyền 2-3 lần mới đến ruộng. Giải pháp duy nhất có thể làm lúc này là vận động nhân dân nạo vét kênh, tranh thủ bơm nước dự trữ. Dự báo sẽ thiếu nước gay gắt từ đầu tháng 3-2010 trở đi. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để bơm chuyền từ kênh trục chính vào kênh nội đồng để dân bơm tiếp.
Ông Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết đến cuối tháng 2-2010 toàn vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch 450.000ha lúa đông xuân. Do đó tình hình hạn, mặn sẽ căng nhất vào những tháng tới. “Phải khẩn trương nghiên cứu những giống lúa chịu được hạn, mặn cấp độ cao hơn hiện nay để trồng ở những vùng ven biển.
Ngoài ra, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động “né” được hạn, mặn bằng cách khuyến cáo dân sử dụng giống lúa ngắn ngày để thu hoạch sớm hơn, điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn để khi nước mặn tới thì lúa đã chín, có mặn cũng không sao” - ông Dư nói.
Trong khi đó, ông Kỷ Quang Vinh cho rằng để “sống chung” với mặn, cần phải chọn giống lúa thích hợp chịu được mặn và hạn. Hiện ở Úc có giống lúa chịu được độ mặn đến 7‰, trung tâm đang đề xuất Sở NN&PTNT Cần Thơ nghiên cứu.
Ngoài ra, theo ông Vinh, cần phải tận dụng hệ thống kênh rạch chằng chịt của ĐBSCL để giữ nước lũ bằng cách đắp đập và nạo vét sâu kênh rạch. Lượng nước này sẽ được phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đẩy mặn (ước tính cần 3% diện tích ĐBSCL). Một biện pháp khác là chứa nước ngọt ở tầng nước ngầm (mùa mưa lọc nước lũ hoặc nước mưa đẩy xuống tầng nước ngầm, mùa hạn bơm lên sử dụng).
Hơn 100.000ha lúa bị nước mặn “bao vây” TS Phạm Văn Dư cho biết năm 2010 nước mặn xuất hiện sớm hơn các năm trước 10-15 ngày và xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 70km, gây không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Đến ngày 26-2, các tỉnh ĐBSCL có khoảng 100.000ha lúa đông xuân (chiếm 16% diện tích) có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, mặn. Các “điểm nóng” được xác định là: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang), Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh), Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng), Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu), An Minh, An Biên (Kiên Giang). Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết tình hình xâm nhập mặn những ngày qua tăng nhanh và cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Lan, độ mặn sẽ còn tăng do gió chướng (khoảng tháng 2 và 3 âm lịch) đẩy nước mặn từ biển vào, đỉnh điểm của xâm nhập mặn là trong hai tháng 4 và 5 âm lịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận