Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Thành tựu 35 năm đổi mới đất nước (từ Đại hội Đảng lần thứ VI) đã ghi nhận những đóng góp đáng kể từ miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là các loại đặc sản góp phần làm rạng danh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Bốn mũi nhọn kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hạt gạo, con tôm, cá da trơn và trái cây đang không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây, mà còn ngày càng khuếch trương thương hiệu Việt Nam trên bản đồ hàng hóa quốc tế. Câu chuyện về sự phát triển mỗi nhóm kinh tế trên cũng là ký ức về quá trình thay da đổi thịt vùng đất Tây Nam Bộ này sau gần 35 năm đổi mới.
Ngày cuối năm, sau một vòng lội bộ thăm đồng như thường lệ, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua lại ngồi trầm ngâm nhìn cánh đồng vẫn còn phủ sương sớm. Cánh đồng này toàn những cây lúa giống nổi tiếng ST24, ST25 đang trổ bông, chuẩn bị cho ra những hạt gạo ngon nhất thế giới.
Ông Cua đang trong quá trình hoàn thành báo cáo để gửi dự Giải thưởng Hồ Chí Minh lần VI năm 2021, những ký ức lội ruộng để có gạo ngon nhất thế giới lần lượt trở về. "Từ hơn trăm năm trước, vùng đất này đã nổi tiếng gạo ngon, xuất khẩu sang châu Âu. Nhưng thời kỳ mười năm khi sau hòa bình lập lại, những người làm lúa chỉ có một mục đích duy nhất là tăng sản lượng" - ông Cua kể.
Năm 1975, diện tích canh tác lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có hơn 2 triệu ha, trong đó hơn 1,5 triệu ha là lúa ruộng một vụ. Những giống lúa truyền thống còn "nũng nịu" nhạy cảm với thời tiết, dễ đổ bệnh, bị sâu rầy tấn công. Việc trồng lúa ở vùng đất hằng năm luôn bị xâm mặn này cũng phải nằm trong bối cảnh chung của đất nước là đầu tư khai hoang, làm thủy lợi, tập trung ngăn mặn, rửa phèn, cải tạo đất... để làm sao tăng được vụ, tăng được độ khỏe của cây lúa và cho ra sản lượng cao nhất.
Trong phong trào "cả nước lội ruộng" gia tăng sản lượng, đôi bàn chân của những cán bộ nông nghiệp như ông Cua - nhân viên Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên từ năm 1978, phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng từ năm 1997 - cũng luôn bê bết bùn phèn.
"Lúc đó tui đã nghĩ đến việc có giống lúa riêng. Nhưng hành trình tạo cây lúa đặc trưng trong bối cảnh phải đảm bảo sản lượng cao nhất không phải chuyện ngày một ngày hai. Do đó, việc nâng chất giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bấy giờ chủ yếu là thuần cho được các giống từ Thái Lan làm sao cho cứng cáp, ổn định, tăng vụ nhưng vẫn được năng suất tốt nhất trong điều kiện khí hậu nước ta để cho dân trồng".
Kể từ sau Đại hội VI năm 1986, lương thực bắt đầu được lưu thông, chỉ tính riêng thập niên 1990, diện tích canh tác toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng bình quân gần 100.000 ha/năm. Đến năm 2004, diện tích gieo trồng lúa của vùng đã gần 3,9 triệu ha, chiếm 50% tổng đất lúa cả nước. Trong đó, hầu hết đất lúa đều trồng được hai, ba vụ chứ không chỉ một vụ lúa mùa như trước.
Lương thực đã đủ, cây lúa không còn quá nặng nề vai trò "cứu đói". Nhiều loại hình khác như nuôi trồng thủy sản, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò... đang có xu thế được người dân thích thú hơn bởi thu nhập vượt xa lúa. Ông Cua bắt đầu kiên quyết thực hiện mục đích đưa chất lượng hạt gạo Việt Nam trở thành "hàng đẳng cấp thế giới, tăng lợi nhuận cho người trồng".
Ông Cua nhớ rõ bối cảnh hình thành công trình tạo ra giống lúa ST24, ST25: "Năm 2005, dự hội thảo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại Cần Thơ, tui đã nghe nhiều nhà khoa học, học giả, doanh nghiệp thảo luận thực trạng ngành gạo Việt. Lúc bấy giờ, sản lượng gạo xuất khẩu của ta đã xếp thứ hai trên thế giới, vượt được mốc 5 triệu tấn mỗi năm.
Nhưng tình hình chung lại khá bi quan khi giá vẫn còn rất thấp do chất lượng không ổn định, thu nhập nông dân vẫn kém, lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo đầy rủi ro và nhất là gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu. Hội thảo đó chung quy vẫn có một số đề xuất như tiếp tục sử dụng giống lúa đã được xác nhận, xây dựng vùng chuyên canh lúa... mà vẫn không thấy ý kiến nào nói về việc tạo ra một cây lúa thơm mới để cạnh tranh với cường quốc lúa gạo hàng đầu là Thái Lan".
Sau hội thảo, ông Cua về họp với những người cộng sự để rà soát lại những gì họ đang có và chuẩn bị cho mục tiêu mới. Những vật liệu di truyền để lai tạo cây lúa thơm như các giống từ lúa thơm cổ truyền đến các giống được tạo ra do chiếu xạ, giống ngoại nhập lẫn giống trong nước..., cả việc thực hiện lai phức hợp nhiều giống bố mẹ để chọn dòng phân ly cũng đã rõ ràng.
Ba năm sau, vào năm 2008, nhóm của ông Cua bắt đầu vào việc tạo ra 5 giống lúa ST mới, từ ST21 đến ST25, với các mục tiêu mà họ tin tưởng: gạo thơm phải là lối đi chính, có thể cạnh tranh được với Thái Lan và "có chất lượng sẽ có thị trường".
Thành quả nhóm ông Cua nghiên cứu là giống ST24 đã được vinh danh trong top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017, 2018. Và đến năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam được xướng tên là gạo ngon nhất thế giới với dòng ST25.
Đó là hai dòng lúa đầy các đặc tính như cho ra gạo có hương thơm, kháng bệnh, hạt dài, nở mịn, hông to, chịu mặn và đầy đủ phẩm chất lúa thơm "nhanh (chu kỳ ngắn), nhiều (năng suất cao), tốt (kháng bệnh, thích ứng môi trường, ngon cơm bền vững) và rẻ (giá thành thấp)".
Những ngày cận tết, bao gạo ST25 được đóng gói đẹp đẽ lại trở thành món quà xuân ý nghĩa. Người được nhận bao gạo đầy trân quý không còn cảm giác "được cứu đói" như từ thuở nào. Các đại lý bán gạo ST25 thường gặp phải tình trạng "cháy hàng". Các giống ST24, ST25 đang được nhiều người đến xin giống, phủ dần từ Sóc Trăng sang đến các tỉnh sông Tiền, vùng rừng U Minh, lên những thung lũng Tây Nguyên.
Hành trình tìm ra giống gạo ngon nhất thế giới của ông Cua thực tế cũng là hành trình của rất nhiều người làm lúa khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam với nền văn minh lúa nước lâu đời, nhưng theo ông Cua, sở dĩ Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng vươn mình thành vựa lúa lớn nhất của cả nước bởi yếu tố thời tiết và thổ nhưỡng ở đây là thích hợp nhất với cả nước.
Bên cạnh đó là những quyết sách kịp thời của Nhà nước như thành lập Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long để chuyên phát triển cây lúa, hay có rất nhiều kỹ sư, nhà khoa học tâm huyết với cây lúa sinh sống và làm việc không ngừng nghỉ... "Như riêng tỉnh Sóc Trăng, nghị quyết Đại hội Đảng 3 nhiệm kỳ gần đây đều chú trọng phát triển các dòng lúa thơm, xây dựng các vùng lúa chất lượng. Đó là những bước đỡ rất quan trọng để gạo Việt Nam dần có thương hiệu" - ông Cua nhận định.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, ước sản xuất lúa của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 đạt hơn 4 triệu ha với năng suất bình quân hơn 61 tạ mỗi ha, tổng sản lượng năm đạt hơn 24 triệu tấn. Trong đó nhiều giống lúa chất lượng như ST20, Nàng Hoa 9, các giống lúa OM... từ đồng bằng tỏa đi đã chiếm đến 15% lượng gạo xuất khẩu.
"Đó là dấu hiệu cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long đang từng ngày chuyển hóa thành vựa gạo chất lượng của thế giới. Nâng cao chất lượng đang là lối đi chính của lúa gạo Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng" - PGS.TS Võ Công Thành (Trường ĐH Cần Thơ), người được mệnh danh là "ông vua lúa mặn", nhận định.
Theo ông Thành, bên cạnh thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển lúa gạo, nhất là sự biến đổi khí hậu khiến tình hình xâm mặn ngày càng gay gắt. "Tuy nhiên, sự quan tâm của Nhà nước đã giúp cho việc nghiên cứu các giống lúa chất lượng đang tiếp tục được nâng cao trên diện rộng.
Chính nhờ Bộ Nông nghiệp cấp kinh phí hơn 5 tỉ đồng, chúng tôi mới phục tráng được giống lúa quý Nàng Thơm Chợ Đào. Hay việc đặt hàng để chúng tôi cho ra giống lúa Một bụi đỏ có khả năng chịu mặn từ 6-8 phần ngàn, đủ sức chống chọi những điểm ngập mặn gay gắt của Đồng bằng sông Cửu Long"...
Là chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng), nơi có khoảng 4.000 nhân viên tạo ra hơn 180 triệu USD doanh thu nhờ vào con tôm năm 2020, tiến sĩ Hồ Quốc Lực đang tất bật công việc cuối năm. Nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện con tôm 35 năm qua, vị anh hùng lao động gần 40 năm gắn bó cùng con tôm đã hứng thú kể "mất luôn một ngày làm việc".
Ông Lực mải mê tâm sự từ những con tôm bạc đất quảng canh cỡ nhỏ đến thị trường tỉ đô của tôm thẻ chân trắng như sợ vuột mất ký ức đang tuôn chảy. Đó cũng là câu chuyện những vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long từ hoang vắng xác xơ trở thành "mỏ kim ngạch xuất khẩu" lớn của Việt Nam.
"Tui bắt đầu đến với nghề tôm từ năm 1983, sau thời điểm Việt Nam tái xuất khẩu tôm đông lạnh năm 1978. Nhưng những năm đó doanh số con tôm chỉ được vài triệu USD thôi" - ông Lực kể hành trình con tôm.
Thời bấy giờ, bán đảo Cà Mau vẫn là vựa tôm cả nước, nhưng cũng chỉ là những ao tôm quảng canh. Người nuôi tôm bấy giờ chỉ nhìn bọt con nước rong mà canh lúc lấy nước vào đầm, láng, rồi sau hai tháng xổ nước bắt tôm. Mỗi lần như thế đủ thứ tép bạc, tép đất, tôm sú, tôm sắt...
Trong đó chiếm nhiều nhất vẫn là tép bạc đất loại cỡ 100 - 300 con/kg. "Cứ vậy bán gom về các nhà máy rải rác ở miền Tây, chế biến đơn giản bằng cách lột thịt, rút chỉ rồi cấp đông. Mỗi khối 2kg sau cấp đông được bán qua Nhật Bản, Hong Kong... Nói chung cũng là ao nuôi nhưng thuần theo tự nhiên" - ông Lực kể.
Hình thức nuôi quảng canh từ Cà Mau lan dần lên Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh... Doanh số con tôm cũng chỉ rỉ rả tăng theo sự lan rộng này, nhưng vẫn chưa nhiều chuyển biến đáng kể. Người nuôi tôm vẫn trông vào từng con nước chờ sủi bọt để nuôi tôm.
"Cho đến đầu những năm 1990 mới có người tiên phong nuôi tôm sú thâm canh. Phong trào nuôi tôm sú sau đó cũng bắt đầu lan rộng nhưng vẫn cứ chậm chạp ở mức quảng canh, phải đến năm 2000 việc nuôi tôm sú thâm canh mới được phát triển. Người nuôi tôm sú thâm canh đầu tiên này vào năm 2000 cũng bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng, báo tín hiệu cho việc phát triển rực rỡ của ngành tôm Việt. Tuy nhiên, chính ông ấy lại không thành công do những yếu tố khắc nghiệt trong giai đoạn kỹ thuật nuôi tôm còn phải mò mẫm từng chút" - ông Lực nói với giọng bồi hồi.
Song song quá trình mở rộng ao nuôi, các nhà máy chế biến cũng lần lượt ra đời, tiệm cận với thế giới. Ông Lực nói một lèo như chuyện mới hôm qua: "Đây là giai đoạn trăm hoa đua nở, đưa việc xuất khẩu tôm tăng doanh thu dần lên hàng trăm triệu USD và tiệm cận mức tỉ USD. Nếu như năm 1995, tôm Việt vẫn còn bị xếp vào chiếu thấp trên thị trường thế giới với trình độ chế biến giản đơn và giá bán thấp lè tè thì đến năm 2000, tôm Việt đã ngồi vào chiếu trên, trong nhóm cao cấp nhất cùng Thái Lan và Indonesia".
Đại hội Đảng năm 1986 đã giúp cho tất cả thành phần kinh tế cùng tham gia, phát triển hoàn thiện tất cả mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm từ khâu nuôi đến thiết kế, sản xuất và giao sản phẩm tận tay người tiêu dùng. Sự hình thành Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) từ năm 1998 đã mở thêm bước tiến lớn trong việc đưa thương hiệu tôm Việt trên thế giới.
"Thời đó, chúng ta chưa hiểu nhiều về cách thức tiếp cận thị trường. Chỉ chủ yếu chờ người ta tìm tới mua. Phải đến khi có VASEP, việc chủ động tìm khách hàng mới được thực thi, thị trường mới rộng mở" - ông Lực nhận định.
Đến nay, những người gắn bó với quá trình phát triển tôm Việt Nam vẫn còn kể nhiều kỷ niệm vui về chuyến tham gia hội chợ thủy sản quốc tế lớn hàng đầu thế giới tại Brusells, Bỉ năm 1999.
"Lúc đó, cả đoàn 20 người do Bộ Thủy sản và VASEP dẫn đầu vất vả lắm mới thuê được một khách sạn để tá túc. Phòng không có toilet, phải tắm trong các bồn đứng như cái thùng phuy được cắt một mặt che vải sơ sài, ai to con ngồi cũng không được. Điện thoại không có, fax trao đổi về nước thì bị bắt chẹt đến 10 USD một trang. Nhưng đó cũng là lần đầu tiên tôm Việt được tiếp thị rộng rãi trên thị trường quốc tế" - ông Lực kể.
Nhờ việc tiếp thị thế giới và học hỏi được nhiều về thị trường tôm thế giới, cũng trong năm 1999, lần đầu tiên 18 doanh nghiệp tôm Việt được cấp code xuất vào thị trường EU. Chỉ trong bốn năm từ 1999 - 2003, kim ngạch xuất khẩu tôm từ 0,5 tỉ đã vươn lên gấp đôi, cán mốc 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, giai đoạn này Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đi sau so với việc nuôi tôm ở vùng Nam Trung Bộ về con giống. Khi con tôm thẻ chân trắng đã nở rộ ở các tỉnh có khí hậu, nguồn nước tốt như Ninh Thuận từ giữa những năm 2000 thì Đồng bằng sông Cửu Long vẫn loay hoay với tôm sú bởi nghi ngại việc con tôm thẻ sẽ gây nguy hiểm bởi "sinh vật ngoại lai", khó kiểm soát dịch bệnh. Mãi đến năm 2011, Đồng bằng sông Cửu Long mới nhập cuộc phát triển rộng rãi việc thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng, dần đưa loại tôm này đến 70% sản lượng trong cơ cấu tôm xuất khẩu.
Theo ông Lực, nếu nói về điều kiện tự nhiên thì Đồng bằng sông Cửu Long không phải là nơi có ưu thế cao về việc nuôi tôm so với vùng Nam Trung Bộ và phía Bắc. "Nguyên nhân là nguồn nước ở đây không tốt cho việc nuôi tôm bằng các vùng khác. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà các kỹ thuật xử lý nước, thuần hóa tôm giống ở Đồng bằng sông Cửu Long lại phát triển nhanh. Trong khi như miền Trung đang phải đối mặt với nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm do quá trình nuôi tôm ít xử lý nước thải, thì các trại nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng lên hàng chục, hàng trăm hecta với quy trình nuôi tôm ngày càng hoàn hảo".
Khi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017 xác định tôm là sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long, là sản phẩm quốc gia và đề ra chính sách khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thì "vuông tôm của nước Việt" cũng đã sẵn sàng với cuộc cách mạng 4.0 trong công nghệ nuôi.
Ngành nuôi tôm giờ đây đã chuyển sang giai đoạn sản xuất với nhiều quy mô trang trại lớn, công nghệ cao. Những "biển tôm" với hệ thống ao nuôi tập trung mở rộng đến 270ha cũng bước sang giai đoạn mới, xây dựng chuẩn nuôi quốc tế với việc ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ quy trình.
"Trước đây, năng suất khoảng 10 tấn/ha là đã thấy vui. Nhưng giờ đây, chỉ tiêu năng suất đã tăng hơn hẳn số đó" - ông Lực cười khi nói về những kỳ tích nuôi tôm.
Mọi thứ đều được thay đổi. Từ việc mỗi ao nuôi có xu hướng càng lớn càng tốt, thì nay đổi lại càng nhỏ càng dễ kiểm soát đáy ao. Quan niệm đáy ao bằng đất giúp tôm nhận được một phần dinh dưỡng từ đất, nay trải qua việc lót bạt và xử lý thường xuyên để tránh nguy cơ tiềm ẩn vi khuẩn rủi ro. Suy nghĩ hòa tan oxy chỉ ở mức vừa phải nay cũng bị đảo ngược hoàn toàn...
Công nghệ 4.0 còn được ứng dụng để cho tôm ăn bằng máy với lập trình tự động nhằm giúp tôm ăn được tối đa lượng thức ăn. Các chỉ số như độ mặn, pH, khoáng cũng theo dõi qua một cú nhấp chuột bằng các đầu dò gắn sẵn. Rồi camera an ninh, hệ thống mái che, quy trình cấp nước ao nuôi... cho đến việc thu hoạch tôm cũng chỉ cần một mẻ lưới rung, thu một lần đã gần hết và có máy thu tôm đưa từ lưới lên bờ ướp muối nhanh chóng.
Nhờ đó, dù năm 2020 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành xuất khẩu tôm vẫn đạt được 3,8 tỉ USD, tăng so với 3,3 tỉ năm 2019. Con số này giúp kim ngạch tôm tiếp tục phát huy các kỳ tích vẫn tăng khi thế giới biến động khắc nghiệt...
Nếu như đổi mới từ năm 1986 giúp hoàn thiện tất cả mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm để phát triển, thì chỉ một năm sau đó con cá ba sa cũng bắt đầu được đưa ra thị trường quốc tế. Con cá được thiên nhiên ưu đãi cho ĐBSCL này cùng với con cá tra đã nhanh chóng trở thành mặt hàng kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu tỉ USD của Việt Nam.
Năm 2004, tượng đài cá ba sa được xây dựng tại thị xã Châu Đốc, An Giang, nơi được xem là khởi nguồn của ngành nuôi cá đang được thế giới ưa chuộng. Chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người chủ trương xây dựng tượng cá trở thành điểm thu hút du lịch của vùng đất bên sông Hậu này.
Đã giữa tuổi thất thập, nhưng giọng ông Nhị vẫn sôi nổi như thời ông từng đưa tỉnh An Giang thành địa phương đầu tiên có nhiều cá Ba Sa nhất nước. Trưởng thành bên sông Hậu, ông Nhị từ thập niên 70 đã chứng kiến việc những cư dân Việt kều sống từ Biển Hồ ở Campuchia quay về vùng biên giới An Giang nuôi cá trong các lòng bè, rồi từ đó dân ta làm theo. "Trong số cá nuôi lòng bè, có con cá Ba Sa mà dân đây vẫn kêu là cá bụng, vì cái bụng nó trắng phình nhung nhúc mỡ", ông Nhị kể.
Việc nuôi ban đầu chỉ là đóng các bè tre hãm lại, thả giữa lòng sông. Người dân mua cá con giống từ những người khai thác tự nhiên, thả vào lồng bè để cá lớn dần. Về sau, khi thấy con cá chậm lớn, người ta mới bắt đầu nấu thêm mồi bằng các loại sinh vật, cá nhỏ khác thả vào lồng bè cho cá ăn. Những lồng bè nuôi cá cứ thế dày lên trên sông Hậu và các nhánh phụ lưu, ngược lên các huyện biên giới có vùng nước chảy xiết để giúp cá khỏe mạnh như vùng huyện An Phú.
Khi lồng bè đã nặng, con cá trưởng thành, người nuôi lại chèo đưa các lồng bè xâm xấp cá đến các chợ đầu mối ven sông. Con cá ba sa từ đó trở thành mặt hàng luôn có trong các sạp cá bởi có lượng thịt nhiều, lớp mỡ béo thơm, dễ chế biến thành nhiều món khác nhau với khẩu vị địa phương như kho mắm, nấu canh, kho tộ...
Chỉ thị trường nội địa, nhưng số lượng tiêu thụ cá ba sa cũng nhanh chóng lớn không ngừng. Ông Nhị kể tiếp: "Lúc bấy giờ có anh Mười Hưng (Nguyễn Thành Hưng - PV), giám đốc Xí nghiệp đông lạnh 1 ở Sài Gòn, thấy thịt cá ba sa thơm ngon và dễ chế biến phù hợp với khẩu vị của người Úc nên đã giới thiệu với mấy công ty chuyên cung cấp thực phẩm bên đó. Họ thấy là thích liền. Đến năm 1987, sau khi An Giang đã xây dựng nhà máy chế biến thủy sản thuộc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản thì anh Mười Hưng cùng các đối tác bên Úc bắt đầu tiến hành chế biến philê (thái lát thịt mỏng) cá ba sa đưa qua Úc".
Vượt đại dương, 2 tấn philê cá ba sa làm mẫu từ Việt Nam được ưa chuộng ngay. Đơn đặt hàng tiếp tục được gửi về. Sang năm 1988, ông Mười Hưng đã sẵn sàng "chơi lớn", đầu tư 300 cây vàng để liên kết với một công ty ở thị xã Châu Đốc đóng 10 bè gỗ nuôi cá ba sa trên sông Hậu, cam kết bao tiêu toàn bộ. Nghề nuôi cá ba sa xuất khẩu chính thức hình thành tại Việt Nam. Thị trường tiêu thụ cũng bắt đầu lan từ Úc sang nhiều lục địa khác. Con cá ba sa từ dòng sông Hậu đã bắt đầu hành trình bơi ra bốn bể
Sang đầu thập niên 1990, để đáp ứng nhu cầu cá ba sa ngày càng nhiều, những công ty chế biến xuất khẩu bắt đầu chú ý tới việc thay thế dần con cá ba sa bằng cá tra. Cũng là cá da trơn nhiều thịt béo, bụng mỡ, cá tra có màu thịt không trắng đẹp như cá ba sa nhưng bù lại nó có thể chịu mật độ cao hơn, sống khỏe. Một bè nuôi cá ba sa có thể dùng để nuôi nhiều cá tra hơn. Mặt khác, khi được giới thiệu ra thị trường quốc tế, thịt cá tra vẫn được ưa chuộng như thường, bởi giá còn thấp hơn cá ba sa. Cá tra bắt đầu trở thành con cá da trơn được nuôi nhiều nhất và chiếm lĩnh dần thị trường xuất khẩu thay cá ba sa.
Con cá tra trước thường được nuôi trong các ao đất nhỏ rồi được người dân thả vào bè nuôi xuất khẩu. Khi đã "chinh phục" được thị trường thế giới, con cá tra lại được người dân đào ao nuôi trở lại, và dĩ nhiên là trong các ao lớn ngày càng chất lượng hơn về mặt công nghệ, kỹ thuật nuôi.
Đến nay, gần 7.000ha cá tra đã được nuôi và phát triển khắp 10 tỉnh ĐBSCL, với sản lượng hơn triệu tấn, năng suất hơn 200.000 tấn mỗi hecta. Để có được lượng cá giống đáp ứng nhu cầu nuôi như hiện nay, một trong những cột mốc không thể bỏ qua là việc sinh sản nhân tạo thành công cá ba sa, cá tra.
Trước đó, nguồn giống luôn là điều khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu. "Ban đầu là vào mùa nước lũ bắt đầu rút, người ta dùng dụng cụ chuyên dụng để vớt "bọt" (phôi) cá tra để ương giống. Rồi sau khi ương nuôi giống ra, chúng tôi còn tổ chức đưa các chuyên gia, nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ ngược dòng Mekong lên đến tận Lào để tìm hiểu đặc tính con cá, mổ bụng xem nó ăn gì để cân đối thức ăn... Nói chung ban đầu chỉ toàn mày mò tìm kinh nghiệm" - ông Nhị kể.
Ông Nhị vẫn nhớ ngày 20-7-1995, ngày đầu tiên một mẻ cá 5.000 con giống ba sa được sinh sản nhân tạo thành công tại Trường ĐH Cần Thơ. Đó là thành quả của một quá trình nghiên cứu có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học đến từ Pháp. Sau đó, việc sinh sản nhân tạo cá ba sa lại tiếp tục được thử nghiệm trên con cá tra. Và kết quả thậm chí mỹ mãn hơn, con cá tra còn sinh sản nhân tạo mạnh hơn nhiều so với cá ba sa.
Kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá tra bột (cá giống) ngay sau khi được hoàn thiện đã chuyển giao rộng rãi cho người dân. Con cá tra phát triển không ngừng sau đó. Chỉ trong 10 năm sau khi được sinh sản nhân tạo, vào năm 2005, diện tích cá tra tại ĐBSCL đã mở rộng gần 5.000ha.
Nguồn nguyên liệu phong phú và diện tích mở rộng không ngừng tại ĐBSCL cũng đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về chế biến và xuất khẩu cá tra. Ngoài phần thịt philê là sản phẩm chính, chủ yếu được cấp đông để tung ra thị trường, chế biến thực phẩm, cá tra và cá ba sa còn được "nâng cấp" bằng các mặt hàng như da cá dùng để chiết xuất collagen, gelatin làm thuốc chống lão hóa, bột để chế biến thức ăn... Hàng trăm nhà máy chế biến ra đời, kéo theo sự đổi đời của rất nhiều hộ gia đình từ con cá tra trên khắp ĐBSCL.
Và dù thị trường cá da trơn vẫn đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nước như Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc..., đến nay Việt Nam vẫn dẫn đầu về số lượng xuất khẩu. Cao nhất vào thời điểm năm 2018, sản lượng cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, chiếm đến 42% sản lượng toàn cầu. Sản lượng cá tra ở Việt Nam năm đó cũng đạt đến 1,3 triệu tấn, chiếm đến 45% sản lượng cá tra trên toàn thế giới. Trong liên tiếp hai năm 2018, 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng con cá tra đều đạt trên mốc 2 tỉ USD, chiếm đến gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam.
Có lẽ đó cũng là lý do mà sau tượng đài con cá ba sa tại thị xã Châu Đốc, đến năm 2017 tượng đài cá tra lại được UBND thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp khánh thành. Đồng Tháp cũng là tỉnh đang có diện tích ao nuôi cá tra lớn nhất, chiếm đến 34% diện tích nuôi.
Và cả hai tượng đài cá ba sa, cá tra khi xây dựng đều được người dân ĐBSCL hết sức đồng tình.
Một trong những sản phẩm xuất khẩu đạt hàng tỉ USD khác của Việt Nam là trái cây. Và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đóng góp lớn nhất khi có đến hơn 34% diện tích vườn cây ăn trái của cả nước. Quan trọng hơn, vùng đất sông nước trù phú này bao nhiêu năm qua vẫn luôn được xem là cánh chim đầu đàn giúp thay đổi sâu sắc diện mạo trái cây trên toàn bản đồ hình chữ S
Sự tăng tốc phát triển nhanh chóng này của ngành trái cây Đồng bằng sông Cửu Long có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động của Viện cây ăn quả Miền Nam.
“Tôi nghĩ công lao lớn nhất thuộc về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Không có tầm nhìn của ông Sáu Dân thì ngành trái cây Việt khó đạt thành tựu như hiện nay”- tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, chuyên gia hàng đầu về cây ăn trái Việt Nam, mở đầu khi được hỏi về những cột mốc phát triển của trái cây Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều mà ông Châu muốn đề cập đến chính là việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập Trung tâm cây ăn quả Long Định vào năm 1994, sau đó nâng tầm thành Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) vào năm 1997.
Ông Châu cũng chính là viện trưởng đầu tiên của SOFRI từ khi thành lập năm 1994 đến khi ông về hưu vào năm 2014. “Trước đó, chúng ta chỉ đưa sang Liên Xô một số trái cây như khóm, chuối từ các hợp tác xã. Các thứ như xoài, cam ... chủ yếu trồng vườn rồi đem bán chợ, bán dạo ở các bến phà, ven đường quốc lộ. Việc nghiên cứu khoa học liên quan đến cây ăn trái chủ yếu do Trường đại học Cần Thơ đảm trách và họ cũng có công lao rất lớn khi cho ra những công trình khoa học như việc xử lý ra hoa trên cây xoài, sầu riêng, ...” - ông Châu kể.
Nhưng so với nhiều nước có cùng thổ nhưỡng phù hợp để trồng trái cây nhiệt đới như Thái Lan, Philiphin, Malaysia, lúc đó Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn chủ yếu tự phát trong việc phát triển diện tích vườn, chưa có tên trên “bản đồ trái cây” thế giới. Việc thành lập SOFRI đã đánh dấu một bước lớn, xác định rõ ràng mục tiêu đưa cây ăn trái trở thành một loại hình kinh tế quan trọng trong ngành nông nghiệp về sau.
Được giao lãnh đạo một trung tâm khoa học còn non trẻ, mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên, cũng chính nhờ Việt Nam đổi mới, bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao trở lại với Mỹ, ông Châu đã tiến hành ngay việc hợp tác với các nước đã phát triển cây ăn trái, gửi cán bộ đến Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Pháp, Newzealand, Mỹ, Úc... Bên cạnh việc tạo ra đội ngũ khoa học, những tiến sĩ, thạc sĩ hàng đầu về cây ăn trái cho Việt Nam về sau, những hợp tác này cũng là cơ sở để tiếp cận được các mô hình phát triển kinh tế về cây trái của thế giới.
“Thời điểm thành lập SOFRI cũng là thời điểm bệnh vàng lá Greening đang hoành hành, nó được ví như căn bệnh thế kỷ mang tính hủy diệt đối với cây có múi. Lúc đó, tôi phải lập tức hợp tác với một tổ chức từ Pháp sang để tìm cách tiêu trừ. Và Đồng bằng sông Cửu Long sau đó cũng là nơi đầu tiên kiểm soát được bệnh này nhờ vào việc quản lý khâu trung gian truyền bệnh là con rầy chổng cánh ...”- ông Châu hào hứng kể lại một bước đánh dấu cho trung tâm khoa học mang tầm thế giới về trái cây nhiệt đới tại Đồng bằng sông Cửu Long.
“Lúc đó, Bộ trưởng nông nghiệp Nguyễn Công Tạn cũng hết sức ủng hộ, luôn tạo điều kiện cho SOFRI thực hiện bất cứ chương trình hợp tác nào trên thế giới. Những Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, ... cũng đều ghé thăm, tạo nguồn động lực rất lớn cho chúng tôi tiếp tục thấy được tầm quan trọng của việc phát triển cây ăn quả”- ông Châu kể tiếp.
Ngoài nghiên cứu khoa học, điều lớn nhất mà SOFRI làm được là đã định hình lại được hướng trồng cây ăn trái một cách chuyên nghiệp. “Để phát triển bền vững, đầu tiên phải có cây giống tốt. Ở Đồng bằng sông Cửu Long thì ta phải kiếm cho ra được giống tốt nhất của vùng để nhân rộng. Đó là lý do tôi tổ chức hội thi cây giống tốt vào tháng 4 năm 1996” - ông Châu nói thêm.
Cuộc thi tuyển chọn cây giống tốt lần đầu tiên giới hạn việc nộp đơn 2 tháng, và thành công ngoài mong đợi khi có hàng trăm nhà vườn tham gia. Ban giám khảo lúc bấy giờ gồm lãnh đạo của SOFRI và các tỉnh đã cùng nhau đi chấm. “Không đơn giản đâu nha, vì tính kèn cựa địa phương cao lắm. Như cây xoài không cũng có đến mấy vùng gửi đơn tham gia. Có điều, khi thăm cây, xem và thưởng thức trái xoài cát Hòa Lộc, thì hết thảy đều đồng tình. Không một ý kiến cãi cọ” - ông Châu cười kể.
Liên tiếp sau đó, những cuộc thi cây giống tốt, trái ngon lần lượt diễn ra với số lượng tham dự ngày càng nhiều, mở rộng cả miền Nam Những cây trái được giải trong các cuộc thi này về sau đều là những cây đầu dòng mang thương hiệu lớn như xoài cát Hòa Lộc trồng ở vùng nông trường sông Hậu (Cần Thơ), sầu riêng Chín Hóa ở Cái Mơn, bưởi da xanh ở Mỏ Cày (Bến Tre), bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa (Vĩnh Long), măng cụt ở cù lao Tân Quy (Trà Vinh) ...
Những cây đầu dòng được SOFRI chứng nhận được các nhà vườn đổ xô tìm đến, cùng với kỹ thuật nhân giống và chăm sóc cây ngày càng hoàn thiện, đã dần thay đổi “sức khỏe” chung cho các vườn cây khắp Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng để trái cây Việt Nam có được thương hiệu chất lượng trên thế giới thì phải mất đến một thập niên nữa. Năm 2005, khi được một nhóm chuyên gia Mỹ qua huấn luyện về việc tổ chức xây dựng trái cây theo tiêu chuẩn GLOBALGAP, EUREGAP và cho biết về các rào cản kỹ thuật của các thị trường như Châu Âu, Mỹ, Nhật ..., những chuyên gia hàng đầu về trái cây Việt Nam khi ấy như ông Châu phải thốt lên “không thể”.
“Vậy mà đến năm 2006, ta đã xây dựng được vườn đủ tiêu chuẩn để đưa trái thanh long lần đầu xuất khẩu sang thị trường nổi khó tính nhất là Nhật Bản. Rồi những vườn xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm roi, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm, nhãn cũng nối tiếp xuất ngoại. Đánh dấu một giai đoạn trái cây Việt được ồ ạt các nước chấp nhận, xuất đi được 60 quốc gia, thu hàng tỉ USD như hiện nay. Không chỉ nhờ chính sách khuyến khích nhà nước, mà phải nói dân ta quá giỏi” - ông Châu gật gù nhận định.
Với sự hỗ trợ của SOFRI, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây đặc sản hàng hóa tập trung như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang và TP.Cần Thơ), xoài cát Chu (Đồng Tháp), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng), bưởi da xanh (Bến Tre), quýt Hồng Lai Vung (Đồng Tháp), thanh long (Tiền Giang, Long An, Bình Thuận)... SOFRI cũng đã tạo ra được nhiều giống cây được bộ chứng nhận, mang hiệu quả kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng, cam mật không hạt, ... Đây cũng chính là nguyên nhân giúp ngành trái cây có những bước tiến nhảy vọt lên hàng tỉ USD trong một thời gian ngắn.
Nếu như sông Bảo Định nối liền TP.Tân An (Long An) đến TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), hay kênh Thoại Hà từ TP.Long Xuyên (An Giang) xuống TP.Rạch Giá (Kiên Giang), kênh Vĩnh Tế nối TP.Châu Đốc (An Giang) qua Hà Tiên (Kiên Giang)... do triều Nguyễn đào từ hàng thể kỷ trước đến nay vẫn được nhắc như thời kỳ khai hoang mở đất quan trọng định hình nên vùng Tây Nam Bộ, thì hẳn lịch sử mai sau cũng sẽ ghi nhận những công cuộc khai phá nối tiếp trong hai thập kỷ 1980, 1990 đã biến hàng trăm ngàn ha đồng bưng thành cơm ăn, áo mặc.
Đến nay, việc biến đổi khí hậu, hạn mặn phức tạp khiến công cuộc ngọt hóa vẫn tiếp diễn, hàng năm vẫn cần hàng trăm tỉ đồng cho việc nạo vét kênh mương. Nhưng ký ức những người gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1975 đến nay vẫn xem việc đào kênh khai phá Đồng Tháp Mười và hệ thống kênh T4-T5-T6 từ An Giang về Kiên Giang là hai công trình quan trọng nhất để tăng tốc vùng kinh tế rộng lớn phía Tây Nam.
Mỗi lần ghé thăm nhà lão nông Nguyễn Văn Thành ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An, chúng tôi thường được ông nhắc lại thời trai trẻ lội bùn mở đất. Ông Thành đến nay vẫn còn hơn 60ha đất lúa, kết quả cuộc khai phá Đồng Tháp Mười mà ông và những người đã tham gia đều không tiếc lời cho là "vĩ đại".
Câu chuyện từ khi hòa bình vừa lặp lại, ông Thành từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) về xứ này để lập nghiệp. Lúc bấy giờ, vùng Đồng Tháp Mười giữa ba tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang mỗi khi mùa lụt về thì một màu mây nước lênh láng. Mùa nước rút thì toàn cỏ dại phèn chua. Những người theo các nhánh rạch từ khắp nơi đổ về đây đi đâu cũng cắp theo cuốc xẻng, đốt cỏ khai hoang rồi chực chờ con nước lũ để khơi nước ngọt vào đồng, làm một vụ lúa cầu may.
"Lúc đó chỉ trồng lúa mùa, may mắn thì được chừng 2 tấn mỗi ha, còn bình thường thì ... mất mùa, sống nhờ vào cá mú đánh bắt trong mùa lũ. Sau đó, việc đào kênh Trung Ương làm mọi thứ thay đổi. Không có tuyến kênh này thì không có một năm ba vụ, càng không có chuyện một ha lúa mỗi vụ được 6 tấn, 7 tấn, thậm chí 9 đến 10 tấn như giờ" - ông Thành kể.
Gọi là kênh Trung Ương, bởi do đó là chủ trương đúng đắn của nhà nước được người dân hết sức đồng tình, ủng hộ vào thời điểm những năm đầu khai phá Đồng Tháp Mười mà ông Thành. Năm 1977, trong khi khu vực hạ Đồng Tháp Mười phía Đồng Tháp có kênh 500 dài 20km nối từ huyện Cai Lậy sang huyện Tân Phước được sức thanh niên thời ấy đào trong 3 tháng, thì trên vùng thượng gần biên giới, con kênh Trung Ương cũng được bắt đầu xẻ từ huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Hàng ngàn người được chia thành từng tốp, phân ra từng đoạn để đào. Lọt thỏm giữa đồng bưng cỏ dại không có nước ngọt, việc đào bới khi đó gian nan không kể siết. Sống tạm trong các lều bạt tránh nắng mưa, phần ai lấy nước thì đi lội bộ nhiều cây số lấy nước đem về sinh hoạt, phần ai đào thì sáng ra cắm mặt mà đào.
Tuy nhiên, cả con kênh 500 lẫn kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đào đến đầu thập kỷ 80 vẫn chưa có tác dụng, bởi đất đai trải qua hàng ngàn năm nhiễm phèn, cứ hễ kênh đào đến đâu thì phèn lại đóng lớp đỏ quạch đến đó. Công sức đào kênh như muối bỏ biển không đem lại gì khiến những ý kiến đào kênh là "mở rộng phèn, giết Đồng Tháp Mười" xuất hiện.
Phải đến những năm đầu thập niên 1980, chương trình khoa học đầu tiên nghiên cứu tổng hợp về Đồng Tháp Mười được thành lập, đích thân ông Võ Văn Kiệt khi ấy đương là chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, phó chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng, xuống khảo sát nhiều lần, động viên người dân tiếp tục kiên trì đào kênh.
Năm 1984, kênh Trung Ương được đào xong, người ta mới thêm niềm tin việc đào kênh là hữu ích. Nước ngọt phù sa tràn về đẩy lui dần phèn chua, đưa người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà sinh sống. Còn ở phía Tiền Giang, phải đào tiếp con kênh Trương Văn Sanh nằm song song và cách kênh 500 khoảng 5km để đưa thêm nước ngọt vào.
Những con kênh nhỏ cấp 2, cấp 3 khác cũng từ đó hòa vào dòng kênh chính, thay da đổi thịt Đồng Tháp Mười. Kênh đào tới đâu, cỏ dại được thay bằng lúa tốt tươi đến đó. Lúa tăng dần lên hai vụ, rồi ba vụ với năng suất mỗi vụ vọt lên gấp hai, gấp ba mỗi vụ mùa trước đây.
Nếu vùng Đồng Tháp Mười cần đưa nhanh nước ngọt vào để rửa phèn thì vùng tứ giác Long Xuyên lúc bấy giờ cần nhanh chóng xả nước từ những đợt lũ dồn dập từ phía Campuchia tràn về. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - vẫn nhớ những phản đối của phía tỉnh bạn khi họp bàn triển khai hệ thống kênh nối từ An Giang. "Họ không chịu vì sợ khi đào kênh xong thì sẽ đưa nước lũ tràn ngập xuống gây ngập lụt, và khiến đất tỉnh bên nhiễm thêm phèn.
Cũng may lúc bấy giờ, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là người cực kỳ am hiểu đồng bằng. Ông lại có kiến thức rất sâu rộng về việc đào kênh mương cải tạo đất. Thủ tướng đã quyết định. Đó là lý do kênh T5 vào năm 2009 được đổi tên là kênh Võ Văn Kiệt" - ông Nhị nói.
Từ quyết định của Thủ tướng, công trình kênh T5 dài 48km bắt đầu được khởi công vào tháng 4- 1997 tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang. Thời điểm đó, một vùng rộng lớn từ huyện Tri Tôn qua tới huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang chỉ là vùng đất hoang dại toàn lau sậy, bụi rậm. Lũ về thì chìm sâu trong nước, hết lũ thì nắng cháy khô queo, nước đỏ quạch màu phèn.
Ngày khởi công, người dân đổ ra xem mừng, cổ vũ anh em có những nhát xáng đầu tiên thuận lợi. Đã có máy móc hỗ trợ, nhưng những công nhân đào mương vẫn vượt qua muôn trùng trở ngại như thiếu nước, đưa máy móc vượt lau sậy, tràm bưng, ... Đầu tiên họ phải đưa xe múc đất dọn sạch cây cỏ, lau sậy. Tiếp đó mới đưa tàu chở xáng cạp dần dần tiến vô từ phía kênh Vĩnh Tế, múc đất làm ranh rồi mới từ từ đào sâu giữa lòng, đủ đáy rộng đến 20m, mặt đến 36m để cho ghe có thể qua lại.
"Lãnh đạo tỉnh xuống khuyến khích, đôn đốc anh em thường xuyên, nhờ đó con kênh T5 trở thành một trong những con kênh có thời gian đào kỷ lục, kịp tiến độ 4 tháng" - ông Nhị kể. Đến tháng 8-1997, con kênh quan trọng nhất vùng tứ giác Long Xuyên này đã có thể kịp xả mùa lũ đầu tiên cho nước tràn thẳng về Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Giang để hòa với các nhánh sông khác ra biển. Hàng triệu khối đất được múc lên đắp hai bên bờ tiếp tục là nơi để người dân tụ về sinh sống, đưa lúa về gieo trồng.
Từ dòng kênh T5, kênh T4 được đào và kênh Vĩnh Tế được nạo vét. Lũ được điều tiết, phèn chua được rửa. Hàng chục ngàn ha đất trải từ An Giang sang Kiên Giang trở thành vựa lúa năng suất cao của cả nước và phát triển những thị tứ đông đúc, đầy sức sống hôm nay.
Khi phù sa dòng Mekong theo các kênh đào lan tỏa khắp đồng bằng, nông dân dễ dàng cho ra những mùa lúa bội thu, thì cũng là lúc thị trường thu mua kiểu cũ dần bị phá vỡ. Họ dễ rơi vào những vòng lặp "được mùa mất giá"...
Để cứu nông dân thoát khỏi những vụ mùa bội thu nhưng lại bị mất giá, thua lỗ, việc liên kết sản xuất trên diện rộng để kêu gọi doanh nghiệp vào bao tiêu từ trước mùa vụ cũng bắt đầu được ứng dụng rộng rãi. "Cánh đồng mẫu lớn" từ đó ra đời.
PGS.TS Dương Văn Chín - nguyên phó viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long - khi nghe hỏi về khái niệm "cánh đồng mẫu lớn", đã nhớ ngay đến ngày Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức phát động mô hình này vào ngày 26-3-2011.
Trước đó, Đồng bằng sông Cửu Long đã tiên phong định hình nên những mô hình kỹ thuật thâm canh theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo như "3 giảm - 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ - giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh - giảm lượng phân đạm - tăng năng suất lúa - tăng chất lượng lúa gạo - tăng hiệu quả kinh tế), "1 phải - 5 giảm" (phải sử dụng giống lúa được xác nhận - giảm lượng giống gieo sạ - giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật - giảm lượng phân đạm - giảm lượng nước để tiết kiệm nước - giảm thất thoát sau thu hoạch), hay "cánh đồng một giống", "cánh đồng hiện đại", "cánh đồng lúa chất lượng cao"...
"Và cánh đồng mẫu lớn là mô hình hoàn chỉnh nhất, với mục tiêu chính là liên kết bốn nhà: nhà nông - nhà bao tiêu (doanh nghiệp) - Nhà nước - nhà khoa học" - PGS.TS Chín nói thêm.
Về cơ bản, người nông dân khi sản xuất sẽ liên kết với nhau để đồng bộ quy trình, đưa ra phương thức đồng nhất để tạo ra những vùng nguyên liệu sản phẩm rộng lớn. Sản phẩm này sẽ đủ tiêu chuẩn để doanh nghiệp vào làm các hợp đồng ký kết tiêu thụ nông sản từ người nông dân. Nhà nước và nhà khoa học sẽ đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và kêu gọi các doanh nghiệp và nông dân tham gia.
Khi tham gia mô hình này, người nông dân sẽ yên tâm phần nào về việc sản phẩm đầu ra, vì đã có doanh nghiệp bao tiêu. Doanh nghiệp cũng có nguồn nguyên liệu lớn để chuyên tâm lo đường tiêu thụ ra thị trường.
Sau lễ phát động mô hình cánh đồng mẫu lớn trên khắp các tỉnh Tây Nam Bộ tại Cần Thơ vào năm 2011, 13 tỉnh, thành đều hưởng ứng, đưa mô hình này vào các nghị quyết để phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2012, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tiếp tục có công văn gửi các tỉnh phía Bắc tiếp tục thí điểm xây dựng mô hình này. Những cánh đồng mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long trở thành mô hình sản xuất được nhiều tỉnh, thành từ miền Bắc cho đến miền Trung vào tham khảo.
"Từ khi có cánh đồng mẫu lớn, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng hiệu quả nhất đối với ngành nông nghiệp" - ông Lưu Hoàng Ly, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, nhận định. Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, các thành viên, xã viên tổ hợp tác sẽ được các lợi ích như cần sản xuất giống gì thì công ty sẽ cung cấp giống đó, chủ động được nguồn nước, bơm tát tập trung, ít tốn công và thời gian, được bao tiêu sản phẩm đầu vào, đầu ra và có giá tốt.
Đúc kết lại, ông Ly cho biết nếu tính riêng về cây lúa, khi nông dân đồng loạt xuống giống, sản xuất từ 1 - 2 giống lúa chất lượng cao, không chỉ tạo vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đảm bảo lợi ích thiết thực giữa các bên tham gia liên kết.
Về phía nông dân cũng nâng cao nhận thức trong liên kết làm ăn, thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập... Người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng dần quen với việc "san phẳng mặt ruộng bằng tia laser", hay việc phun thuốc trừ sâu trên diện rộng bằng máy bay không người lái...
Ngoài năng suất tối ưu, việc sản xuất lớn còn được cho là giảm thiểu tác động môi trường đến mức tối đa. Điều này thay đổi rất lớn đến quá trình hiện đại hóa toàn bộ nền nông nghiệp tại Việt Nam.
Do đó, ngay sau cây lúa, những cây khác như dừa, thanh long, chuối... cũng bắt đầu hình thành những cánh đồng mẫu lớn hàng chục, hàng trăm hecta. Khái niệm cánh đồng mẫu lớn giờ đây không còn chỉ dành cho những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, mà đã là khái niệm chung cho ngành sản xuất nông nghiệp.
Ông Võ Quan Huy - người đưa được chuối Việt Nam chinh phục thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản vào năm 2016 - cũng nhận định: "Không có mô hình liên kết và sản xuất lớn, rất khó để có nguồn nguyên liệu dồi dào mà đồng nhất được tiêu chuẩn để các thị trường khó tính chấp nhận".
Theo mô hình sản xuất chuối của thương hiệu FOHLA mà ông Huy tạo ra hiện nay, việc sản xuất phải đồng bộ từ các khâu tạo cây giống, làm nhà xưởng, tạo cáp treo tự động hóa để đưa chuối từ vườn vào thẳng xưởng chế biến...
"Nếu chỉ trồng nhỏ lẻ kiểu vài sào thì không thể đầu tư đồng bộ như vậy được. Với thị trường khó tính hiện nay như Nhật, Mỹ, châu Âu, quy trình sản xuất vô cùng quan trọng. Họ theo dõi sát sao từ khâu cây giống đến đóng gói sản phẩm, thì bắt buộc chúng ta phải làm những cánh đồng lớn mới được họ chấp nhận" - ông Huy cho hay.
Để khắc phục, nhiều nơi đã phát triển mô hình này theo kiểu khác, như tổ chức lại hợp tác xã kiểu mới, có đại diện đứng ra thương thảo với các đơn vị thu mua. Hoặc như trường hợp Công ty FOHLA của ông Võ Quan Huy giờ đây đã mở ra mô hình kiểu mới để liên kết với nông dân sản xuất chuối.
Theo đó, Công ty FOHLA của ông Huy sẽ cùng hợp tác với người dân có đất để trồng chuối, với số vốn đầu tư ban đầu được chia đều 50/50. Việc trồng chuối hoàn toàn theo tiêu chuẩn, kỹ thuật và quy trình mà FOHLA đưa ra.
Người chủ đất sẽ lo phần nhân công, và số tiền công lao động này cũng được tính luôn vào số tiền đầu tư, trong trường hợp người dân có đất tự bỏ công ra thì họ cũng sẽ được nhận số tiền này. Khi thu hoạch, toàn bộ chuối sẽ được phía ông Huy thu mua theo giá đã ký kết từ đầu. Sau khi tổng doanh thu trừ đi chi phí đầu tư ban đầu, lợi nhuận sẽ lại được chia 50/50.
Với mô hình liên kết kiểu doanh nghiệp và nông dân cùng sản xuất này, sẽ không có tình trạng một bên "bẻ cọc". Hiện mô hình này đang được rất nhiều nông dân hưởng ứng. Chỉ trong vòng một năm qua, gần 200ha đất ở Long An, Tây Ninh, Đồng Nai đã được người dân cùng tham gia trồng chuối với FOHLA.
TS Võ Hùng Dũng - nguyên giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - cho rằng Đảng, Chính phủ đã quyết định đổi mới để Việt Nam thoát cảnh thiếu đói và thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng những quyết định ấy dựa trên nghiên cứu căn cơ, thận trọng và khoa học.
Nhiều năm công tác từ cơ quan quản lý nhà nước lẫn cơ quan tham vấn chính sách cho Nhà nước và hiện là phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Dũng nói: "Tôi sinh ra ở vùng đất này - Đồng Tháp và đã có suy nghĩ nhiều về ĐBSCL".
* Là người có thời gian làm việc hầu như xuyên suốt ở ĐBSCL, ông ấn tượng về cột mốc nào của quá trình đổi mới?
- Tôi nhớ lúc khai phá Đồng Tháp Mười, dân Đồng Tháp đi xuồng xuống Cà Mau mua lúa, gạo. Lúc đó mỗi năm chỉ một mùa. Tháng 4-5 sạ, chờ nước, phụ thuộc thiên nhiên ghê gớm. Đất ruộng nhiều vậy mà dân thiếu ăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn thấy vấn đề, tập trung khai phá Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Lúc đó ở đây rất phèn. Thậm chí có chuyên gia Hà Lan cho hay phèn này cải tạo không được. Nhưng sau đó từ chỗ thiếu ăn, ĐBSCL trở thành nơi đóng góp lớn cho quốc gia.
Lúa gạo là "bao tử" của Việt Nam, không có lúa gạo thì đừng bàn công nghiệp hóa, nên lúc đó Trung ương, Chính phủ tập trung làm sao có gạo ăn. Nhờ có chương trình Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên tập trung mảng thủy lợi thì mới có lúa gạo cho trong nước đủ ăn, có xuất khẩu. Năm 1987 xuất khẩu nhỏ, năm 1989 xuất khẩu triệu tấn, có ngoại tệ để nhập phân bón, xăng dầu phục vụ nông nghiệp.
Nhờ những cái đó mới có công nghiệp hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy vấn đề sớm. Lúc đó tôi gặp thầy của tôi, tôi có hỏi đi đâu thì ông nói đi họp, ông Kiệt mời họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Sau này nghiên cứu sâu tôi mới thấy những chương trình Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên được Chính phủ làm trên cơ sở nghiên cứu rất căn cơ.
* Cụ thể, việc "căn cơ" đó là gì, thưa ông?
- Lúc đó, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước do GS Nguyễn Ngọc Trân chỉ đạo chương trình điều tra cơ bản về ĐBSCL. Tức là làm rất cơ bản, chứ không làm ẩu. Sau đó tới chương trình nghiên cứu của một tổ chức Hà Lan (do Ngân hàng Thế giới tài trợ theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam). Năm 1993, tổ chức đó công bố nghiên cứu báo cáo về tài nguyên nước, đất để khuyến nghị một số chính sách liên quan khai thác thủy lợi nhằm thiết kế cho giai đoạn sau năm 1990. Chính phủ làm rất thận trọng, căn cơ, quyết liệt nhưng không bỏ qua khoa học.
* Theo ông, đâu là động lực chính trong việc bứt phá ngoạn mục của lúa gạo Việt Nam từ không đủ ăn cho tới đủ ăn và xuất khẩu hàng đầu thế giới?
- Tôi nhớ có lẽ vào khoảng những năm 1985-1986, ở ĐBSCL có ý kiến không đồng ý kiểu áp đặt giá lúa gạo theo giá Chính phủ quy định và sau đó việc áp giá này đã bị bỏ đi. Việc áp giá này thể hiện qua người dân sản xuất ra lúa gạo thì phải bán lại cho Nhà nước (qua các công ty lương thực). Không bán thì Nhà nước cử cán bộ tới nhà đo bồ lúa, chỉ để lại đủ ăn, còn lại phải bán cho Nhà nước. Khi xóa tình trạng này (vào những năm 1986-1987), sản xuất mới có sức sống và trở thành động lực tăng gia sản xuất trong người dân.
Còn một quyết sách nữa là xuất khẩu. Lúc đó trong Nam làm ra gạo nhưng xuất khẩu không được, vì ngoài Bắc thiếu ăn, lúa gạo phải chở ra đó nếu trong này có dư. Nhà xuất khẩu đã ký hợp đồng đi hàng (lúc đó chủ yếu xuất khẩu ở khu vực như Singapore, Hong Kong...) mà lệnh không được đi thì hàng bị đọng ở cảng ngay. Cứ đến gần tết là rối vụ chở hàng đi.
Vì vậy, gạo không lưu thông bình thường trên thị trường. Các công ty xuất khẩu bị trễ hàng hoặc không giao hàng được ra nước ngoài hoặc tàu không đi thì không chở hàng từ nước ngoài về. Phải trải qua nhiều cuộc họp, cuối cùng cũng đạt được "xuất cứ xuất, chở ra Bắc cứ chở". Từ đó các công ty ngoài Bắc lập văn phòng trong Nam để mua gạo đã làm sôi động thị trường. Dân thấy có lợi, làm nhiều.
* Là người gắn bó nhiều năm với con cá tra, ông đánh giá gì về bước "đại nhảy vọt" của sản phẩm này, thậm chí "nói tới đồng bằng là nói tới con cá tra"?
- Khác với lúa gạo, cá tra là loại hàng không bị ngăn cấm, không bị hạn chế, nên rất tự do. Khi xuất khẩu được, người ta thấy lời kinh khủng nên đổ xô đầu tư nuôi, và những năm 2005-2008 thật sự bùng nổ. Chính phủ bật đèn xanh, các tỉnh khuyến khích dân nuôi cá, bỏ vốn làm ăn, không ngăn cấm nhưng để dân tự do. Người ta đổ xô nuôi cá.
Ở đây hoàn toàn là vấn đề thị trường, không có ràng buộc khó khăn gì trong chính sách về cá. Khi thấy tốt lên thì Chính phủ hỗ trợ qua chính sách tín dụng lập nhà máy, xem xét cho dân mở ra vùng nuôi để làm. Tuy nhiên, cá tra tới nay có nhiều thăng trầm. Tôi cho rằng bất cứ sản phẩm nào cũng có trục trặc, khó khăn, đó là vấn đề thị trường, ngành nào cũng có rủi ro rình rập.
* Theo ông, để miền Tây bứt phá hơn nữa trong thời gian tới thì cần tháo gỡ những rào cản gì?
- Trước đây, tôi nói về tháo gỡ hai rào cản là giao thông và nguồn nhân lực, nhưng bây giờ, theo tôi, còn một rào cản nữa là ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra, trong vấn đề đất đai cần định giá đất thế nào cho người trồng lúa có lợi, bởi hiện nay họ gặp những bất lợi (không có tài sản thế chấp ngân hàng), rất khó tiếp cận thị trường. Dư nợ tín dụng quốc gia, khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 8%. Dân số chiếm 18%, nhưng tín dụng chỉ vậy, nguồn lực tín dụng thấp như vậy lấy đâu ra để làm ăn, đầu tư. Đây là vấn đề thể chế lớn liên quan tới chính sách ngân hàng, liên quan tới vấn đề tài sản, quyền tài sản, đất đai của nông dân.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận