Phóng to |
Tên lửa Hàn Quốc rời bệ phóng ở Trung tâm không gian Naro - Ảnh: Reuters |
Theo chuyên gia Pinkston, hiện môi trường khu vực châu Á đang cực kỳ cạnh tranh. Hôm 30-1, Hàn Quốc đã phóng thành công một vệ tinh vào vũ trụ. Cuối năm 2013, Trung Quốc sẽ phóng tàu Hằng Nga 3 không người lái vào vũ trụ để thám hiểm bề mặt của Mặt trăng. Ấn Độ cũng sẽ đưa tàu vũ trụ không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa trong tháng 11-2013. Tháng 7-2012, Nhật lần đầu tiên đưa ra chiến lược không gian nhằm giám sát các chính sách chinh phục vũ trụ. Ủy ban chuyên gia của Bộ Khoa học và công nghệ Nhật Bản còn kêu gọi đưa robot lên Mặt trăng đến năm 2015 và xây dựng một căn cứ trên đó vào năm 2020.
Cuộc đua nóng bỏng
Đây được xem là hướng đi chiến lược của chương trình thám hiểm không gian của Nhật trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở châu Á hiện nay. Kyodo dẫn lời các chuyên gia về chính sách không gian của Nhật cho rằng một chương trình không gian thành công sẽ trở thành một thứ “quyền lực mềm” giúp nước này gia tăng ảnh hưởng và vị thế trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Tân Hoa xã cho biết Bắc Kinh có tham vọng đưa người lên Mặt trăng vào năm 2020. Bắc Kinh đã chi khoảng 39 tỉ nhân dân tệ (6,1 tỉ USD) cho chương trình vũ trụ trong 20 năm qua. Tháng 12-2012, CHDCND Triều Tiên chính thức gia nhập hàng ngũ các quốc gia không gian khi cho phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh thời tiết Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo Trái đất trước sự bất ngờ của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ còn phóng thêm tên lửa dạng này trong tương lai.
Và Hàn Quốc mới đây trở thành nước thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới thành công trong chương trình chinh phục không gian. Các dịch vụ không gian thương mại dự kiến đem về cho Hàn Quốc 5 tỉ USD. Với việc phóng tên lửa Naro-3, Seoul đã bước vào câu lạc bộ không gian sau khi đầu tư hơn 500 triệu USD cho dù thực lực vẫn còn kém so với Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ.
Trong khi đó, Iran cũng khẳng định tham vọng không gian khi bắn tên lửa Kavoshgar 5 vào vũ trụ, mang theo một chú khỉ. Tehran khẳng định đây là bước chuẩn bị để nước này đưa người lên vũ trụ.
Chạy đua vũ trang?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng cuộc chạy đua vào không gian là bức bình phong cho cuộc chạy đua vũ trang trong bối cảnh những căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đang ngày càng leo thang. Hàn Quốc phóng tên lửa Naro-3 với tầm bắn lên tới 800km có thể làm tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Bởi nếu Naro-3 được sử dụng để đẩy một tên lửa đạn đạo, nó có thể vươn tới mọi khu vực tại Đông Á. Tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc hiện có thể chạm đến các thành phố dọc bờ biển miền đông của Trung Quốc, kể cả trung tâm tài chính Thượng Hải, các thành phố cảng sầm uất ở vùng đông bắc như Thiên Tân, Thanh Đảo, thậm chí cả thủ đô Bắc Kinh. Các đối thủ cạnh tranh của Hàn Quốc có thể sẽ trở nên lo lắng bởi Seoul là đồng minh thân cận của Washington ở châu Á.
“Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là việc Hàn Quốc có thể bị sử dụng như một trong những chiến lược ngăn chặn đầu tiên của Mỹ. Việc nâng tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc sẽ được sử dụng để kiểm soát hoặc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc” - CNN dẫn lời chuyên gia Cheong Wook Sik, giám đốc mạng Hòa bình của Hàn Quốc, nhận định.
Giới phân tích cho rằng qua thỏa thuận tên lửa mới hồi tháng 10-2012 với Hàn Quốc, rõ ràng Washington tán thành việc Seoul phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên, Washington vẫn cần thận trọng trước một cuộc đua vũ trang giữa các đồng minh. “Tôi không nghĩ Nhật sẽ hoan nghênh vụ phóng của Hàn Quốc - ông Cheong cho biết - Hàn Quốc và Nhật có rất nhiều trục trặc bao gồm tranh chấp về lãnh thổ. Lo ngại của Nhật Bản là Hàn Quốc có thể trở nên mạnh và mạnh hơn. Vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc có thể khiến Nhật đẩy mạnh vũ trang”.
Ngược lại, hơn tám năm trước, cộng đồng quốc tế cáo buộc Trung Quốc khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang dưới vỏ bọc là thử nghiệm một công cụ mới trong không gian. Bắc Kinh đã cho phóng tên lửa từ trung tâm vũ trụ Tây Xương ở miền trung Trung Quốc mang theo một phương tiện sát thương không có chất nổ. Khi phương tiện này tách khỏi tên lửa, nó tấn công một vệ tinh thời tiết Trung Quốc hoạt động ở độ cao 800km.
Ngay sau đó, Bắc Kinh tiếp tục phóng vệ tinh Thạch Giám (SJ)-12. Theo tạp chí Wired của Mỹ, ứng dụng quân sự của vệ tinh này cũng rất lớn, cho phép đến gần vệ tinh đối phương để do thám, thậm chí phá vỡ cấu trúc vệ tinh của đối phương. Giới chuyên gia cho biết tất cả các công nghệ không gian vũ trụ đều mang tính lưỡng dụng cho cả dân sự lẫn quân sự nên bất cứ cuộc thử nghiệm nào cũng gây nên tâm lý bất an cho khu vực và quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận