Phóng to |
Từ trái qua: Nhà văn Mạc Ngôn, nhà văn Trương Khiết, nhà văn Giả Bình Ao, nhà văn A Lai, nhà văn Mạch Gia, nhà văn Chu Đại Tân, nhà văn Tất Phi Vũ, nhà văn Lưu Tỉnh Long, nhà văn Liễu Kiến Vĩ và nhà văn Trương Bình - Ảnh: Baidu |
12 tác phẩm đó là Trần ai lạc định (A Lai), Quyết trạch (Trương Bình), Vô tự (Trương Khiết), Lịch sử đích thiên không (Từ Quý Tường), Anh hùng thời đại (Liễu Kiến Vĩ), Ám toán (Mạch Gia), Tần xoang (Giả Bình Ao), Ngạch Nhĩ Cổ Nạp hà hữu ngạn (Trì Tử Kiến), Hồ quang sơn sắc (Chu Đại Tân), Thiên hành giả (Lưu Tỉnh Long), Thôi nã (Tất Phi Vũ) và Oa (Mạc Ngôn).
Năm nào cũng có nhà văn tiếng tăm bị “dọn”
“...Sự kiện đề thi lấy (việc dọn vườn) Mạc Ngôn làm đề tài cũng không nằm ngoài dự đoán của mọi người, dù sao chủ nhân của giải Nobel năm 2012 cũng chính là điểm nóng của văn đàn đương thời. Có điều mọi người đừng quá chú tâm vào sự “nhạy cảm” của vấn đề mà nên chú ý đến tính định hướng của nó đối với người cầm bút hiện tại và tương lai” Mao Duy Kiệt (giám đốc Hội quán văn học Mạc Ngôn - Cao Mật) |
Giảo Văn Tước Tự là tạp chí trực thuộc Nhà xuất bản Văn Hóa Thượng Hải, chuyên “dọn vườn” những hoạt động có liên quan đến nghệ thuật ngữ ngôn, từ điện ảnh đến lý luận, phê bình văn học; từ các bài diễn thuyết đến các tác phẩm văn học, kể cả văn học mạng.
Phạm vi “dọn”, “nhai” là những hạn chế về tri thức văn hóa, lịch sử; những sai sót về mặt ngữ ngôn của tác giả đương đại với mục tiêu “gìn giữ sự thuần khiết và quy phạm của ngôn ngữ”...
Phương thức hoạt động là căn cứ vào kiến nghị của số đông độc giả, tạp chí sẽ nêu vấn đề để mọi người tham gia “dọn vườn”, hằng tháng sẽ đăng tải các bài viết của họ.
Từ năm 2000, tạp chí bắt đầu “nổ súng” vào các tác phẩm nổi tiếng của những tác giả đã thành danh. Năm ấy, Giảo Văn Tước Tự đã hướng độc giả chĩa nòng pháo về phía các nhà văn Vương Mông, Lưu Tâm Vũ... Từ đó đến nay, năm nào cũng có nhà văn tiếng tăm bị “dọn”. Đến năm 2010, một đợt “cắn nhai” đại quy mô được tiến hành và đối tượng của tạp chí là 12 nhà văn danh tiếng trên văn đàn năm ấy bao gồm Tất Phi Vũ, Tất Thục Mẫn, Trần Trung Thực, Trì Lợi, Trì Tử Kiến, Phương Phương, Lưu Chấn Vân, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Thiết Ngưng, Vương An Ức, Trương Hiền Lượng.
Và đến năm 2013 thì đối tượng của tạp chí là những tác phẩm đoạt giải Mao Thuẫn như đã nêu ở trên.
Trong đợt “dọn vườn” đại quy mô năm 2010, Mạc Ngôn là một trong những người bị “dọn” nặng nhất, đặc biệt là sự nhầm lẫn về những kiến thức lịch sử của nhà văn vừa đoạt giải Nobel năm 2012 này. Ví dụ, trong Đàn hương hình, Mạc Ngôn để cho những người phụ nữ chắp tay cúi người vái (củng thủ đả cung - ) để hành lễ với bề trên, nhưng thực tế thì thời nhà Thanh “củng thủ đả cung” chỉ dành cho nam giới, phụ nữ thì dùng phương thức “vạn phúc” (hai tay gập trước ngực, cẳng chân phải lệch, đồng thời cúi người). Hoặc như trong Tửu quốc, Mạc Ngôn nhiều lần dùng nhầm từ “trinh sát viên” của lĩnh vực quân sự thay cho từ “trinh tra viên” trong lĩnh vực tư pháp. Hoặc như trong Sống đọa thác đày, Mạc Ngôn cho Tề Hoàn Công là người thời Chiến Quốc nhưng đúng ra phải là thời Xuân Thu...
“Tôi chịu đựng được”
Trước việc “dọn vườn” của Giảo Văn Tước Tự, thái độ của các nhà văn bị “cắn nhai” năm 2010 nói chung đều thành khẩn tiếp nhận những ý kiến của độc giả, thể hiện tinh thần thật sự cầu thị. Sau đây lược trích ý kiến của họ.
Thiết Ngưng - chủ tịch Hội Nhà văn - rất sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của độc giả. Nghe tin tác phẩm của mình sắp sửa bị “cắn nhai”, nhà văn nói: “Rất tốt! Hoàn toàn đồng ý! Lôi ra những khiếm khuyết là điều tốt. Chúng tôi chịu trách nhiệm chung trước độc giả”.
Tất Phi Vũ tự tin: “Tôi đã xem qua tạp chí này. Biên tập rất tốt, họ đã làm việc thiện cho người khác. Độc giả cố gắng đưa hết vấn đề ra, tôi chịu đựng được. Nếu có thể thì cứ đánh ngã tôi, phán cho tôi tội tử hình. Ngay cả việc ấy mà không tiếp thu được thì hóa ra tôi là người quá nhu nhược sao?”.
Phương Phương và Trì Tử Kiến là hai tác giả nữ thành danh trên văn đàn đương đại. Khi nhận điện thoại của ban biên tập Giảo Văn Tước Tự báo tin tác phẩm sẽ bị “dọn”, Phương Phương nói: “Quá tốt! Đây là điều tốt. Anh hỏi tôi có sợ không à? Không sợ! Có gì đáng sợ đâu? Nếu có sơ suất mà được nêu ra để sửa là tốt lắm rồi”. Trì Tử Kiến thì nói: “Tôi từng là giáo viên ngữ văn, tôi luôn tôn trọng chữ nghĩa. Tôi tự dặn lòng là mình không được phạm sai sót nhưng có thể tôi chưa làm được điều đó. Tôi ủng hộ công việc của các anh”.
Tất Thục Mẫn từng hai lần tọa đàm cùng với ban biên tập tạp chí này, cho rằng việc làm của Giảo Văn Tước Tự là “một công việc vô cùng quan trọng để làm cho văn hóa “khỏe mạnh” lên”, đồng thời tự cổ vũ “mình phải dũng cảm lên một tí”.
Mạc Ngôn khi biết mình trở thành một trong 12 người bị “dọn” năm 2010 đã khẳng khái nói: “Khẳng định là có thể tìm thấy những sai sót trong tác phẩm của tôi. Đã có sai sót thì không được né tránh”.
Nhà văn còn cho biết thêm ông rất nghiêm túc trong việc sử dụng ngôn từ, sau khi hoàn thành bản thảo ông còn đọc lại ít nhất vài lần, chẳng hạn như tiểu thuyết Ếch đầu năm đã hoàn thành bản thảo nhưng ông phải đọc lại ba lần, đến cuối năm mới cho xuất bản.
Đối với công việc “dọn vườn”, Mạc Ngôn nêu quan điểm: “Người bàng quan thì rất tinh tế. Có một số vấn đề tôi nhìn không ra nhưng các bạn nhìn thấy rất rõ. Đây là công việc hữu ích!”. Ông còn nói: “Độc giả đã tìm thấy trong những cuốn sách của tôi nhiều điểm sai sót, chứng tỏ mọi người vẫn cứ yêu thích tôi, đồng thời cũng đã quất một roi thật mạnh vào tôi. Vậy tôi cần phải đáp nghĩa cho độc giả, không câu nệ gì mà tiếp tục viết”.
“Dọn vườn” Mạc Ngôn vào cả đề thi văn
Trong đợt dọn vườn năm 2013, đối tượng để độc giả “dọn” của Mạc Ngôn là tiểu thuyết Ếch (đã được dịch sang tiếng Việt), nhưng cho đến lúc này (tháng 6-2013) những bài “cắn nhai” của độc giả về tiểu thuyết này vẫn chưa được đăng tải (có lẽ độc giả đang tập trung vào những tác phẩm khác, hoặc chưa phát hiện sai sót của Ếch?). Xuất hiện rải rác gần đây là những ý kiến về việc sử dụng từ ngữ lẫn lộn nhập nhằng và sai hoặc nhầm lẫn về kiến thức lịch sử - văn hóa trong Ám toán của Mạch Gia, Trần ai lạc định của A Lai, Hồ quang sơn sắc của Chu Đại Tân...
Nhân đây cũng đề cập một sự kiện có liên quan với việc “dọn vườn” và gắn liền với tên tuổi của Mạc Ngôn là đầu tháng 6 năm nay, trong kỳ thi trung học của tỉnh Sơn Đông và TP Bắc Kinh, đề thi môn ngữ văn có yêu cầu thí sinh viết bài nghị luận về việc Mạc Ngôn tiếp thu những sai sót do Giảo Văn Tước Tự đưa ra. Đề thi này được dư luận xã hội quan tâm.
Báo Thanh Đảo Buổi Sáng ngày 9-6 bình luận: “Đề thi ngoài việc biểu hiện sự quan tâm đối với những vấn đề xã hội nóng bỏng còn tạo ra sự hứng thú cho mọi người khi nhìn nhận về các tác giả văn học. Thì ra các tác giả khi viết văn cũng thường phạm phải những sai sót”.
Báo này cũng cho biết chưa thấy phản ứng của Mạc Ngôn trước sự kiện này, bởi phóng viên của báo không thể liên hệ được với nhà văn. Bình luận vấn đề này, những người ngoài cuộc nhìn nhận một cách bình thản, như nhà văn nữ Liên Luyện cho rằng việc nhà văn viết sai một điều gì đó cũng là điều rất bình thường, bởi nội dung của tiểu thuyết thường đề cập quá nhiều vấn đề mà nhà văn không phải là vạn năng, không phải biết hết tất cả.
Mao Duy Kiệt, giám đốc Hội quán văn học Mạc Ngôn - Cao Mật, nói sự kiện đề thi lấy Mạc Ngôn làm đề tài cũng không nằm ngoài dự đoán của mọi người, dù sao chủ nhân của giải Nobel năm 2012 cũng chính là điểm nóng của văn đàn đương thời. Có điều mọi người đừng quá chú tâm vào sự “nhạy cảm” của vấn đề mà nên chú ý đến tính định hướng của nó đối với người cầm bút hiện tại và tương lai.
Giải thưởng văn học Mao Thuẫn do Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc sáng lập tháng 1-1981 nhằm động viên các tác giả sáng tác tiểu thuyết dài theo di nguyện của nhà văn Mao Thuẫn, kèm 250.000 nhân dân tệ trao tặng giải thưởng trước khi mất (1896-1981). Năm 1982 chính thức bình chọn tác phẩm đoạt giải lần thứ nhất. Giải thưởng nhắm vào những tiểu thuyết có độ dài 130.000 chữ trở lên, thời gian xuất bản trong vòng bốn năm, bình xét bốn năm một lần, mỗi lần có 3-5 tác phẩm đoạt giải. Mỗi lần xét giải, ban chấp hành Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc sẽ đề cử một hội đồng xét giải. Hội đồng này sẽ giới thiệu tác phẩm dự giải. Sau khi bỏ phiếu kín, tác phẩm nào đạt 2/3 số phiếu của hội đồng xét giải sẽ được vào vòng chung kết. Những tác phẩm vào vòng chung kết sẽ được thông báo rộng rãi để lấy ý kiến của độc giả, các nhà lý luận, nghiên cứu phê bình văn học trên toàn quốc và hội đồng xét giải xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đưa ra quyết định cuối cùng. Cùng với giải thưởng Lỗ Tấn và giải thưởng Tào Ngu, giải thưởng Mao Thuẫn là ba giải thưởng văn học uy tín và danh giá nhất trên văn đàn Trung Quốc đương đại. |
____________
(*): Giảo Văn Tước Tự , nghĩa đen: “cắn văn nhai chữ”, nghĩa thành ngữ: “tỉa tót câu chữ”, theo cách nói của tiếng Việt là “dọn vườn văn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận