30/11/2015 13:29 GMT+7

Đơn tố cáo gửi lúc nửa đêm hé lộ nỗi oan Huỳnh Văn Nén

HOÀNG ĐIỆP - MAI VINH (hoangdiep@tuoitre.com.vn) (maivinh@tuoitre.com.vn)
HOÀNG ĐIỆP - MAI VINH ([email protected]) ([email protected])

TT - Người thầy ấy suốt 17 năm ròng vác đơn đi kêu oan cho gia đình học trò của mình qua hai vụ án vườn điều và vụ giết bà Lê Thị Bông - ông là Nguyễn Thận.

Những giấy tờ tài liệu liên quan đến hai vụ án được ông Nguyễn Thận phân tán cất nhiều nơi và sao lưu thành nhiều bản - Ảnh: Mai Vinh

Là một thầy giáo, rồi được chuyển làm công tác chính quyền địa phương, công tác Đảng, dù ở cương vị nào, người dân ở xã Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vẫn yêu mến gọi ông là thầy.

Tối 3-9-2000, ông Nguyễn Thận nhận được một lá thư do bà Nguyễn Thị Lụa mang tới. Bà Lụa là mẹ của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành, người đang thụ án tù về tội gây rối trật tự công cộng tại trại giam Sông Cái.

“Đọc lá thư tôi run hết chân tay và biết mấu chốt của vụ án có thể từ chỗ này” - ông Nguyễn Thận kể về lá thư như thế.

Tiếng gọi cửa  lúc nửa đêm

Ông Thận đang ngồi đọc tài liệu trong nhà thì nghe tiếng chó sủa ngoài sân. Ông ghé mắt nhìn ra vườn, tiếng chó sủa càng dữ, như có người đang đến.

“Quái lạ, đã đêm hôm thế này rồi còn ai vào sân vậy?” - ông Thận tự hỏi.

Từ bữa xảy ra vụ án giết bà Lê Thị Bông, rồi Huỳnh Văn Nén được mời ở lại trụ sở xã làm việc, đã không ít lần ông nghe thấy bên ủy ban vang ra tiếng khóc. Có bữa ông nhón chân sang ghé xem thì thấy Nén bị đánh. Mấy bữa ấy, chó nhà ông sủa dữ và hôm nay nó lại sủa dồn vào đến tận sân?

Ông Thận vẫn nhớ rất rõ đó là đêm 3-9-2000, khi đó ấp xóm đã yên ắng lắm, chỉ phía ngoài con lộ kia còn tiếng xe chạy qua chạy lại. Ông Thận lật đật hé cửa nhìn ra thì vừa lúc ấy có tiếng người run run, nói câu được câu mất:

- Thầy ơi, thầy còn thức không thầy?

- Ai thế?

- Dạ, con là Lụa đây thầy, thầy cho con thưa chuyện.

Người đàn bà cất tiếng thì thào.

Hóa ra là Lụa. Ông Thận khơi lên chiếc đèn rồi ra bộ bàn ghế bên hiên ngồi, nhìn dáng rúm ró của người đàn bà mới ngoài 40 tuổi mà thương xót. Từ ngày mẹ ruột rồi những người chị em của bà bị bắt, để lại một đàn cháu hơn chục đứa cho Nguyễn Thị Lụa nuôi.

Từ chỗ nhà có mấy chiếc xe đò chạy liên tỉnh, có của ăn của để nuôi đám cháu, thăm nuôi mẹ, thăm nuôi em, dần dần bây giờ vốn liếng chẳng còn gì khiến người phụ nữ bỗng trở nên bé nhỏ, sợ sệt.

Ngồi chưa yên chỗ, bà Lụa quỳ thụp xuống đất, lật đật thưa: “Con mới vào thăm thằng Thành ở trại giam Sông Cái, nó đưa con lá thư này, bảo nhất định phải đưa cho thầy. Nó nói người giết bà Bông không phải dượng Sáu (tức Huỳnh Văn Nén - PV) mà là người khác...”.

Ông Thận cầm lấy lá thư được gấp cẩn thận từ tay người phụ nữ rồi ghé mắt dưới ánh đèn, đọc lấy đọc để những dòng chữ mà người tù ấy đã viết kín mấy trang giấy.

Thư viết về việc một người bạn khác của mình đã kể chuyện giết bà Lê Thị Bông như thế nào. Rồi cũng run run, ông nói với người đàn bà mang thư đến: Chắc có thể cứu được thằng Nén...

Mãi đến khi ông Huỳnh Văn Nén được tại ngoại, bà Nguyễn Thị Lụa (mẹ anh Nguyễn Phúc Thành) mới được xem lại bức thư mà chính mình mang ra từ trại giam - Ảnh: Hoàng Điệp
Mãi đến khi ông Huỳnh Văn Nén được tại ngoại, bà Nguyễn Thị Lụa (mẹ anh Nguyễn Phúc Thành) mới được xem lại bức thư mà chính mình mang ra từ trại giam - Ảnh: Hoàng Điệp

“Tôi nghe con nói mà quýnh quýu hết cả chân”

Dù việc đưa lá thư ấy cho ông Nguyễn Thận đã được bà Lụa thực hiện cách đây 15 năm, nhưng đến giờ nhắc lại bà vẫn chưa quên chi tiết nào. Bà kể bữa đó đến trại giam thăm con là cu Tèo (tên gọi ở nhà của anh Nguyễn Phúc Thành, nay 36 tuổi).

Khi hai mẹ con nói chuyện, Tèo kéo áo mẹ bảo: “Con nói má chuyện này, má phải bình tĩnh và hứa với con đưa thư này tận tay thầy giáo Thận. Con biết người giết bà Năm Tép (Lê Thị Bông) không phải dượng Sáu (Huỳnh Văn Nén)”.

Bà Lụa nói khi nghe xong, bà tá hỏa tam tinh vì không hiểu sao con mình biết chuyện mà đến giờ mới nói cho mẹ biết.

“Cả nhà sắp chết hết vì lời khai của dượng Sáu. Dượng ấy cũng bị kết án vì tội giết người rồi, sao mà con không nói sớm với má hả Tèo?”.

Lúc ấy cu Tèo mới bảo: “Không phải không muốn nói với má, mà con nghĩ dượng Sáu không giết người thì người ta sẽ thả dượng ra, ai biết đâu người ta kết án dượng và còn bắt cả nhà ngoại nữa”.

Khi ấy Nguyễn Phúc Thành dặn bà Lụa: “Má phải giữ chặt lấy thư này, bởi nếu con có mệnh hệ gì thì má có bằng chứng này để tố cáo. Nếu chẳng may con chết trong trại thì má biết con chết vì chính lá thư này”.

Thành nói xong, giao lá thư cho mẹ.

Suốt chặng đường từ trại giam Sông Cái về nhà, bà Lụa giữ thật chặt lá thư như một báu vật: “Nó chính là bùa cứu mạng cho cả nhà, có thể giải oan cho cả nhà”. Bà Lụa nghĩ thế và quyết tâm ngay khi về đến ấp, dù muộn hay sớm phải tìm đến nhà thầy Thận.

Vừa rời khỏi chiếc xe đò, bà Lụa lật đật đi bộ đến nhà ông Nguyễn Thận.

“Quãng đường từ ngoài lộ vào nhà thầy không xa, chỉ vài chục bước chân, thế mà chân tôi ríu lại, quýnh quáng không thể bước được. Tôi biết con tôi cũng biết người duy nhất ở xã này có thể cứu được gia đình tôi chính là thầy Thận.

Vì lá thư ấy con tôi cũng có thể phải đánh đổi cả mạng sống của nó, bởi vậy tôi cần phải gặp bằng được thầy để trao lá thư này”.

Bà Lụa cũng nói rằng khi đưa lá thư cho ông Thận, trình bày mọi việc với ông Thận xong thì bà cảm thấy trút được một gánh nặng.

“Tôi không biết phải làm như thế nào, cũng không biết có thể tìm được ai để giao lá thư đó. Vậy nên người mà tôi đã tin, gia đình tôi đã tin chính là thầy Thận” - bà Lụa kể.

Sau khi hỏi cặn kẽ về lá thư, về những lời dặn của Nguyễn Phúc Thành, ông Thận tiễn người phụ nữ lam lũ ấy về rồi vào nhà, thắp đèn viết đơn trình bày vụ việc gửi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận.

Ông Thận cũng nói trí nhớ của ông chưa tồi, dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng những nghi vấn từ tiếng khóc của nghi can Huỳnh Văn Nén bên UBND xã, đến việc hai người đàn ông chuẩn bị làm thủ tục đi học tập lao động bỗng nhiên biến mất khỏi địa phương.

“Với trách nhiệm của một chủ tịch xã, tôi đã làm văn bản báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến lời tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành về hung thủ thật sự giết bà Bông để gửi cơ quan điều tra”.

Vài ngày sau khi nhận được lá thư từ tay của mẹ Nguyễn Phúc Thành, ông Thận lại nhận được một lá thư khác gửi từ bưu điện, cũng do chính tay Nguyễn Phúc Thành viết.

Khi ấy, ông không hiểu tại sao một người ở trong tù lại có thể gửi được thư có dấu bưu điện ở ngoài. Nội dung lá thư ấy cũng kể lại sự việc giống như lá thư trước. Rằng người thật sự giết bà Lê Thị Bông là người khác, không phải Huỳnh Văn Nén.

_____________

Kỳ tới: Lời cầu xin của một người sắp chết

“Tôi không thể nào ngủ được khi chứng kiến người gọi mình bằng thầy, trước khi chết trên giường bệnh đã nắm tay tôi mà nói: Thầy hãy minh oan cho con” - Nguyễn Thận.

HOÀNG ĐIỆP - MAI VINH ([email protected]) ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên