28/05/2018 11:13 GMT+7

Đơn tố cáo có thể bị vứt sọt rác, tố qua điện thoại được ghi âm

THÁI BÁ DŨNG - HOÀNG ĐIỆP
THÁI BÁ DŨNG - HOÀNG ĐIỆP

TTO - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã nói khi trả lời Tuổi Trẻ về tranh cãi quanh việc mở rộng Luật tố cáo, trong đó cho phép xử lý tin tố cáo từ email, điện thoại, fax...

Đơn tố cáo có thể bị vứt sọt rác, tố qua điện thoại được ghi âm - Ảnh 1.

Người dân huyện Bình Chánh, TP.HCM đưa đơn khiếu kiện tại buổi tiếp xúc cử tri ở địa phương ngày 14-5 - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Nhưỡng: "Việc về mặt bản chất là người dân muốn giúp Nhà nước tìm ra được những sai phạm trong bộ máy công quyền. Tuy nhiên, có người vì sợ liên lụy nên đã hạn chế quyền tố cáo.

Nếu xét ở khía cạnh nào đó, đây là cuộc giành giật giữa một bên là những đòi hỏi chính đáng của người dân và một bên là những công chức có tì vết mà cố thủ để bảo vệ bí mật của mình khỏi bị phơi bày".

Cũng theo ông Nhưỡng, trên thế giới việc dùng thư điện tử, gọi điện thoại... để tố cáo là bình thường, riêng ở VN chưa thành thói quen. Giờ đây, công nghệ đã phát triển như điện thoại không chỉ nghe âm mà còn thấy cả hình...

Không có lý lẽ gì chúng ta lại đi thoái thác việc để đưa vào vấn đề quản lý nhà nước và ngược lại là kiểm soát nhà nước.

Nhà nước sử dụng công nghệ cao để quản lý, thế thì tại sao Nhà nước lại không cho người khác sử dụng công nghệ cao để thực hiện các quyền giám sát mình?

Đơn tố cáo có thể bị vứt sọt rác, tố qua điện thoại được ghi âm - Ảnh 2.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: V.D.

* Nghĩa là chúng ta đang tự mâu thuẫn khi hô hào về thời đại 4.0 nhưng lại không muốn sử dụng công nghệ, các phương tiện để phục vụ quản lý, mà ở đây là xử lý tố cáo?

- Đúng vậy. Tại sao lại sợ nó? Tôi gửi cho anh lá đơn, anh có thể vứt sọt rác, nhưng tôi gọi điện cho anh thì có lưu đầy đủ ngày tháng, số điện thoại, thậm chí lời nói ghi âm. Bởi vì anh biết câu chuyện này quá dễ dàng với người dân nên anh sợ, đúng không?

Nếu anh thực sự là người tốt thì không việc gì phải sợ cả.

* Nhiều ý kiến quan ngại việc sử dụng điện thoại, email, fax... sẽ gây quá tải, cơ quan xử lý không đáp ứng được, phải đầu tư quá lớn về tiền của... Mặt khác, khó liên lạc được với người tố cáo?

- Đó là những lý do tầm thường, thậm chí ngụy biện. Một cuộc điện thoại dân gọi đến, anh ghi âm lại rồi hẹn người ta đến cung cấp thông tin. Còn người ta không đến thì anh có quyền không xử lý, trong dự luật cũng nêu rồi cơ mà?

Hoặc là những thông tin đó anh không xử lý được thì nếu anh có tâm huyết, mong muốn tìm cho ra thì anh lồng vào quá trình thanh tra, kiểm tra. Chúng ta đang xóa bỏ sim rác, yêu cầu đăng ký định danh điện thoại.

Viễn thông càng thông minh thì càng dễ xác định thông tin đó là của ai, không có gì khó khăn cả.

* Thực tế thời gian qua có rất nhiều thông tin tố cáo được đưa lên mạng. Những thông tin này sau đó đã được xử lý và tạo dư luận tốt, tức là điều này đã "đi trước luật"?

- Như thế thì những lý do về việc không cho tố cáo qua email, điện thoại... là không có cơ sở, là sự thoái thác. Điều đó cho thấy sự đàng hoàng trong chính sách chưa cao.

* Một trong những lý do của việc giải quyết đơn thư tố cáo hiện nay chưa được hiệu quả, quá nhiều tố cáo sai... có phải bởi hình thức tiếp nhận "quá hẹp" khi chỉ cho dân gửi đơn, gặp tố cáo trực tiếp. Trong khi nhiều người đi tố cáo đã bị trù dập, bị liên lụy?

- Hình thức có tác động rất mạnh đến nhận thức và hành động. Bảo người ta phải "đứng đơn" tố cáo trong khi anh chẳng bảo vệ họ, ngược lại còn tìm cách hùa với nhau để "làm thịt" họ.

Không thiếu gì những tập đoàn tội phạm, đấy là chúng ta chưa phát hiện, chứ thực tế nó rất lớn. Bởi vì người ta có quyền, có đủ điều kiện để tiêu diệt một người dân nhỏ bé nên đừng hỏi tại sao người dân tố cáo thường nặc danh, tại sao họ không muốn đến, mà chỉ muốn gọi điện thoại.

Đơn giản nếu giáp mặt thì có nguy cơ thay đổi cục diện. Còn nếu tố cáo thông qua điện thoại, email, fax... thì rất tiện và an toàn cho người cung cấp, tố cáo.

Cũng liên quan đến việc , khoảng cuối tháng 4-2018, một clip ghi cảnh bạo hành trẻ tại cơ sở nuôi dạy trẻ Mẹ Mười (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được phát tán qua Facebook khiến dư luận bất bình.

Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc đóng cửa cơ sở nuôi trẻ nói trên, đồng thời quản thúc tại gia đối với chủ cơ sở nuôi trẻ.

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), việc đưa clip lên mạng xã hội là hình thức đưa tin báo về tội phạm.

Trên thực tế, luật chỉ quy định hình thức cung cấp thông tin về dấu hiệu tội phạm qua các cơ quan tiếp nhận có thẩm quyền, trong đó có báo chí mà chưa đề cập đến mạng xã hội.

Tuy vậy, pháp luật hiện không cấm làm việc này.

Nếu luật cứ cứng nhắc thì khó ngăn ngừa tội phạm

fb_img_1527339451415 - 28-5 (read-only)

Việc tố cáo qua điện thoại cần chia thành các tình huống khẩn cấp và không khẩn cấp. Nếu việc khẩn cấp có thể gây hại đến tính mạng, tài sản thì công an đương nhiên phải nghe và có phương án giải quyết.

Ví dụ nếu "hiệp sĩ" phát hiện cướp và báo thì công an phải có nhiệm vụ nghe điện thoại, hoặc vụ hành hạ trẻ em của bảo mẫu. Tất nhiên phải có chế tài người báo cáo sai sự thật hoặc cố tình quấy rối.

Thực tế có nhiều người nhìn thấy, biết việc làm sai nhưng không tố cáo vì nhiều lý do. Họ cũng biết một người hàng xóm là quan chức thường xuyên nhận quà của người khác, nhưng họ nghĩ "hơi đâu đi tố giác".

Biết một người hàng xóm nghiện ngập, đánh bài, họ cũng không muốn tố giác. Biết công ty mình đang làm việc trốn thuế, buôn lậu, không hơi đâu tố giác. Nếu luật cứng nhắc thì chẳng bao giờ phát hiện sự việc.

Bà NGUYỄN THỊ SƠN (phó tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam)

Công nhận chứng cứ điện tử, sao còn lăn tăn việc tố cáo qua điện thoại?

3689845 [read-only]

Từ ngày 1-1-2018 chúng ta đã chấp nhận chứng cứ điện tử trong hồ sơ vụ án, như vậy các file ghi âm, cuộc điện thoại hay các dữ liệu điện tử khác đã được thừa nhận trong vụ án hình sự, cớ gì lại không quy định tố cáo qua điện thoại hoặc thư điện tử?

Thời đại 4.0 mà giờ không chấp nhận tố cáo qua điện thoại thì chúng ta sẽ đủng đỉnh xử lý như giai đoạn còn làm mọi thứ thủ công vậy. Rõ ràng phải thừa nhận rằng việc sử dụng điện thoại để tố cáo sẽ tiết kiệm nhiều thời gian của người đi tố cáo.

Thậm chí việc cung cấp, bổ sung thông tin sẽ thuận lợi hơn nếu trao đổi qua điện thoại. Lấy lý do là tố cáo sai và không thể xác minh được là chỉ giải quyết vấn đề thuận lợi cho cán bộ xử lý tin báo tố giác, mà không vì người dân có nhu cầu tố cáo sai phạm.

Ông NGUYỄN VĂN CHUNG (viện trưởng Viện KSND Q.8, TP.HCM)


Điện thoại có thông tin cá nhân sao phải sợ nặc danh?

3514561 [read-only]

Từ ngày 1-4-2018, về lý thuyết thì điện thoại di động ở Việt Nam không còn sim rác nữa. Chủ các thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân kèm hình ảnh. Vậy nên nỗi lo về việc tố cáo nặc danh là không cần thiết. Mỗi người sử dụng điện thoại đều có thể được xác định thông qua các dữ liệu này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc kiểm soát thông tin tố giác, tố cáo tội phạm là cần thiết và cần có quy chế kiểm soát cũng như xử lý người tố cáo sai sự thật. Còn nếu cứ ngồi lo quá tải hay tố khống thì không khuyến khích được việc tố cáo.

Như vậy cũng không ngăn chặn được hành vi sai phạm, mà chỉ xử lý những cái sai đã xảy ra.

Ông THÂN QUỐC HÙNG (thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang)

THÁI BÁ DŨNG - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên