Thêm điểm bắn pháo hoa Tết Giáp Thìn
Chương trình do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 28-1.
Ông Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách chăm lo Tết cho các thương binh, bệnh binh, gia đình có công, văn nghệ sĩ.
Đặc biệt là chính sách chăm lo Tết cho các nhóm bảo trợ xã hội, người già neo đơn, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên tinh thần "không để sót trường hợp nào để mọi người, mọi nhà đều có Tết".
Ông Đức nói các sở, ngành đã kịp thời điều chỉnh, nắm bắt nguyện vọng của người dân. Trong đó có việc tăng thêm số điểm bắn pháo hoa để người dân ở các quận, huyện ngoại thành không cần phải đi quá xa và tập trung đông ở trung tâm thành phố.
"Chúng ta hãy đón Tết văn minh, nghĩa tình, không lái xe khi uống rượu bia, đặc biệt là giữ vệ sinh trước, trong và sau các sự kiện như bắn pháo hoa, các lễ hội hoa xuân", ông Đức kêu gọi.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết có tám điểm bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó có hai điểm tầm cao tại hầm vượt sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).
Sáu điểm bắn tầm thấp tại đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (TP Thủ Đức), công viên Đầm Sen (quận 11), quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), khu di tích Láng Le Bàu Cò (huyện Bình Chánh), công viên văn hóa quận Gò Vấp và khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).
Về công tác an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết đây là công tác xuyên suốt cả năm và trong dịp Tết đã có kế hoạch kiểm tra các kho bãi, cơ sở sản xuất, thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành tập trung các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Tuy nhiên bà Lan nói việc buôn bán bất hợp pháp, lấn chiếm lòng lề đường đang trở thành xu hướng và tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi những biện pháp đồng bộ, tận gốc.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng rất cần sự chung tay, ý thức của người dân ủng hộ các sản phẩm hợp pháp, đồng thời chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình.
Người dân có thể phản ánh các sản phẩm hàng nhái, hàng giả đến Cục Quản lý thị trường TP.HCM với số hotline 028.39321014 hoặc số tổng đài 1900.888.655 của Tổng cục Quản lý thị trường.
Hơn 1.100 tỉ đồng chăm lo Tết
Bà Huỳnh Lê Như Trang - phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết TP.HCM dành hơn 1.102 tỉ đồng chăm lo Tết Giáp Thìn 2024.
Trong đó 915 tỉ đồng từ ngân sách, chăm lo cho 625.442 trường hợp thuộc diện chính sách có công, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội...
Mức quà chăm lo Tết là 1.150.000 đồng/suất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp xã hội theo nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó có trẻ có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trẻ đang sống với người nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn.
Trẻ em có cha hoặc mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội và hiện sống chung với cha hoặc mẹ; trẻ sống chung với gia đình người thân là ông bà, cô, chú, anh, chị… thật sự khó khăn.
TP.HCM cũng đề xuất chăm lo Tết cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội với mức tương tự.
Trong đó có người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo bộ tiêu chí của TP.HCM tại huyện Cần Giờ và người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đang sống neo đơn hoặc sống với người thân có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận