15/01/2022 13:31 GMT+7

Đón Tết giữa rừng để chống trộm vàng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Công binh gài thuốc nổ đánh sập 'địa đạo vàng' khổng lồ trong lõi Vườn quốc gia Sông Thanh đã góp phần cứu rừng nguyên sinh sau hàng chục năm oằn mình bởi các bãi vàng.

Đón Tết giữa rừng để chống trộm vàng - Ảnh 1.

Lán trại canh gác được chốt dọc suối Tà Vạt ngăn vàng tặc quay lại - Ảnh: B.D.

Để ngăn dân đào vàng không quay lại, hàng chục kiểm lâm đang được chốt giữ xuyên Tết.

Ngày 13-1, chúng tôi theo chân lực lượng giữ rừng Vườn quốc gia Sông Thanh lội bộ men theo dọc hồ thủy điện Sông Bung để tới các mỏ vàng tặc đang được chốt chặt. Những cánh rừng đã bắt đầu hồi sinh sau khi các mỏ vàng bị phá hủy.

Để chốt giữ rừng nghiêm ngặt, chúng tôi cho kiểm lâm trực ngay giữa rừng xuyên Tết, anh em đón giao thừa giữa rừng.

Ông Đinh Văn Hồng

Rừng dần "liền sẹo"

Tết Nhâm Dần 2022 này đánh dấu một mốc đặc biệt của Vườn quốc gia Sông Thanh khi sau 20 năm thành lập, khu bảo tồn nổi tiếng với nhiều loài linh trưởng quý hiếm và rừng cổ thụ che kín được nâng cấp lên vườn quốc gia. Điều đặc biệt hơn, sau nhiều năm oằn mình vì vàng tặc, đây là năm đầu tiên khu vườn đặc hữu này không còn tình trạng đục khoét, đào bới.

Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh, ông Đinh Văn Hồng, nói rằng việc đẩy đuổi được các đối tượng ra khỏi vườn không chỉ giúp tình hình an ninh được ổn định mà sẽ góp phần hồi sinh rừng, trong tương lai gần vườn quốc gia này sẽ đón được khách du lịch. Nhiều năm trước, hồ thủy điện Sông Bung gần như phủ một màu vàng đục quanh năm. Tuy nhiên, giờ đây đi dọc lòng hồ chỉ thấy màu của từng cánh rừng già. Các dòng suối chảy về hồ cũng không còn đục ngầu như trước đây.

Từ tuyến đường bêtông bên ngoài, mất chừng 45 phút đi canô dọc lòng hồ để ngược lên điểm tập kết trước lối vào rừng, chúng tôi theo chân lực lượng giữ rừng Sông Thanh trở lại các bãi vàng từng một thời nhức nhối.

Mất thêm khoảng 2 tiếng lội rừng ở các con dốc dựng đứng "đầu người đi sau đội lên chân người đi trước", chúng tôi tới được bãi vàng lớn nhất ở hai khe núi lớn. So với những hình ảnh được ghi nhận trước khi tỉnh Quảng Nam huy động công binh cõng thuốc nổ vào giật hầm, Sông Thanh giờ đây đã phủ lại màu xanh của rừng.

Các miệng hầm há toác ra hai bên lòng suối nằm chi chít ngày nào và từng núi đất được dân đào vàng đổ ra mép suối giờ đây đã mọc lên cây non, dây leo phủ xuống chằng chịt.

Dấu vết của bãi vàng sót lại chỉ còn những chiếc mũ nhựa của dân làm vàng, những bánh xe của máy nổ bị giật bung, trôi lăn lóc dưới lòng suối. Tại nhiều vị trí, nhiều người không khỏi rùng mình khi thấy những bơm kim tiêm nằm lẫn dưới đất, những dụng cụ đào đãi vàng, chăn mền được bỏ lại khi lực lượng hữu quan ập vào truy quét.

Tất niên sớm, ôm balô vào rừng

Chiều 12-1, một buổi tất niên sớm được ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh tổ chức cho cán bộ, kiểm lâm và hơn 200 người làm công tác giữ rừng. Từng suất quà nhỏ cùng lời động viên đã được mọi người dành cho nhau trước khi ôm balô vào rừng già.

Ông Đinh Văn Hồng cho biết suốt một năm qua, không một ngày nào cán bộ kiểm lâm vắng mặt trong các vị trí hầm vàng để chốt chặn, ngăn không cho vàng tặc quay trở lại.

Sau nhiều năm lên kế hoạch, tháng 8-2021 công binh đã gùi thuốc nổ vào giật sập, phá hủy toàn bộ địa đạo trong lõi Vườn quốc gia Sông Thanh. Không còn cơ hội nào tốt hơn để những người giữ rừng ở đây chặn đứng triệt để tình trạng lở loét, âm ỉ giữa khu rừng quý suốt hàng chục năm qua.

Trong hàng chục lán trại đang được bố trí quanh rừng Vườn quốc gia Sông Thanh, khu vực dọc suối Tà Vạt được tổ chức lực lượng quy mô nhất. Hai khu lán trại đã được dựng lên, nhiều tháng qua lực lượng chốt giữ ở đây ăn ngủ trong rừng cả đêm lẫn ngày.

Ông Trần Duy Minh - tổ bảo vệ rừng suối Tà Vạt - cho biết khu vực này tập trung gần 100 hầm vàng. Trước khi bị truy quét, lượng người ở các nơi vào làm vàng có lúc lên tới 300 người, dọc suối y hệt như một đại công trường, ngoài các hầm hào, máy móc nằm sâu dưới lòng đất thì dọc suối còn có cả các tiệm tạp hóa phục vụ cho phu vàng.

Ngay khi kiểm lâm vào truy đuổi, vàng tặc bỏ máy móc chạy tứ tung, nhưng chỉ cần lực lượng rút đi là dân đào vàng lậu tràn trở lại bãi. Kiểm lâm Sông Thanh đã quyết định lập lán, chốt giữ để tới tháng 8-2021 thì công binh cõng thuốc nổ vào giật sập, phá hủy toàn bộ bãi vàng.

Từ một bãi vàng quy mô, hầm vàng mọc chi chít như những vết lở loét loang rộng giữa rừng già thì nay rừng đã liền sẹo. "Dù hầm đã được phá hủy nhưng dân đào vàng vẫn lăm le từng nhóm vây quanh các quả đồi. Chúng tôi bố trí anh em tuần tra xuyên ngày đêm, trực 100% để đưa Sông Thanh phủ màu xanh trở lại" - ông Minh nói.

Tết đặc biệt giữa rừng già

bien phong

Kiểm lâm chốt Tà Vạt Vườn quốc gia Sông Thanh làm món ăn đón Tết sớm giữa rừng già - Ảnh: B.D

Sau nhiều ngày lên kế hoạch, trưa 13-1 một bữa cơm ấm cúng, giản đơn được anh em chốt bảo vệ rừng khu vực suối Tà Vạt tổ chức. Bữa cơm ấy ngoài rau, thịt như thường ngày còn có thêm bánh chưng, bánh sừng trâu truyền thống của người vùng cao.

Xác định thời điểm trong Tết sẽ rất căng thẳng khi dân đào vàng có thể lợi dụng để quay ngược trở lại bãi vàng, các kiểm lâm, lực lượng chuyên trách đã tự gói bánh, làm món ăn truyền thống để đón Tết sớm.

"Mấy hôm nay mình đã làm công tác tư tưởng với vợ con. Dù rất buồn nhưng đã theo nghề rừng thì phải chấp nhận như thế này, vợ con mình cũng bảo rằng sẽ đóng cửa nhà riêng để về quê cha mẹ đón Tết. Khi rừng yên thì mọi người sẽ trở về cùng gia đình" - ông Trần Duy Minh nói.

Chống dịch giữa rừng già biên viễn Chống dịch giữa rừng già biên viễn

TTO - Trên dải biên giới cực tây Tổ quốc, suốt hai năm nay những tiền đồn được những người lính biên phòng dựng lên giữa rừng già để ngăn chặn dịch. Ở đó, những ánh đèn tuần tra quét xuyên đêm ngăn không cho người tràn qua biên giới.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên