31/10/2024 09:40 GMT+7

Đón sóng đầu tư hiệu quả, thực chất từ Trung Đông

Tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) tại Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ nhiều quỹ và tập đoàn lớn ở Trung Đông, mở ra kỳ vọng về làn sóng đầu tư chất lượng cao từ các nước Ả Rập vào Việt Nam.

Đón sóng đầu tư hiệu quả, thực chất từ Trung Đông - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Bandar Alkhorayef - Ảnh: NGỌC AN

Hội nghị FII, một trong những diễn đàn đầu tư lớn nhất khu vực, diễn ra vào ngày 30-10 tại thủ đô Riyadh với chủ đề "Chân trời vô tận: Đầu tư hôm nay, định hình ngày mai". Thủ tướng Phạm Minh Chính là khách mời chính và là lãnh đạo cấp cao duy nhất từ châu Á phát biểu tại hội nghị này.

Việt Nam - điểm đến chiến lược

Tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hoàng thái tử - Thủ tướng Mohammed bin Salman khẳng định sự tham gia của Việt Nam, một quốc gia tiêu biểu về phát triển kinh tế năng động tại châu Á, sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư, đóng góp quan trọng cho thành công của hội nghị và chiến lược phát triển trong khu vực.

Trong lịch trình hai ngày bận rộn tại Saudi Arabia, Thủ tướng đã tham gia hàng chục hoạt động tiếp xúc song phương với doanh nghiệp. Ông Abdullah Mohammad Alzamil - chủ tịch HĐQT Công ty Zamil Industrial, tập đoàn đầu tư công nghiệp lớn nhất Saudi Arabia, hiện có dự án sản xuất thép tại Việt Nam - bày tỏ sự yên tâm sau 20 năm đầu tư tại đây. 

Ông Alzamil cũng ấn tượng với đề xuất của Thủ tướng về việc mở rộng dự án thép gắn liền với cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ông khẳng định sẽ tăng cường đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, xác định Việt Nam là điểm đến chiến lược trong định hướng phát triển của tập đoàn.

Hay với Tập đoàn dầu khí Saudi Arabia (Saudi Aramco) - có quy mô doanh thu lớn nhất thế giới với gần 500 tỉ USD - đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Ông Mohammed Y. Al Qahtani, chủ tịch phụ trách lĩnh vực hạ nguồn của Saudi Aramco, cho hay thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng cho việc hợp tác chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí, từ đó phát triển lĩnh vực hạ nguồn trên toàn cầu của Aramco, cũng như phù hợp chiến lược phát triển của PVN, nâng cao vị thế doanh nghiệp ở châu Á.

Trong khi đó, Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn - người trực tiếp ký thỏa thuận này - cũng cho rằng khung hợp tác này sẽ là một bước đi chiến lược của tập đoàn để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chuẩn bị để đón cơ hội

Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD), cơ quan tài chính thuộc Chính phủ Saudi Arabia, đã cấp cho Việt Nam khoản vay ưu đãi với 12 dự án hạ tầng có tổng trị giá 160 triệu USD và cam kết sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm các cơ hội tại Việt Nam.

Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia, ông Bandar Alkhorayef, mong muốn sớm phối hợp triển khai đàm phán để ký kết hiệp định thương mại tự do, hướng tới nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện. Ông đặc biệt mong đợi những hợp tác tiềm năng giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như ô tô, công nghệ cao, trang thiết bị, chế biến thực phẩm, hóa chất, công nghiệp Halal, sản xuất dược phẩm, vắc xin và khai khoáng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - nhận định rằng quyết định tăng cường hợp tác với các nước Trung Đông, đặc biệt là các nhà đầu tư tại khu vực này, thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn. 

Trung Đông không chỉ là địa bàn giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ, mà còn đang phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ. Vì vậy việc Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện với UAE, tiến tới nâng cấp quan hệ với Saudi Arabia và tham gia Hội nghị FII là dấu ấn trong hoạt động ngoại giao, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư.

Ông Toàn nhận định Trung Đông là một thị trường giàu tiềm năng nhưng số lượng các nhà đầu tư và dự án lớn từ khu vực này vào Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, việc Thủ tướng là lãnh đạo cấp cao duy nhất từ châu Á tham dự hội nghị tại Saudi Arabia và UAE tổ chức nghi lễ bắn 21 phát đại bác chào mừng thể hiện sự coi trọng đặc biệt của khu vực này đối với Việt Nam.

Cũng theo ông Toàn, dù cơ hội lớn đã mở ra nhưng cần lưu ý là các nhà đầu tư Trung Đông có đặc điểm rất coi trọng văn hóa. Vì vậy bên cạnh chính sách nhất quán trong chọn lọc đầu tư của Việt Nam, cần chú ý đến phong tục, tập quán và thói quen của họ. 

Luật pháp và văn hóa luôn song hành đối với các nhà đầu tư này, do đó việc tôn trọng sự khác biệt sẽ giúp Việt Nam thu hút hiệu quả và thực chất làn sóng đầu tư mới từ các nước Ả Rập trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát huy hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của từng quốc gia, dân tộc, từng chủ thể để cùng vươn lên, hướng đến "chân trời vô tận".

Đón sóng đầu tư hiệu quả, thực chất từ Trung Đông - Ảnh 2.Tập đoàn năng lượng ACWA Power sẵn sàng đầu tư 5 tỉ USD vào Việt Nam

Với tinh thần coi trọng thời gian và trí tuệ, hai bên đã thống nhất nâng tầm quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối hai nền kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên