01/11/2021 11:25 GMT+7

Dọn sạch Internet để cùng con vào thời đại số

TRỌNG NHÂN ghi
TRỌNG NHÂN ghi

TTO - Bộ Thông tin và truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhằm triển khai Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Dọn sạch Internet để cùng con vào thời đại số - Ảnh 1.

Nhiều nguy cơ rình rập trẻ em trên mạng, rất cần sự chung tay của xã hội để có một không gian mạng an toàn, hữu ích cho trẻ - Ảnh: TỰ TRUNG

Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự thảo khuyến cáo các em cần tìm hiểu các biện pháp an toàn, cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên Internet; không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân; không làm quen, gặp gỡ với người lạ khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ; không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác... 

Trước dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng "làm sạch" môi trường mạng cho trẻ em là một hành trình dài hơn, ở đó có rất nhiều vấn đề cần nỗ lực ở mức tối đa.

- Ông Nguyễn Minh Đức, CEO của Công ty bảo mật CyRadar: Phối hợp với YouTube, TikTok... để truyền thông

Trẻ em ngày nay khác rất nhiều với thế hệ trẻ của khoảng 5 - 7 năm trước khi cuộc sống gắn bó mật thiết với các thiết bị số và Internet. Đặc biệt, dịch COVID-19 khiến thời gian tiếp xúc với máy tính, điện thoại của các em nhiều hơn đáng kể. Dù vậy, cần thấy rằng chuyện giáo dục về cách thức ứng xử, giao tiếp trên Internet cho các em từ phía phụ huynh hay nhà trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Vì vậy trước hết cần có những chương trình hướng dẫn trẻ các kiến thức, cảnh báo những nguy cơ trước khi cho chúng tiếp xúc với Internet, bao gồm cách bảo vệ thông tin cá nhân, nhận biết thông tin độc hại, biết trước tác hại của nghiện game, nghiện mạng... Các cơ quan chức năng có thể chủ động phối hợp với các công ty như YouTube, TikTok để thực hiện những hoạt động truyền thông về an toàn khi sử dụng Internet trên chính những nền tảng này để trẻ em có thể tiếp cận.

Kế đó, các cơ quan có thể cung cấp các phần mềm hoặc xác thực cho những công ty phần mềm để đưa vào danh mục gợi ý cho phụ huynh. Nhờ vậy, họ có kênh tham khảo với những ứng dụng uy tín có thể giúp họ ngăn trẻ tiếp xúc với các thông tin độc hại.

Cơ quan chức năng có thể phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet để chủ động sàng lọc những trang website xấu độc. Cũng như ngoài đời thực, môi trường mạng thân thiện với trẻ sẽ giúp các em phát triển tốt nhất về cả tư duy lẫn tinh thần, tránh sa vào những thứ lệch lạc hay trái thuần phong mỹ tục.

- TS Huỳnh Văn Chẩntrưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Giúp phụ huynh nhận diện nguy cơ

Theo khảo sát, các nội dung độc hại nhắm đến trẻ em thường đánh vào sự tò mò, tính hiếu kỳ. Do đó, những hình ảnh hay video này thường độc lạ hoặc khai thác nỗi sợ ở trẻ. Về lâu dài, những nội dung này sẽ tác động đến tâm lý và làm cho sự phát triển con người ở trẻ trở nên tiêu cực.

Theo tôi, cần thiết nhất là nhận diện các nguy cơ. Ngày nay, nhiều phụ huynh không rành về công nghệ sẽ không ý thức được hết sự phức tạp của Internet và những hệ lụy ảnh hưởng đến con trẻ. Việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh là một trong những điều tiên quyết.

Từ bộ quy tắc, có thể xây dựng những sổ tay (có thể ở cả bản giấy lẫn online) nói về những hiểm nguy với con trẻ trên môi trường số mà phụ huynh lưu tâm. Ở đó, phụ huynh cũng sẽ được cung cấp những kênh tham khảo chính thống, những đầu mối có thể liên hệ để được tư vấn chuyên sâu... Những nội dung cần được cập nhật thường xuyên và sát với những diễn biến thực tế, nhờ vậy phụ huynh luôn biết được chuyển động của thế giới Internet và sự phát sinh các mối nguy mới ảnh hưởng đến con trẻ.

- Ông Đỗ Đình Đoànhiệu trưởng Trường THPT Bình Tân (TP.HCM): Tạo "sân chơi" tích cực trên Internet

"Quan tâm đến trẻ em qua một bộ quy tắc cụ thể là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có thêm những hành động thiết thực. Đặc biệt, cần tạo một không gian mạng mà ở đó có nhiều sân chơi tích cực và thu hút được trẻ em. Ngày nay, đa số video clip và chương trình chiếu trên mạng thiên về giải trí nhưng lại thiếu những nội dung hấp dẫn mang tính giáo dục cao. 

Cần khuyến khích, tạo điều kiện để tăng thêm những nội dung liên quan đến giáo dục, được truyền tải một cách sinh động, qua đó có thể hấp dẫn được trẻ em, học sinh thay vì để các em "ngập chìm" trong những nội dung giải trí đơn thuần.

Ở cấp độ trường học cũng vậy, các trường tạo được những sân chơi lành mạnh trên môi trường mạng sẽ không chỉ giúp gắn kết các em mà còn hướng học sinh của mình đến những điều tích cực. Vì vậy, các trường không nên bỏ qua không gian trực tuyến khi tạo những môi trường kết nối với các em. Muốn như thế cũng cần sự chủ động và sáng tạo từ phía các thầy cô như chúng tôi".

Biết xử lý khi bị bắt nạt trên mạng

Mình bắt đầu dùng Facebook năm 2015. Lúc đó chỉ cỡ 12 tuổi nên mình chủ yếu lướt mạng xã hội để xem và đăng hình. Nhiều lúc mình cũng gặp các nội dung hơi khiêu dâm ở những hội nhóm khiến mình vừa tò mò vừa sợ sợ. Trên YouTube, mình cũng thường gặp những nội dung tự đề xuất không phù hợp. Mình nghĩ rằng những bạn trẻ trước khi chơi Facebook như mình ngày trước cần được hướng dẫn cách chơi, cách xử lý khi gặp nội dung xấu hay được nhắc nhở không vào những hội nhóm tiêu cực...

Đặc biệt trên không gian mạng không ít bạn bị công kích, tẩy chay hay bắt nạt. Nhiều bạn không biết xử lý ra sao, chỉ biết tự mình chịu trận hoặc xóa Facebook. Mình nghĩ các bạn cần được biết cách ứng phó với các tình huống bắt nạt trực tuyến.

Vương Nguyễn Phương Hằng (18 tuổi, Tiền Giang)

Các công ty dịch vụ cũng phải có trách nhiệm

Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của Bộ Thông tin và truyền thông cũng đề cập nhiều yêu cầu đến các đơn vị cung cấp dịch vụ. Theo đó, các đơn vị này cần có trách nhiệm xây dựng, công khai và thường xuyên truyền thông về các chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; chủ động phát hiện, ngăn chặn các nội dung không lành mạnh, các hành vi xâm hại trẻ em, cung cấp thông tin về các nội dung độc hại cho cơ quan chức năng,...

Đưa mạng xã hội vào tầm ngắm

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Úc vừa công bố kế hoạch siết chặt quy định với các công ty truyền thông mạng xã hội đang hoạt động tại nước này bao gồm cả những ông lớn như Facebook hay các diễn đàn ẩn danh như Reddit. Các công ty trên buộc phải tăng cường siết chặt xác minh độ tuổi người dùng, trong đó tài khoản của người dưới 16 tuổi phải được sự đồng ý của cha mẹ. Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, công ty có thể đối mặt với án phạt lên tới 7,5 triệu USD.

dien thoai_b 1(read-only)

Trẻ em sử dụng điện thoại để giải trí - Ảnh: T.TR.

Tại Vương quốc Anh, các nền tảng chia sẻ video như Snapchat, TikTok hay OnlyFans cũng có thể bị phạt hàng triệu bảng Anh theo quy định mới của OfCom - cơ quan giám sát truyền thông nước này. Theo đài Sky News, OfCom hồi đầu tháng 10-2021 đã đưa ra bộ quy tắc quản lý các nền tảng chia sẻ video. Cụ thể, những nền tảng này phải có kế hoạch lọc và chặn những nội dung chứa đựng ngôn ngữ kích động bạo lực, khiêu dâm trẻ em. Các công ty cũng được yêu cầu đưa ra biện pháp giới hạn nghiêm ngặt hơn, đảm bảo trẻ nhỏ không thể đăng ký tài khoản.

Cũng trong tháng 10, đại diện Facebook vừa phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ sau hàng loạt nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của mạng xã hội Instagram đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em. Facebook nhận những chỉ trích gay gắt từ các thượng nghị sĩ Mỹ vì kế hoạch phát triển ứng dụng Instagram Kids cho người dùng dưới 13 tuổi.

HOÀNG THI

Cùng con vào thời đại số: Kế hoạch số cho gia đình Cùng con vào thời đại số: Kế hoạch số cho gia đình

TTO - Thử gõ 'Family Media Plan' (FMP - tạm dịch là kế hoạch số cho gia đình), ngay lập tức Google sẽ cho ra hàng chục ngàn kết quả tìm kiếm. FMP đang là mối quan tâm của cha mẹ và là một đòi hỏi bức thiết đặt ra trong thời đại số.

TRỌNG NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên