TTCT - Tại sao những “màu” đơn sắc, từ trắng cho tới các tông điệu khác nhau của đen và đen - trắng, lại tạo ấn tượng “sang trọng” và “quý phái”? Tại sao hầu hết các công trình kiến trúc ấn tượng của Tây phương đều mang màu trắng - đen? Tại sao những gì sặc sỡ bị coi là quê mùa và gắn với thứ văn hóa lạ lùng của phương Đông? David Batchelor giải thích về “chứng sợ màu sắc” trong nhiều khía cạnh của mỹ học Tây phương. Villa Savoye, công trình tiêu biểu của kiến trúc sư Pháp lừng lẫy Le Corbusier, là một khối toàn trắng đầy áp bức. Ảnh: Harvard Design MagazineMột mùa hè đầu những năm 1990, tôi được mời dự tiệc ở tư gia một nhà sưu tập nghệ thuật người Anh - Mỹ ở miền nam một nước Bắc Âu. Căn nhà rộng lớn, nằm trong một khu giàu có, bên ngoài cũng bình thường: gạch đỏ, xây từ thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, hoành tráng nhưng không phô trương. Điều khác biệt là bên trong. Cảm giác như căn nhà được lộn ngược ra ngoài, nhưng tôi chỉ cảm thấy điều đó rất lâu sau này. Đầu tiên, nội thất tạo ra cảm giác vô tận, như thể ta đang ở trong một quả trứng, liền lạc, trống rỗng, không chút ngắt quãng.Sự trống rỗng vô tận của căn nhà thật ấn tượng, trang nhã, và quyến rũ. Đó là sự câm lặng áp chế, sự trống rỗng phô trương mà chỉ những người siêu giàu và siêu tinh tế mới đủ sức có nổi.Bên trong căn nhà là cả một thế giới khác, rất đặc biệt, sạch sẽ, trơn tru, ngăn nắp; nhưng nó cũng là một thế giới đầy nghịch lý, nơi mở cũng là đóng, giản đơn cũng là phức tạp, và rõ ràng chính là bối rối. Nó là một thế giới không thừa nhận sự tồn tại của những thế giới khác, hoặc tự coi mình đứng trên những thế giới khác đó, và tuyệt đối không biết cảm thông. Cụ thể, đó là một thế giới nhắc nhở những người tầm thường chúng ta, ngay ở đó và ngay lúc đó, về tất cả những điều chúng ta không phải là, tất cả những gì chúng ta không làm được, những gì ngoài tầm với của chúng ta, như khi ta nhìn qua kính viễn vọng ngắm những ngôi sao trên trời. Và cảm giác đó không phải là nhất thời, nó sẽ ở lại mãi với chúng ta.Đó là thứ màu trắng hung hăng, không khoan nhượng, tự tuyên xưng mình là “tối giản”, tự nhận mục tiêu của mình là “lột trần”, “trực diện”, và “chỉ là như vậy mà thôi”. Thứ nội thất trắng toát đó trống rỗng ngay cả khi nó đầy, vì phần lớn những gì nằm trong lòng nó không thuộc về nó và sẽ sớm bị nó gột sạch. Bên trong màu trắng đó, chẳng có mấy thứ là hợp nhãn, bởi đòi hỏi kinh khủng của nó: phải được chấp nhận, phải có kỷ luật, phải là màu trắng, đen, hoặc xám. Đó là một thế giới không có màu sắc. Mọi bức tường, trần, và sàn nhà đều màu trắng, và đồ đạc là các sắc đen và xám khác nhau. Không phải màu trắng nào cũng độc đoán như vậy. Cạnh con cá voi bạch tạng vĩ đại của Herman Melville, thứ màu trắng đó trở nên nhợt nhạt. Cạnh màu trắng ám ảnh “giữa lòng tăm tối” của thuyền trưởng Marlow của Joseph Conrad, màu trắng đó trở nên gần như vô tội. Nhưng quả là vẫn còn chút dấu ấn kiểu Conrad trong thứ màu trắng hời hợt đó. Nó như muốn nói: “Nghệ thuật tối giản là điều chúng ta phải đi mới tới được, là sự phát triển độ nhạy cảm của não bộ. Nền văn minh bắt đầu với các hoa văn hoa hòe hoa sói, với màu sắc tươi sáng. Sự nhạy cảm của nghệ thuật tối giản không phải là đỉnh điểm của văn minh, nhưng nó ắt hẳn phải ở vị trí rất cao giữa bầu trời và mặt đất”.Nhưng nếu là như vậy, nếu màu sắc là chẳng quan trọng, thì tôi tự nhủ tại sao lại phải loại bỏ màu sắc quyết liệt như vậy? Thực ra, màu sắc là quan trọng. Căn nhà đó rất tham vọng, chứ không hề tối giản, nó không phải là sự trống rỗng của khổ hạnh và ẩn dật, thật ra, nó là “sự khổ hạnh tự nguyện”, là sự áp đặt trật tự của nó lên thế giới - vốn đầy màu sắc và hỗn loạn xung quanh nó. Tòa nhà trụ sở Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là một kiến trúc toàn trắng nhái kiến trúc Hi Lạp cổ đại. Ảnh: a2jlab.orgGiống như chủ nghĩa tân cổ điển, hay những tuyên ngôn nghệ thuật của Adolf Loos và Le Corbusier, nó muốn cứu vớt cả nền văn hóa tinh anh và dẫn đạo cuộc đổi đời sang lý tưởng tối giản. Và như vậy thì với nó, màu sắc là thực sự quan trọng, đã là quan trọng với Melville và Conrad, với Loos và Le Corbusier, và hóa ra với rất nhiều kẻ khác nữa mà coi vận mệnh của văn hóa phương Tây là quan trọng. Và ngay bây giờ, nó vẫn đang là quan trọng.Lập luận của tôi là thế này: màu sắc, hay sự lòe loẹt, đã là mục tiêu của định kiến kinh khủng trong văn hóa Tây phương. Về cơ bản, định kiến này vẫn còn nguyên vẹn, không bị thách thức, thậm chí được coi là nghiễm nhiên, nhưng nó lại là một định kiến phổ quát đến mức có những lúc nó phục vụ cho gần như mọi định kiến khác, không chỉ về kiến trúc hay mỹ thuật, mà cả về giới, chủng tộc, và xã hội. Tôi tin rằng không phải là quá lời khi nói rằng ở phương Tây, từ thời cổ đại, những gì nhiều màu sắc đã bị gạt ra bên lề, khinh thường, hạ thấp, và cả rủa xả có hệ thống. Nhiều thế hệ triết gia, họa sĩ, sử gia nghệ thuật và nhà lý thuyết văn hóa đủ kiểu đã góp sức để định kiến đó sống mãi tới ngày nay, và vẫn đang sinh sôi nảy nở. Như với mọi định kiến khác, hình thức biểu hiện của nó, và sự hăm hở của nó, là để che đậy một nỗi sợ: nỗi sợ bị vấy bẩn và băng hoại vì những thứ xa lạ hoặc không thể biết. Đó là chứng sợ màu sắc.Chứng sợ kỳ quặc đó bộc lộ qua đủ kiểu gột tẩy, hạ thấp, và chối bỏ màu sắc trong văn hóa. Cụ thể hơn: sự chối bỏ thường đạt được qua hai cách. Cách thứ nhất, màu sắc trở thành đặc điểm của một cơ thể “xa lạ” - thường là nữ tính, phương Đông, thô sơ, ấu trĩ, quê mùa, hời hợt. Cách thứ hai, màu sắc bị hạ cấp xuống vị thế của một thứ dùng để trang trí bề mặt, chỉ là phụ trợ. Cách thứ nhất, màu sắc bị coi là xa lạ và nguy hiểm; cách thứ hai, nó là loại thứ cấp, và do đó không đáng được cân nhắc nghiêm túc. Màu sắc hoặc là nguy hiểm, hoặc là không đáng quan tâm, hoặc là cả hai (những định kiến thường đầy mâu thuẫn, âu cũng là chuyện thường). Dù là thế nào, màu sắc liên tục bị chối bỏ trong những tư tưởng sang trọng, bị coi là xa lạ với những giá trị cao quý của văn hóa Tây phương, thậm chí có nguy cơ làm băng hoại thứ văn hóa cao quý đó.Đoạn văn của Charles Blanc - một cái tên thật hợp - nhà lý luận phê bình mỹ thuật Pháp thế kỷ 19, là ví dụ sách giáo khoa về chứng sợ màu sắc: “Sự kết hợp giữa thiết kế và màu sắc là cần thiết để khai sinh ra hội họa cũng như sự kết hợp giữa người đàn ông và đàn bà là cần thiết để sinh ra nhân loại, nhưng thiết kế phải ưu thế hơn màu sắc. Nếu không thì hội họa sẽ bị hủy hoại: nó sẽ sụp đổ qua màu sắc như nhân loại sụp đổ vì Eve”. Blanc định nghĩa màu sắc là “nữ tính” trong hội họa; ông khẳng định nó là thứ yếu so với những yếu tố “nam tính” như bố cục và thiết kế; ông bày tỏ rõ nỗi sợ đấy qua việc đánh giá quá cao quyền lực của thứ mà ông sợ; và ông chẳng nói được điều gì mới. Với Blanc, do không thể phớt lờ màu sắc, vì nó là một thực tế, nên cần phải kềm chế và khuất phục nó, như với một phụ nữ, bằng không, nó sẽ khiến nền văn hóa băng hoại. Còn ở người kiến trúc sư sợ màu sắc thời hiện đại, với anh ta, màu sắc là chỉ dấu của tình trạng lạc hậu, đi ngược những phẩm chất cao quý của văn minh, là những gì thô sơ ấu trĩ.Vẫn lại là Blanc: “Con người thông minh có một ngôn ngữ biểu hiện qua những âm thanh rành mạch; những sinh vật hữu cơ, như động vật và cây cối, bộc lộ mình qua tiếng kêu và hình dạng, đường viền và dáng điệu. Tự nhiên vô cơ chỉ có ngôn ngữ của màu sắc. Chỉ nhờ màu sắc mà một hòn đá thông báo với chúng ta nó là hồng ngọc hay lam ngọc... Do đó, màu sắc là đặc điểm riêng biệt của những hình thức tự nhiên thấp kém hơn, trong khi hình dáng là phương tiện biểu lộ ngày càng rõ ràng khi chúng ta ngày càng vươn lên cao trong nền văn minh với tư cách con người”.Tức màu sắc thấp kém không chỉ trong hệ thống thứ bậc kỹ năng của nhà họa sĩ, như đã là vậy trong đào tạo hội họa kinh viện, nó còn thấp kém vì thứ bậc của nó trong vũ trụ là như vậy. Cũng Blanc tin rằng ta phải học để vẽ được hình dáng, trong khi bẩm sinh ai cũng biết tô màu. Tô màu, với Blanc, “dễ hơn nhiều so với vẽ hình”. Lý luận của Blanc về màu sắc không đơn giản mang tính lý thuyết, ông còn một vấn đề khác: vấn đề Trung Hoa - hay Nhật Bản. Ông phải chứng minh rằng việc tô màu là dễ hơn vì chỉ có vậy thì mới giải thích được tại sao các “thợ vẽ phương Đông” giỏi sử dụng màu sắc hơn họa sĩ phương Tây. Blanc viết: “Từ thời xa xưa, người Hoa đã biết những quy luật cố định về màu sắc, và truyền thống của những quy luật đó, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tới tận ngày nay, đã tỏa khắp châu Á, và ăn sâu bén rễ khiến các họa sĩ phương Đông là những người tô màu lão luyện, vì chúng ta không bao giờ thấy có chút sai sót nào trong bố trí màu sắc của họ”. Tuy nhiên, sự lão luyện đó không có nhiều ý nghĩa, thậm chí là có hại vì “sự ưa thích màu sắc, khi thống trị tuyệt đối, khiến chúng ta phải trả giá đắt; nó thường gây xao nhãng cho lý trí, thay đổi cảm xúc, ngăn trở tư duy”. Khi đó, nghệ thuật cao cả sẽ băng hoại thành “màn cửa, dép đi trong nhà, ống điếu, khăn trùm đầu, áo choàng, áo chùng, thảm, dù che” - tức những hình thức thấp kém hơn của tự nhiên.Vậy phải làm sao đây? Với Blanc, chỉ có hai cách: chối bỏ màu sắc hoàn toàn, hoặc kiểm soát nó. Chối bỏ và kiểm soát, chúng ta lại trở về với Adam và Eve, trở về với một vũ trụ bị thống trị bởi những thứ đối lập nhưng không bình đẳng: đàn ông và đàn bà, lý trí và con tim, lý luận và cảm xúc, trật tự và vô trật tự, tuyệt đối và tương đối, cấu trúc và màu sắc, và phương Tây và phương Đông.■(CHIÊU VĂN lược dịch, theo White Noise) Tags: Màu sắcPhương TâyMàu trắngĐơn sắcThiết kế nội thấtPhương ĐôngChứng sợ màu sắcĐen và trắngChiêu VănDavid BatchelorĐa sắc
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.