Có lẽ ý thức của người dân đi lễ hội được nâng lên nhiều và các nhà tổ chức cũng nhiều kinh nghiệm hơn sau những mùa lộn xộn.
Dốc sức cho mùa lễ hội bình yên
Chùa Bái Đính, Tam Chúc, lễ hội chùa Hương là những "điểm nóng" lễ hội đầu năm, được báo chí, người dân luôn ghé mắt theo dõi.
Nhưng từ Tết Quý Mão tới nay, dù có những ngày thời tiết đẹp khách viếng thăm đông đúc nhưng tại các điểm này đều chưa thấy cảnh lộn xộn, "te tua" đáng than phiền.
Điểm chùa Bái Đính ngoài 200 xe điện còn bố trí thêm các xe buýt, xe du lịch nhỏ để vận chuyển khách.
Chùa Tam Chúc ngoài sắm thêm gần chục du thuyền còn đưa thêm ca nô vào phục vụ khách cho kịp thời những ngày cao điểm.
Tại hai ngôi chùa đông khách viếng này, hầu hết những người đi lễ, đi du lịch đều hoan hỉ xếp hàng trong trật tự. Hiện tượng nhét tiền lẻ vào tay tượng, đặt lên bàn thờ không giảm bao nhiêu nhưng tại Bái Đính có bố trí người đi gom tiền lẻ để vào hòm công đức.
Ngoài các biển đề nghị không đặt tiền lẻ lên tay tượng, các đoàn đi lễ có thuê hướng dẫn viên đều được hướng dẫn viên nhắc nhở việc này.
Hy vọng những hình ảnh chưa đẹp về tiền lẻ vương vãi ban thờ, trên tay tượng Phật, các vị La Hán ở các chùa sẽ giảm dần theo năm tháng.
Ngày khai hội chùa Hương vào mùng 6 Tết Quý Mão cũng diễn ra khá thanh bình. Lượng khách đông nhưng trải đều trong ngày nên ít có thời điểm bị quá tải.
Các lễ hội nhỏ ở các địa phương diễn ra tươi vui, yên bình, giữ gìn nét đẹp của lễ hội truyền thống.
Có được những ngày đầu yên vui mùa lễ hội này ngoài ý thức của người dân được nâng lên thì cũng cần ghi nhận những nỗ lực chuẩn bị chu đáo của các ban tổ chức lễ hội, điểm du lịch, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) vài năm trước cũng bị báo chí phản ánh một số hiện tượng chưa đẹp như liền anh liền chị hát quan họ ngửa nón xin tiền, hay có một số hoạt động không phù hợp với lễ hội truyền thống.
Năm nay ban tổ chức đã có chỉ đạo nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ ngửa nón xin tiền, không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng và các loại nhạc không phù hợp.
Chung lòng sẻ chia phước báu
Với thói quen có lẽ mới chỉ được hình thành vài chục năm gần đây, nhiều người đi lễ chùa để cầu xin nhiều thứ cho bản thân mình, từ sức khỏe, bình an đến tài lộc.
Lên chùa, vào đình, đền nào cũng thấy cảnh người người chen chân đi đủ các ban thờ để rầm rì cầu xin đủ thứ. Nhưng cũng có không ít người đi du xuân, đi lễ đầu năm chỉ để tạ ơn trời đất, tri ân thần, Phật, tiên tổ.
Bạn Đỗ Hiền từ Bình Phước vừa có chuyến ra Bắc, theo đoàn phật tử ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đi hành hương tới Yên Bái.
Cả đoàn không ai cầu xin điều gì cho mình mà chỉ chung lòng chia bớt những phước báu, thiện lành mình có cho mọi người.
Đỗ Hiền và những người bạn phật tử của mình được sư thầy dạy rằng lên chùa, đi lễ chỉ mang theo lòng tri ân với trời phật, tiền nhân chứ đừng nặng tâm mong cầu, kể cả chỉ cầu xin những thứ tưởng như rất "trong sáng" như bình an, sức khỏe, tri kiến (thấy biết đúng đắn).
Bởi theo triết lý Phật giáo, đời sống này vận hành theo nhân quả, mình gặt được quả gì đều hoàn toàn phụ thuộc vào cái hạt mình đã gieo, phụ thuộc vào nghiệp và phước.
Muốn có phước lành thì phải không tạo nghiệp (tránh ác), làm tối đa tất cả những gì là việc thiện.
Tinh thần này cũng được thể hiện trong văn bản chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa, cơ sở tự viện về việc tổ chức lễ cầu an cho nhân dân trong dịp xuân này.
Theo đó, Giáo hội nhấn mạnh các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni cần thuyết giảng về ý nghĩa luật nhân quả của Phật giáo trong các khóa lễ cầu an, để người dân hiểu rằng muốn có bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, gặp nhiều thiện duyên thì phải tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận