Êkip thuộc đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa nhận lệnh “chi viện” vào tâm dịch Bắc Giang ngày 26-5 - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
"Trên phạm vi cả nước, chúng ta đang kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, nhưng Bắc Ninh và Bắc Giang có nguy cơ rất cao. Hai tỉnh lúc này đang là pháo đài chống dịch cho cả nước, vì cả nước, cả nước cũng phải vì Bắc Ninh và Bắc Giang" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và kêu gọi cả nước cùng chia sẻ với hai địa phương này.
Yêu cầu này được đưa ra tại cuộc họp khẩn, trực tuyến của Thủ tướng với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vào ngày 26-5 nhằm đẩy lùi, ngăn chặn dịch sớm nhất có thể trong những ngày tới, bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp (KCN).
Bài học về nguồn lây
Đánh giá dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tình hình cơ bản từng bước được kiểm soát, song Thủ tướng cho rằng nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nên cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt có nhiều ý kiến cho rằng nguồn lây bệnh ở hai tỉnh xuất phát từ hai bệnh viện tại Hà Nội. Đây là kinh nghiệm cần được rút ra về phòng chống dịch tại các bệnh viện khi "pháo đài chống dịch bị thủng". Chủng virus gây dịch tại hai địa phương lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm của hai bệnh viện tại Hà Nội trong thực hiện các quy định về phòng chống dịch.
"Ai làm tốt phải khen, nhưng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình những nơi làm chưa đúng để có bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý tốt hơn. Bộ Y tế phải làm việc này, song song với nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ngoài trách nhiệm của hai bệnh viện, Bộ Y tế có trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc, thực hiện quy trình, quy định" - Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ việc quản lý chưa chặt chẽ, chậm phát hiện, xử lý những vi phạm trong khâu khai báo y tế, đi cùng với trách nhiệm của những người liên quan. Một số bộ, ngành thiếu chủ động, tích cực trong hỗ trợ địa phương, phối hợp chưa quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những ổ dịch COVID-19 lớn của tỉnh - Ảnh CHÍ TUỆ
Ưu tiên phân bổ mỗi tỉnh 150.000 liều vắcxin
Về các biện pháp dập dịch hai địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay với Bắc Giang, phải dập dịch nhanh trong các KCN, đặc biệt là các khu công nhân, để đưa trở lại hoạt động bình thường.
Còn đối với Bắc Ninh, phải dập dịch bằng được trong cộng đồng, bảo vệ cộng đồng sạch để ngăn việc lây nhiễm từ cộng đồng vào các KCN.
Ông Long đề nghị tăng cường lực lượng giám sát kiểm tra, lắp đặt camera và xử lý các vi phạm về cách ly y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ phân bổ mỗi tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh 150.000 liều vắcxin và sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1 đến 2 tuần.
Trong hoàn cảnh lần đầu tiên chống dịch trong các KCN quy mô lớn, hiện đại, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải lo đủ vật tư, thiết bị phòng chống dịch, điều trị, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm nhanh, nhanh chóng làm sạch các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Các bộ trưởng "cùng tập trung lo toan"
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là tập trung đẩy lùi dịch bệnh ở hai địa phương, với sự tích cực, chủ động, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn.
Ông yêu cầu các bộ trưởng "cùng tập trung lo toan", kêu gọi cộng đồng và các tỉnh, thành phố xung quanh tiếp tục hỗ trợ cùng Bắc Ninh, Bắc Giang, bảo đảm sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu về lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung, thống nhất, triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, theo tinh thần phòng là cơ bản, quyết định, chiến lược.
Căn cứ tình hình áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly, phong tỏa phù hợp, gắn với tăng kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời.
Tăng cường khả năng xét nghiệm, huy động tối đa nguồn lực tập trung cho xét nghiệm nhanh. Tiếp tục phát huy, đẩy mạnh việc thành lập các tổ an toàn COVID-19 trong cộng đồng, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.
Về biện pháp tấn công, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong xét nghiệm chủ động, nhất là những nơi đã được khoanh vùng; sử dụng công nghệ bắt buộc theo quy định, hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông; tiếp tục thực hiện tốt chiến lược "5K + vắcxin", xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang ra ngoài đường trên phạm vi cả nước, kiểm soát chặt nhập cảnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường số lượng bệnh viện dã chiến tại hai địa phương; bố trí kinh phí, tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để đủ năng lực thực hiện 4 tại chỗ, bảo đảm phòng ngừa, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình.
Các tổ công tác, Bộ Y tế cùng các địa phương lo trang thiết bị, vật tư y tế. Kế thừa kinh nghiệm, tiếp tục phát huy mô hình cách ly tại nhà và tại nơi sản xuất.
Lập "luồng xanh" lưu thông hàng hóa
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vải thiều đang vào vụ thu hoạch gặp khó khăn, nên kiến nghị cần thiết lập "luồng xanh" để lưu thông mặt hàng này qua các địa phương.
Tại các KCN, tỉnh xây dựng kế hoạch từng bước khởi động lại sản xuất, với 8 doanh nghiệp làm thí điểm và hôm nay 27-5 sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trở lại.
Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất về ưu tiên "luồng xanh" cho lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, giao các bộ hướng dẫn quy trình cụ thể.
Ưu tiên vắcxin cho các KCN
Đối với việc thực hiện chiến lược vắcxin, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, cho hai tỉnh và các địa phương có nguy cơ rõ ràng, các KCN.
Huy động nguồn lực của các doanh nghiệp và của chủ các khu nhà trọ công nhân cho công tác này theo nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Chiều 26-5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định thành lập Quỹ vắcxin phòng dịch COVID-19 để tiếp nhận nguồn tài trợ, hỗ trợ cho việc mua, nhập khẩu, sản xuất vắcxin và sử dụng phòng dịch COVID-19 cho người dân.
Quỹ do Bộ Tài chính quản lý và chịu sự thanh tra, kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, MTTQ VN và cộng đồng.
Người lao động, doanh nghiệp cần lưu ý gì?
"Khi đi kiểm tra tại các đơn vị, chúng tôi thấy tỉ lệ chấp hành quyết định này chưa được cao. Hôm nay 27-5, Bộ Y tế sẽ có tập huấn trực tuyến với các đơn vị đầu mối trong toàn quốc để triển khai kỹ hơn việc này.
Bà LƯƠNG MAI ANH
Với việc giữ an toàn cho các nhà máy, KCN, bà Lương Mai Anh - phó cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế - cho biết từ tháng 5-2020, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia đã có quyết định 2194, hướng dẫn đầy đủ về phòng chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.
Người lao động, doanh nghiệp, nhà máy, KCN... cần nghiên cứu kỹ và triển khai đầy đủ các đầu mục.
Quyết định này đã hướng dẫn người lao động khi ở nhà phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chuẩn bị trang bị cần thiết cho thời gian làm việc hoặc đi công tác như khẩu trang, bình nước/ly nước riêng, tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, trường hợp có sốt, ho thì phải tự cách ly ở phòng riêng hoặc giữ khoảng cách 2m, đeo khẩu trang...
Khi đi làm việc/công tác tại nơi có dịch hoặc có nguy cơ lây nhiễm, người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch cần cân nhắc trước khi đi.
Tại nơi làm việc, quyết định 2194 yêu cầu đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách tại nơi làm việc.
Các doanh nghiệp, ban quản lý ký túc xá đều phải thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, thiết lập kênh liên lạc với cơ quan y tế, rà soát, sắp xếp công việc để đảm bảo giãn cách, bố trí nhân lực đo thân nhiệt hằng ngày và đảm bảo khoảng cách tối thiểu tại cổng ra vào, khu vực nhà ăn...
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận