28/10/2013 16:39 GMT+7

Đơn giản hóa thủ tục cư trú cho người nước ngoài

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Chiều 28-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã có báo cáo thẩm tra về dự án luật.

Dự thảo luật có nhiều quy định thông thoáng hơn về thủ tục xuất nhập cảnh, điều kiện tạm trú, thường trú dành cho người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể:

Quy định cụ thể điều kiện cấp thẻ tạm trú, ký hiệu, thời hạn của thẻ tạm trú và nâng thời hạn của thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm. Mở rộng đối tượng xét thường trú cho: người nước ngoài là nhà khoa học và chuyên gia giỏi đang tạm trú tại Việt Nam nhằm thu hút nhân tài phục vụ xây dựng đất nước; người nước ngoài không có giấy tờ chứng minh quốc tịch đang tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 nhằm phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng và tạo tiền đề cho những người này xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch.

Quy định người được cấp thẻ thường trú định kỳ 10 năm phải đổi thẻ một lần tại cơ quan cấp thẻ (pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 quy định 3 năm đổi thẻ 1 lần), nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Dự thảo luật quy định người nước ngoài không được chuyển đổi mục đích nhập cảnh, nhưng để đảm bảo tính linh hoạt, dự thảo luật quy định một số trường hợp người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam được bổ sung mục đích là thân nhân cùng đi theo nhiệm kỳ của các thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc và học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 12-2012 đã có hơn 40,7 triệu lượt người nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có 21,5 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tăng trung bình 18,57% và đa dạng về quốc tịch; có 14.489 dự án của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore... được đầu tư tại Việt Nam ở cả 63 địa phương với số vốn đăng ký là 213,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, thời gian qua sự thông thoáng về thủ tục, điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài cũng đã bị một số doanh nghiệp lợi dụng để “lách”, sử dụng tư cách pháp nhân chỉ để bảo lãnh cấp thị thực cho người nước ngoài. Còn họ vào thế nào, hoạt động ra sao doanh nghiệp không nắm được.

Chính vì vậy đã có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng (nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu như: nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; ximăng Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh, bôxit - nhôm Lâm Đồng...) nhưng không phải do chủ đầu tư (hoặc nhà thầu) bảo lãnh cấp thị thực.

Các đối tượng xấu cũng “lợi dụng” vào Việt Nam hoạt động tôn giáo trái phép, lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp... (năm 2010-2012, Bộ Công an đã bắt, xử lý, trục xuất, đưa vào danh sách cấm nhập cảnh hàng trăm tội phạm công nghệ cao người nước ngoài).

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên