02/09/2021 13:02 GMT+7

Dọn đường tới thịnh vượng

BẢO NGỌC - TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN thực hiện
BẢO NGỌC - TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN thực hiện

TTO - Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao là mục tiêu đưa ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Dọn đường tới thịnh vượng - Ảnh 1.

Không thể thiếu các chính sách phát triển hạ tầng nông thôn để nơi đây ngày càng đáng sống. Trong Ảnh: Chế biến và đóng gói xoài cát chu xuất khẩu sang Nhật Bản tại một doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước - còn 24 năm nữa nhưng cũng rất gấp để có chính sách đảm bảo mục tiêu thịnh vượng. Nhưng cách làm thế nào?

Theo Tổng cục Thống kê, người dân từ chỗ thu nhập vỏn vẹn 86 USD/người vào năm 1986, thuộc hàng thấp nhất khu vực, đến nay đã vươn lên 3.521 USD/người/năm. 

Nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh, ngay cả trong vượt qua dịch bệnh. Cạnh tranh để phát triển không chỉ giữa các doanh nghiệp, mà còn cả trong hoạch định chính sách của Chính phủ. 

Thách thức phía trước khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại. Nếu trong giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 7,26%/năm thì giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 5,9%/năm.

Dù kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao so với nhiều nước nhưng theo báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện, trong 25 năm tới, để trở thành một nước phát triển, người dân có thu nhập đạt trên 12.535 USD/người/năm, phải duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%/năm. 

Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời kỳ hậu COVID-19 nếu Việt Nam thúc đẩy cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế... nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt tới thịnh vượng vào năm 2045.

* TS Bùi Trinh (chuyên gia kinh tế):

Vươn lên khỏi “kiếp gia công”

anh box 7

Muốn cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân, các doanh nghiệp trong nước cần vươn lên để thoát khỏi “kiếp gia công”. Nền kinh tế còn gia công thì rất khó tăng năng suất lao động, tăng thu nhập.

Để làm được điều này cần nâng cao trình độ lao động, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Hơn 30 năm qua chúng ta bàn rất nhiều đến phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng đến nay hầu hết các doanh nghiệp vẫn nặng về gia công.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vươn lên trong bối cảnh các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đã định hình, Nhà nước cần ứng xử công bằng giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

* Ông Đinh Tuấn Minh (giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội):

Mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh

anh box2

Con đường đến thịnh vượng là Nhà nước cần bảo đảm tốt hơn quyền tự do kinh doanh của mọi người dân, đồng thời thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa.

Đặc biệt Nhà nước cần tạo niềm tin để kinh doanh đến một quy mô nào đó không sợ rủi ro.

Muốn vậy phải bảo đảm quyền sở hữu tài sản, các quyền về thực thi hợp đồng. Nhà nước không phải nghĩ thay doanh nghiệp bởi họ luôn đứng trước áp lực tăng năng suất để cạnh tranh.

Nhà nước có thể ban hành những chính sách chung về giáo dục, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng tự do thương mại, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận công nghệ, tiếp cận thị trường xuất khẩu.

bd1

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.KH.

* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Thúc đẩy chuyển đổi số

anh box3

Với lợi thế dân số trẻ, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra những việc làm mới, dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao như đầu tư kinh doanh game, công nghiệp giải trí số, dịch vụ an ninh mạng...

Tận dụng lợi thế tham gia các chuỗi giá trị công nghệ, ví dụ trên nền tảng thương mại điện tử Amazon cho phép các doanh nghiệp trong nước có thể xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, bán hàng ra toàn cầu, giảm được nhiều chi phí trung gian.

Yếu tố công nghệ số sẽ góp phần tăng năng suất lao động cho cả nền kinh tế và trong từng ngành.

Nhưng để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển hạ tầng số như đường truyền Internet, hạ tầng điện toán đám mây; chiến lược đào tạo nhân lực; và đặc biệt là cải cách thể chế. Nếu các nền tảng thể chế, pháp lý thay đổi chậm để các nền tảng như Tiki.vn phải sang Singapore thành lập doanh nghiệp thì nền kinh tế sẽ mất đi rất nhiều cơ hội.

bd2

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương - Đồ họa: N.KH.

* Ông Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright VN):

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

anh box4

Để trở thành một nước phát triển, nhìn vào kinh nghiệm và thành quả của các quốc gia đã thành công trong 7 thập niên qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... thì chiến lược dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và giáo dục vô cùng quan trọng.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) về số người đi học đại học trên tổng số người trong độ tuổi học đại học, Việt Nam đạt con số rất thấp, chỉ hơn 28%, trong khi Thái Lan 49,2%, Philippines 35,4%, Trung Quốc 53,7% và thua rất xa các nước phát triển (phổ biến trên 70%).

Nâng chất giáo dục đại học và quy mô người tốt nghiệp đại học sẽ thúc đẩy quy mô đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những điều kiện quan trọng đưa Việt Nam thoát khỏi điều kiện chung “bình bình” của các quốc gia Đông Nam Á.

Các nước phát triển có lợi thế dẫn đầu nhờ quy mô nền kinh tế, hội tụ những người giỏi, tạo hệ sinh thái nhiều người giỏi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo “vòng xoáy” đi lên. Việt Nam gặp thách thức lớn khi quy mô nhỏ. Do đó cách duy nhất là phải đầu tư cho giáo dục đến nơi đến chốn để bứt lên.

Bên cạnh đó,Nhà nước cũng cần nâng cao năng lực, cải thiện hạ tầng mềm để nâng chất lượng thể chế.

Hướng đến một bộ máy chính quyền hiệu quả sẽ góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng và lúc đó doanh nghiệp sẽ cạnh tranh công bằng theo nguyên tắc “người thổi sáo hay nhất được dùng cây sáo tốt nhất”. Như vậy sẽ tạo bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế phát triển và cả xã hội đi lên.

bd4

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.KH.

* TS Võ Mai (phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam):

Nông thôn phải là nơi đáng sống

anh box5

Người dân ngày càng tập trung nhiều hơn vào các đô thị lớn là xu hướng trên toàn thế giới.

Nhưng thời gian qua rất nhiều người dân nông thôn ở Việt Nam lên thành phố, vào các khu công nghiệp không hẳn là vì họ thích mà vì nông thôn không có việc làm, điều kiện sống rất thấp. Họ vẫn giữ nhà ở quê để có chuyện gì đó hoặc đến lúc nào đó sẽ về.

Đến nay Việt Nam vẫn có 60% dân số sống ở nông thôn. Chiến lược phát triển nông nghiệp hướng tới xây dựng nông thôn là nơi đáng sống cần phải xem xét.

Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy nông hộ quy mô nhỏ vẫn có thể sản xuất ra hàng hóa lớn. Chúng ta là cường quốc về xuất khẩu các mặt hàng như lúa gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản... với hầu hết sản lượng từ các hộ gia đình. Vấn đề là tổ chức sản xuất. Nông dân không thể cứ mãi sản xuất đơn lẻ, theo phong trào bởi chính họ sẽ bị tổn thương đầu tiên.

Như trong các đợt giãn cách, rất nhiều nông dân bán rẻ như cho vẫn không tiêu thụ được nông sản thì vẫn có người sản lượng tăng 3-4 lần. Đó là những đơn vị chủ động tham gia các chuỗi sản xuất từ trang trại đến chế biến, vận chuyển, kinh doanh. Đây phải là xu hướng bắt buộc của sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Nông dân nhỏ phải tập trung vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Như thế họ sẽ sản xuất theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, giá cả rõ ràng và ổn định đầu ra. Điều này giúp nông sản Việt có chất lượng cao hơn, giá thành rẻ hơn, dễ đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến.

Không thể thiếu các chính sách phát triển hạ tầng nông thôn như chương trình nông thôn mới. Với hạ tầng hoàn thiện hơn, mạng Internet và giao hàng online phát triển, nông thôn sẽ tiếp cận dễ hơn với thông tin và đời sống đô thị; đồng thời được tận hưởng không gian xanh sạch...

Đó sẽ thực sự là nơi đáng sống. Đây không chỉ là giấc mơ mà còn là trách nhiệm của các nhà làm chính sách để tới năm 2045, Việt Nam không chỉ là nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao mà còn có một vùng nông thôn tươi đẹp, đáng sống.

bd6

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Fulbright

World Bank duyệt chương trình 321 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế World Bank duyệt chương trình 321 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế

TTO - Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 30-6 phê duyệt hai chương trình chính sách phát triển (DPO) với tổng giá trị 321,5 triệu USD, qua đó khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của Việt Nam.

BẢO NGỌC - TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên