23/07/2011 08:17 GMT+7

Đón dòng đầu tư mới từ Nhật

L.N.MINH - P.THÙY (từ Tokyo, Nhật)
L.N.MINH - P.THÙY (từ Tokyo, Nhật)

TT - Việt Nam cần đến 160 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng nhưng nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50%. Nguyên đại sứ Nhật tại VN, ông Norio Hattori, khẳng định sẽ có dòng đầu tư mới từ Nhật vào VN nhờ sự xuất hiện kịp thời của hình thức hợp tác công- tư (PPP), mở ra cơ hội đầu tư mới.

O0zDezRA.jpgPhóng to
Đại diện Công ty J Power (giữa) rất quan tâm đến các dự án điện ở VN - Ảnh: L.N.M.

Tại diễn đàn đầu tư Việt - Nhật do Bộ Kế hoạch - đầu tư và báo Mainichi tổ chức tại Tokyo ngày 22-7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh tính hấp dẫn của PPP và hi vọng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chiếm 30% tổng nguồn vốn đầu tư qua hình thức PPP.

20 tỉ USD mỗi năm

1.552

Đó là số dự án đầu tư của Nhật Bản vào VN từ trước đến nay với tổng vốn đăng ký gần 21,4 tỉ USD.

Theo ông Đông, Nhà nước không thể tiếp tục dùng các kênh huy động vốn truyền thống như phát hành trái phiếu chính phủ, vốn ODA để phát triển các dự án cầu, đường, bến cảng, điện, nước... Với các dự án tham gia PPP, vốn nhà nước chỉ tham gia tối đa 30%, vì thế doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận một thị trường 20-25 tỉ USD mỗi năm là đầy hấp dẫn. Nhận định tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng là rất cao nên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng các doanh nghiệp nước này sẽ chiếm 20-30% giá trị đầu tư toàn thị trường PPP trong những năm tới.

Ông Katsuhiko Murayama - vụ trưởng Vụ Hợp tác tài chính, Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản - cho biết gần đây ông nhận được nhiều thông tin về các doanh nghiệp Nhật tăng đầu tư vào VN, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ở thị trường trong nước đang muốn chuyển hướng ra nước ngoài, trong đó VN là sự lựa chọn ưu tiên” - ông Murayama nói. Theo ông Murayama, việc ứng dụng hình thức mới là PPP trong thu hút đầu tư đang tạo ra sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp Nhật.

Ông Đặng Xuân Quang, cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết hiện có 24 dự án được xem xét làm thí điểm cho hình thức đầu tư PPP với tổng vốn dự kiến 20 tỉ USD. Trong đó có những dự án được ưu tiên đầu tư như đường cao tốc, sân bay, nhà máy điện...

Yên tâm hơn

Ông Teruo Tsuneda (tổng giám đốc phụ trách Văn phòng kinh doanh quốc tế, báo Mainichi):

Trọng tình bạn và sự trung thành

Ngay sau khi trận động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, chúng tôi đã có chuyến làm việc ngắn ngủi ở VN. Chuyến đi đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm nồng ấm và chân thành của dân tộc VN dành cho Nhật Bản. Cũng như các bạn, người Nhật Bản chúng tôi rất trọng tình bạn và sự chân thành. Tôi nghĩ cần làm điều gì đó để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước bởi từ lâu VN và Nhật Bản đã là bạn bè thân thiết và có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và kinh doanh... Nhật Bản nhận thức được VN là một trong những đối tác chiến lược quan trọng. Vì vậy, diễn đàn kinh tế này là một trong những cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận và tìm hiểu thêm về kinh tế VN nhằm có thêm những dự án đầu tư mới vào đất nước của các bạn.

Tham dự diễn đàn, ông Yoshimori Kanda, trợ lý giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn Sojitz, nhận xét: “Khi áp dụng PPP, với sự tham gia 30% của Nhà nước là một yếu tố hấp dẫn, tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư. Tôi nghĩ các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ nhìn thấy cơ hội của mình ở VN”.

Giải thích rõ hơn về vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong PPP, ông Đặng Huy Đông cho biết sẽ có ba quỹ được hình thành để Chính phủ thực hiện một số giải pháp, công cụ trợ giúp các dự án PPP. Nguồn vốn từ Nhà nước sẽ thuê tư vấn quốc tế xây dựng dự án có thể đạt đến mức có thể đem ra thị trường vốn quốc tế để huy động vốn. “Chúng tôi sẽ tính toán rủi ro và phân bổ rủi ro một cách rạch ròi giữa nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước. Đảm bảo cho khu vực tư nhân tham gia đạt được tỉ lệ hoàn vốn và lợi nhuận khả quan” - ông Đông nói.

Ông Đông giải thích: “Trong một số trường hợp do quy mô thị trường chưa đủ lớn hoặc do chính sách an sinh, Nhà nước phải bù lỗ, bù giá cho người dân... thì Nhà nước sẽ dùng nguồn tiền từ quỹ này bù cho dự án. Hoặc Nhà nước có thể tham gia một số vốn ban đầu từ 15-20% vốn dự án”. Ông Đông cho biết các quỹ hỗ trợ dự án PPP được một số tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ và sẵn sàng đổ vốn vào như JICA, IFC (của Ngân hàng Thế giới) và một số quỹ đầu tư của Anh, Nhật, Hàn Quốc...

Ông Norio Hattori tỏ ra rất lạc quan về hình thức đầu tư PPP được áp dụng ở VN bởi theo ông, những nước khác như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan... đã thành công trong việc phát triển hạ tầng nhờ PPP. “Tất nhiên PPP không phải là “thuốc tiên” để nói rằng sẽ thành công mỹ mãn cho các dự án. Nhưng qua kinh nghiệm và quan sát, tôi tin nó sẽ phát huy hiệu quả ở VN. Tôi biết việc giải ngân nguồn vốn ODA ở VN bị nghẽn vì một số nguyên nhân, nay PPP sẽ giúp triển khai dự án ODA tốt hơn” - ông Hattori nói. Theo vị cựu đại sứ này, các doanh nghiệp Nhật đã sẵn sàng, chỉ cần VN có giải pháp thì vốn sẽ chảy vào.

L.N.MINH - P.THÙY (từ Tokyo, Nhật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên