Phóng to |
Bức xúc nhất có lẽ là những người trong cuộc đang ra sức chống in lậu lâu nay, những người quan tâm đến sự nghiệp làm sách và có tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là khi nước nhà đã gia nhập Công ước Berne về quyền tác giả vừa chẵn mười năm.
Câu chuyện in lậu và chống in lậu đã nhức nhối từ lâu. Nên dư luận hoàn toàn dễ dàng chia sẻ, cảm thông với những đơn vị tiên phong nỗ lực tự mình chống in lậu, mà First News - Trí Việt trong vụ vừa qua là một điển hình. Nhưng nếu nhìn một cách công bằng thì công việc chống in lậu trước hết thuộc về các cơ quan chức năng. Bởi pháp luật đã quy định và tổ chức một hệ thống các cơ quan giữ nhiệm vụ phòng chống in lậu đầy đủ ở các cấp. Đơn cử như địa bàn TP.HCM hoặc Hà Nội, các cơ quan có chức năng chống in lậu phải nói là dày đặc: Cục An ninh thông tin - truyền thông, Bộ Công an, Phòng an ninh chính trị nội bộ, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP, thanh tra Sở Thông tin - truyền thông, các đội an ninh quận, huyện; các phòng văn hóa quận, huyện; các đội quản lý thị trường quận, huyện... Về nguyên tắc, nhân viên công quyền thuộc các cơ quan này đều hưởng lương từ tiền thuế của người dân, đổi lại, nhiệm vụ của họ là bảo đảm không để tệ trạng in lậu, lưu hành sách lậu, sách giả - cũng là một loại hàng giả - làm nhiễu loạn thị trường và đời sống nhân dân.
Nhưng, theo quan sát của người trong giới, in lậu ở VN vẫn chưa dẹp bỏ được, thậm chí có dấu hiệu ngày càng tinh vi, phát triển ở quy mô lớn, với lô sách First News phát hiện năm 2011 tại cơ sở Huy Thi lên đến hơn 10.000 cuốn là một minh chứng. Điều đáng nói là vụ phát hiện sách lậu đó khởi đi từ chính First News - một đơn vị đóng tại địa bàn TP.HCM - đã đầu tư công sức “vượt ngoài nghìn dặm” lần theo dấu vết sách lậu tại Hà Nội, để rồi phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở gia công sau in.
Hoạt động “tự chống in lậu” đến như vậy, với một công ty tư nhân kể cũng là quá sức. Phần việc còn lại không thể thiếu sự tham gia của các cơ quan chức năng. Đó là khi phát hiện 10.000 bản sách không rõ nguồn gốc tại cơ sở đóng xén, ai sẽ tiếp tục truy ra xuất xứ và chủ nhân của lô sách này? Đặt vấn đề này bởi phải xác định được chủ nhân lô sách không nguồn gốc kia mới làm rõ được ai là người in lậu và tổ chức in lậu số sách trên. Nhưng đã gần bốn năm, với dày đặc các cơ quan công quyền giữ trách nhiệm phòng chống in lậu như đã nói, vẫn không có câu trả lời cho vấn đề quan trọng nhất của vụ việc. Trong khi với nỗ lực tự thân, First News chỉ mới phát hiện đơn vị gia công sau khi in - một mắt xích thứ yếu trong quy trình xuất bản - in ấn.
Tại sao người dân lại lẻ loi đơn độc đến thế trong hành trình chống in lậu để bảo vệ mình? Sự lẻ loi đó lẽ ra đã không có, nếu mỗi cơ quan công quyền có trách nhiệm chống in lậu đều tha thiết với công việc của mình bằng sự nhiệt tình như chính người bị hại.
Cần truy đến cùng kẻ in ấn sách lậu * Việc First News thua kiện một cơ sở gia công thành phẩm và bán thành phẩm sách của First News cho thấy quyền lợi chính đáng và hợp pháp của First News không được pháp luật bảo vệ ổn thỏa. Theo First News thì cơ sở vi phạm cần phải bồi thường cho First News 500 triệu đồng tiền vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ và vi phạm bản quyền tác giả, 50 triệu đồng chi phí cho việc khắc phục hậu quả... Tạm không bàn đến những con số cụ thể này thì cũng rất dễ nhận ra một thực tế: chắc chắn First News có bị thiệt hại vật chất. Điều này giải thích cho việc chủ cơ sở gia công đã chủ động thương lượng bồi thường 80 triệu đồng với điều kiện First News phải rút đơn kiện nhưng First News đã không đồng ý. Tuy nhiên, chứng cứ để First News chứng minh cho sự thiệt hại đã xảy ra như đối với các vụ án dân sự khác để nộp cho tòa án thì lại không dễ thực hiện. Vậy chẳng lẽ trong những vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng tương tự, First News hay những đơn vị làm sách hợp pháp khác cứ phải vất vả truy tìm, xác định các đối tượng vi phạm, cứ phải mệt nhoài với các thủ tục khởi kiện ra tòa để rồi thua kiện và còn phải đóng án phí cho phần yêu cầu mà ai nghe cũng thấy có lý nhưng với tòa án thì lại là không có căn cứ cụ thể? Nhằm có những biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in ấn, xuất bản, phải xác định đề nghị của First News về việc công an “cần điều tra làm rõ nguồn gốc số sách được gửi đến cơ sở Huy Thi để truy đến tận cùng sào huyệt của những người in ấn sách lậu” là hoàn toàn hợp lý và cần được sớm giải quyết. Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM) * Nếu First News muốn tiếp tục theo đuổi vụ kiện này đến cùng thì cần chứng minh được số sách vi phạm bản quyền từ cơ sở Huy Thi đã có trên thị trường nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc trốn thuế, gây thiệt hại cho đơn vị giữ bản quyền. Vì nếu sách từ cơ sở Huy Thi tham gia thị trường chưa thể gây thiệt hại cho ai, trong trường hợp này chỉ có thể phạt hành chính cơ sở gia công ấn phẩm không có giấy phép kinh doanh. First News nên tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra và lực lượng quản lý thị trường xác định nguồn gốc sách tham gia thị trường từ cơ sở này, đồng thời chứng minh thiệt hại để tiếp tục kiện đòi bồi thường. Luật sư ĐẶNG HUỲNH LỘC (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận