29/01/2019 09:10 GMT+7

Dọn dẹp cuối năm - dọn cả chính mình

ÁI NHI
ÁI NHI

TTO - Những ngày dọn dẹp cuối năm, nhà nào cũng thải hàng đống rác ra môi trường, trong đó rất nhiều rác độc hại, khó tiêu hủy.

Dọn dẹp cuối năm - dọn cả chính mình - Ảnh 1.

Những vỏ xe cũ được anh Thắng (P.An Bàng, Hội An) sơn lại đủ màu và trồng cây kiểng - Ảnh: ÁI NHI

Bài viết của bạn đọc Ái Nhi chia sẻ những câu chuyện giảm rác thải ra môi trường và dọn dẹp sao cho "lành" những ngày cận tết.

Tổng vệ sinh là việc không thể thiếu trước thềm năm mới ở mọi nhà, dù ngày nào cũng dọn dẹp nhà cửa. Đó là lúc ta loại bỏ tất cả bụi bẩn dồn ứ và xem lại cách tiêu dùng, bày biện của mình suốt năm.

Cũ và mới, cho và nhận

Những khi còn bé, hẳn ai cũng có lúc phản ứng khó chịu vì bị bắt dọn dẹp cuối năm. Tôi cũng vậy. Rồi khi lớn lên, tôi hiểu và thích việc dọn từng mẩu rác nhỏ, từng lớp bụi mỏng để thấy an lành. 

Giờ, mỗi lần dọn nhà là một lần chúng tôi nhớ đến mẹ với những phương pháp dọn dẹp, tẩy rửa với nguyên liệu rẻ tiền, lại không hại sức khỏe để tẩy những vết bẩn cứng đầu, đặc biệt ở nhà vệ sinh. 

Mẹ thường rắc baking soda lên chỗ cần vệ sinh trước 30 phút, trong khi chờ đợi, mẹ nấu một nồi nước sôi cùng ít vỏ cam, sả, pha thêm ít giấm nhà nuôi, khi nước còn âm ấm nhỏ chúng lên vết bẩn rồi chà. 

Như có phép mầu, nhà sực nức mùi thơm của tinh dầu sả cam, mọi thứ sạch bong kin kít mà không phải dùng sức nhiều. Mẹ tôi cũng làm tương tự với các loại bồn rửa, ống thoát nước đôi ba lần trong năm.

Cũng từ mẹ, nhà chúng tôi có lệ cuối năm dọn cả tủ quần áo, vật dụng khác. Mẹ chẳng được đọc sách nghệ thuật tối giản nào cả, nhưng có lẽ ảnh hưởng truyền thống nhường cơm sẻ áo từ ngày xưa nên mẹ tôi thường muốn chia sẻ những món đồ ít dùng thường xuyên cho họ hàng, những người quen ở quê. 

Chúng tôi cũng thường nhận những món đồ được trao tay từ người khác từ thuở chỉ mong đến tết, để mặc đôi ba bộ đồ "cũ người mới ta". 

Giờ em bé 5 tuổi nhà chúng tôi cũng thường nhận thú nhồi bông, quần áo cũ, lego từ con cái của bạn bè ba mẹ với niềm hân hoan như có một món đồ mới toanh vừa được mua ở tiệm. Cũ mới không quan trọng bằng tấm lòng biết ơn được cho - nhận.

Giảm rác thải ra môi trường

Câu chuyện về anh Thắng ở bãi biển An Bàng, Hội An, Quảng Nam. Những vỏ xe cũ được anh sơn lại đủ màu để trồng cây kiểng, những vỏ chai thủy tinh được đục, những ly sứ cũ thành chậu nhỏ trồng mạ non... 

Ngày tết, những vật tái chế đầy sáng tạo từ tay anh trở nên đắt hàng, khách có thể mua hoặc mang những món nhà làm đến đổi. Sau khi nhìn ngắm các loại cây cảnh được trồng trong vỏ xe cũ, chai rượu, chai nước ngọt, gỗ vụn khác nhau, em bé nhà tôi đã mang ít trà thảo mộc nhà làm đi đổi cây chưng tết. 

Em hớn hở ôm về một chậu mạ non được trồng trong ly sứ vốn được dùng để pha cà phê, trà.

Một năm trở lại đây, có những nhóm kín trên Facebook đã cùng nhau tạo nên một cộng đồng tôn trọng Trái đất - thực hành lối sống tối giản. 

Bằng hình thức trao đổi đồ cho nhau, các thành viên của nhóm Đổi đồ VSS chia sẻ món đồ mình đang có nhưng lại không cần đến nữa với cộng đồng và đổi lại những vật dụng họ mong muốn. 

Nhờ đó, những bộ trang phục hãy còn mới đã được chuyển đến tay người cần, một chiếc máy may xinh xắn hay máy chụp ảnh dưới nước đã tìm thấy chủ mới, trong khi chủ sở hữu hân hoan chào đón vài chậu cây.

Thành viên của nhóm Tôn trọng Trái đất sẵn lòng mang đến những chai thủy tinh, hộp nhựa cho một cửa hàng refill tại quận 1 (TP.HCM) với mong muốn bớt rác nhà mình, đồng thời hữu dụng cho người khác. Hành động này tuy không thường xuyên nhưng rất có ý thức giữa các thành viên.

Ở chung cư V-Star (quận 7, TP.HCM), các cư dân cũng giúp đỡ nhau giảm thiểu rác thải bằng việc hỏi nhau có hũ để đựng dưa món thay vì mua. 

Đổi lại, người nhận tặng ít enzyme được làm từ quả bồ hòn và các rác thải xanh trong bếp. Hoặc ở phường Cẩm Phô (Hội An, Quảng Nam), các hộ dân trong xóm nhỏ nhắn nhau gom lịch treo tường cũ cho chương trình làm sách nổi cho người mù.

Có những nhà vừa mới xây xong vui vẻ tặng hàng xóm những thùng sơn đã hết để làm enzyme, hay các tiệm sửa xe hào phóng cho không những ai có nhu cầu dùng vỏ xe cũ làm bàn ghế tái chế, chậu cây thú vị, lạ mắt. 

Những việc này không phải là phong trào, nhiều người bắt đầu cùng rủ nhau hành động vì một tương lai ít rác thải.

Mỗi một cuốn sách chứa một kho báu, nhưng cất mãi trên giá cũng thành vô dụng. Quần áo dù đẹp, tốt chất đầy trong tủ mà không được mặc cũng bị ố vàng. Đồ ăn có ngon đến mấy trữ mãi không dùng cũng hỏng. 

Thay vì giữ khư khư rồi lãng phí, chi bằng mang tặng cho những ai cần đến. Và mỗi lần dọn nhà cuối năm cũng là lúc nhìn lại cách mình đã tiêu dùng, nghĩ đến những thứ mình thải ra môi trường... để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn.

Dọn dẹp, cần giữ sức khỏe

Dọn dẹp cuối năm, người ta thường sẽ mua nhiều loại chất tẩy. Nhà nào cũng sẽ sắm ít nhất một chai nước tẩy rửa có mùi đặc trưng được tạo ra từ clo và dung dịch xút để diệt khuẩn, khử mùi, tẩy trắng.

Khi gặp nước, hóa chất này sinh ra khí clo. Sử dụng chất tẩy rửa dù nhiều hay ít cũng đều hấp thụ phải khí clo, độc hại và nguy hiểm với cơ thể nếu sử dụng quá liều hoặc không đúng cách.

Sử dụng chất tẩy rửa cho an toàn, cần đọc hướng dẫn sử dụng, pha loãng với nước hết mức có thể để giảm lượng khí clo phát sinh. Sức khỏe chúng ta mới là điều quan trọng.

Rất cần để không khí thông thoáng, phải mở hết tất cả cánh cửa trước khi dùng để giảm tối đa việc hít phải khí, đeo găng tay cao su và khẩu trang.

TP.HCM ra quân dọn dẹp rào chắn công trình đón tết 2019

TTO - Thanh tra giao thông - Sở GTVT TP.HCM - vừa kiểm tra, xử phạt hàng loạt công trình thi công bê bối gây cản trở giao thông.

ÁI NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên