05/02/2014 05:11 GMT+7

Dồn dập đón nhận đơn hàng

NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI
NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI

TT - Với mục tiêu xuất khẩu sẽ tăng 10% so với năm ngoái, ngay từ những ngày đầu năm 2014 nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương tìm kiếm đơn hàng, thị trường mới trong bối cảnh còn không ít khó khăn.

iey7oBfu.jpgPhóng to
Trong quý 1-2014, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang đã có đơn hàng xuất khẩu đèn compact các loại trị giá khoảng 3 triệu USD - Ảnh: Đình Dân

Những hiệp định tự do thương mại mà VN đang tham gia đàm phán cũng được xem là lực đẩy giúp xuất khẩu tăng tốc trong năm nay.

Thừa đơn hàng

Dù đơn hàng xuất khẩu quý 1-2014 đã được gút lại khoảng 10 triệu USD, nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn cho biết đã yên tâm khi hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc cho cả năm 2014 trị giá khoảng 60 triệu USD vừa thỏa thuận xong với đối tác. “Hiện tại muốn nhận thêm đơn hàng cũng khó vì năng lực sản xuất gần như đã sử dụng hết” - bà Lê Thị Phương Thảo, giám đốc kinh doanh xuất khẩu Garmex Sài Gòn, chia sẻ.

Xuất khẩu hơn 252 triệu USD, tương ứng khoảng 280.000 tấn tôn và ống thép trong năm 2013, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là một trong số rất ít doanh nghiệp ngành thép vừa có lượng thép tiêu thụ nội địa tốt, vừa có thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Ông Lê Phước Vũ - chủ tịch HĐQT HSG - cho biết khi đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2014 lên mức 300 triệu USD với thị trường xuất khẩu mở rộng lên hơn 40 quốc gia, HSG đã phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng thêm các dây chuyền sản xuất mạ tôn, cán nguội “và phải vận hành ngay từ những ngày đầu năm sau tết âm lịch mới kịp hàng để giao” - ông Vũ hào hứng nói.

Kỳ vọng ở thị trường mới

Ông Lê Tiến Trường, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2014 tăng hơn 10% so với mức 20,5 tỉ USD xuất khẩu của năm 2013. Theo phân tích của ông Trường, cơ hội lớn với ngành dệt may trong năm 2014 là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện 43% kim ngạch xuất khẩu dệt may của VN là vào Hoa Kỳ, 11% vào Nhật Bản. Các quốc gia còn lại trong TPP là 4%. Như vậy dù chưa có TPP, khối thị trường này đã chiếm giữ 60% kim ngạch xuất khẩu của VN, hai thị trường lớn nằm ngoài TPP là EU với 17% và Hàn Quốc 8%. Nếu có hiệp định được thực thi, tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ hay Nhật Bản và bản thân những nước còn lại cũng là thị trường đáng quan tâm. Như Úc, hằng năm thị trường này nhập khẩu khoảng 5 tỉ USD hàng dệt may, trong đó VN chỉ có vài trăm triệu USD, một con số rất nhỏ, thị phần VN không đáng kể. “Cho nên nếu có hiệp định tốt, cơ hội không chỉ ở Hoa Kỳ hay New Zealand mà còn ở nhiều nước khác” - ông Trường khẳng định.

Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) cũng đưa ra nhận định năm 2014 sẽ là một năm có nhiều triển vọng cho ngành khi năm 2013 đã mang về hơn 1,037 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Cơ hội thấy rõ nhất là mặt hàng xoài của VN nếu bước qua được những rào cản cuối cùng để vào thị trường Nhật như đã làm trước đó với thanh long.

Với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) - cho biết để giảm phụ thuộc vào các thị trường, chủ trương của hiệp hội trong năm 2014 là mở rộng ra thị trường bên ngoài. Bên cạnh các thị trường chính, các thị trường mới nổi như Trung Quốc - Hong Kong, Nam Mỹ đang thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Riêng về cá tra, mục tiêu của ngành thời gian tới là đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á vốn có lợi thế về địa lý, người tiêu dùng có xu hướng chuyển tiêu dùng từ thịt gia súc, gia cầm sang thủy sản...

Theo đó, hai thị trường tiềm năng sẽ được tập trung các giải pháp xúc tiến mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, trong năm nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong ước đạt 650 triệu USD, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thuận lợi nhiều, khó khăn cũng không ít

Ngay đầu năm 2014, xuất khẩu VN đã vướng vào khó khăn ở thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ống thép hàn không gỉ xuất khẩu từ VN đang bị phía Mỹ cáo buộc bán phá giá ở thị trường nước này với mức thuế đề xuất áp dụng rất cao, từ 17,7-53,9%, theo tham tán thương mại VN tại Hoa Kỳ Đào Trần Nhân, hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu đối với dự thảo thanh tra thủy sản của Hoa Kỳ, nhiều khả năng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy hải sản của VN.

Theo ông Nhân, các dự thảo quy định của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) nhằm thực hiện luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Luật đưa thêm một số quy định mới như quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba... Theo tính toán của phía VN, VN phải mất 5-7 năm để đạt tiêu chuẩn này và trong thời gian này không thể xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên