Hà Nội tất bật thu dọn cành cây gãy đổ sau bão
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức thành viên, các hộ gia đình và nhân dân cùng tham gia dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, làm sạch cảnh quan.
Chỉ có thể "cứu" khoảng 3.000/40.000 cây
Ông Nguyễn Doãn Hải - phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM (đơn vị hỗ trợ) - cho hay do khối lượng công việc quá lớn nên để giữ sức cho anh em công nhân, đơn vị chỉ tiến hành xử lý sự cố cây xanh vào ban ngày.
"Ưu tiên hàng đầu là khắc phục những sự cố cây xanh có nguy cơ gây mất an toàn đối với người dân. Trong quá trình thi công phải đảm bảo tuyệt đối" - ông Hải nói.
Theo giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, mặc dù đã huy động 100% lực lượng và thiết bị song do ảnh hưởng của bão số 3, khối lượng cây đổ và cành gãy rất lớn. Các phương tiện để phục vụ công việc còn thiếu, đặc biệt là loại chuyên dùng như cẩu lớn và xe tự hành. Việc thu dọn, xử lý chủ yếu bằng phương tiện cầm tay trong khi việc thu hồi, vận chuyển gỗ, củi lớn cũng cần nhiều diện tích.
Ông Nguyễn Thế Công - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho hay hiện các đơn vị đang vận chuyển các cây về vườn ươm để trồng lại, đồng thời trồng lại các cây tại chỗ với những cây có thể cứu được.
"Thành ủy, UBND TP cũng chỉ đạo các quận huyện phối hợp, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả sau bão. Các cây nghiêng gây nguy hiểm thì quận huyện cũng phải có trách nhiệm cùng tham gia; phải chống cây, cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân" - ông Công nói thêm chủ trương chỉ đạo của TP là ủng hộ và vận động người dân chung tay trồng lại cây xanh.
Ông Dương Đức Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - đề nghị chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây, trong đó phân loại cổ thụ, cây nào có thể trồng lại, cây nào phải mang đi ươm trồng. Sở cũng cần phối hợp với các đơn vị hỗ trợ xử lý cây xanh gãy đổ, "cứu" tối đa các cây với dự kiến có khoảng 3.000 có thể "cứu", trong đó có 100 cây quý hiếm.
Không nên trồng cây đô thị quá to
PGS.TS Nguyễn Minh Thanh - giảng viên cao cấp Trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội - cho biết những cây xanh gãy đổ do bão số 3 tại Hà Nội khả năng "cứu" được là vẫn còn, tuy nhiên khi trồng lại phải để ý tới phần hố đào.
"Đa phần cây xanh tại Hà Nội hiện hố đào đang rất nông, vì vậy giờ muốn trồng lại phải đào hố sâu hơn. Gắn với cải tạo đất ở chỗ trồng lại cây, nếu đất quá ẩm mà trồng lại cây thì cây cũng dễ chết. Khi trồng lại cần có thuốc kích thích rễ, thuốc trừ nấm, phải cắt tỉa bớt cành" - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, Hà Nội nếu muốn trồng lại cây xanh thì nên trồng cây vừa tầm, không nên trồng cây quá to. Nếu trồng cây lớn quá thì sẽ không có rễ cọc vì đã cắt rễ trong quá trình di chuyển.
Hơn nữa, điều kiện trồng cây tại Hà Nội đã bị bó hẹp ở việc quá nhiều bê tông, đất nông, một số nơi mực nước ngầm lớn khiến rễ cây khó phát triển. Ông Thanh so sánh việc các cây trồng ở rừng dù gió lớn nhưng đa phần chỉ gãy ngọn, nhưng các cây trồng ở đô thị lại thường bị bật gốc.
Lý giải tại sao lại xảy ra hiện tượng cây xanh đô thị bật gốc, ông Thanh cho rằng có thể kỹ thuật trồng chưa đảm bảo và chọn cây trồng chưa phù hợp. "Hà Nội trồng cây chọn tuổi cây quá lớn và một số loại cây trồng chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại đô thị. Khi tỉa cành cũng phải lưu ý tỉa thưa để khi gió lùa thì sẽ lùa từ bên này sang bên kia, sẽ không bị đọng lại ở giữa. "Thực tế cho thấy việc tỉa cành ở Hà Nội cứ thấy tán rộng là chặt nhưng chưa có kỹ thuật" - ông Thanh nhận định.
Cây cối ngổn ngang khắp hè phố
Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 14-9 tại đường Thanh Niên (gần chùa Trấn Quốc, quận Tây Hồ, Hà Nội), một cây phượng to cao khoảng 8m bật gốc đổ ra đường đè lên một cây xanh khác, khiến người đi trên vỉa hè phải lựa lối đi, người ở dưới đường thì tránh không va vào cây đổ. Hay tại đường Hoàng Hoa Thám, cành cây gãy chưa đứt lìa, treo lủng lẳng gây nguy hiểm.
Ngay công viên bách thảo gần giao phố Ngọc Hà, một thân cây si bật gốc đè vào hàng rào của công viên, phía dưới rất nhiều ô tô đang đỗ.
Tại các phố cơ bản dọn dẹp gọn cây cối trên đường để tạo thuận lợi cho giao thông thì dọc vỉa hè, cây cối ngã đổ, cành cây được chặt gọn vẫn còn ngổn ngang. Chị Hương - một nhân viên dọn vệ sinh môi trường - cho hay từ sau bão số 3, lực lượng vệ sinh đường phố phải làm việc liên tục suốt tuần qua để thu dọn các cành cây bị gãy đổ.
Bà Hằng (đường Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông) cho hay cả khu dân phố đã cùng chung tay dọn dẹp cành cây gãy đổ. Nhưng cũng chỉ làm được đến vậy, còn các cây xanh bị gãy đổ không thể làm được gì. Bà lo lắng khi Hà Nội bắt đầu có nắng trở lại, nếu không sớm trồng lại những cây có khả năng trồng có thể khó khôi phục lại.
Nhiều hộ kinh doanh đang gặp khó khăn khi trước cửa nhà là "đống rác" cây xanh đang khô héo dần vương vãi khắp nơi hay thậm chí là cây xanh chắn ngang lối đi, rất khó sớm trở lại buôn bán bình thường.
Quảng Ninh, Hải Phòng huy động nhiều lực lượng thu dọn
Quảng Ninh cũng là địa phương có lượng cây xanh gãy đổ lớn với 70% số cây xanh tại các đô thị lớn như Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, 53.840ha rừng trồng bị ảnh hưởng... Hiện nay, các lực lượng được huy động để thu gom rác thải, phục hồi cây xanh bị gãy đổ. Đến nay, lượng rác cần phải dọn dẹp do ảnh hưởng của mưa bão đã hoàn thành hơn 70% tại các tuyến đường chính; nhiều tuyến đường, ngõ xóm đã cơ bản được dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo cho việc đi lại của người dân.
Còn tại Hải Phòng có hơn 22.030 cây xanh bị gãy đổ. Ngoài lực lượng chính, TP đã huy động 400 cán bộ chiến sĩ cùng tình nguyện viên chuyên nghiệp đến từ các tỉnh thành để khôi phục sau bão, trong đó có dọn dẹp cây xanh và đến nay đã hồi phục được khoảng 7.000 cây...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận