Đón con gây ùn tắc sẽ bị phạt?

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Nhiều biện pháp chế tài sẽ được TP.HCM nghiên cứu áp dụng để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trong giờ cao điểm.

NX8dmEU4.jpgPhóng to
Điều tiết giải tỏa ùn tắc giao thông trước cổng trường (ảnh chụp chiều 16-9 trước Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM)Ảnh: như hùng

Nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường khi đưa đón học sinh, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) cho biết sẽ xử phạt người vi phạm sau khi có chỉ đạo của UBND TP, thay vì nhắc nhở như hiện nay; Sở GD-ĐT TP trừ điểm các trường, rút giấy phép các trung tâm để xảy ra vi phạm.

Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tám tháng đầu năm và xem xét tình hình quản lý trật tự lòng lề đường trên địa bàn TP.

Trong đó, UBND TP giao chủ tịch UBND các quận huyện chủ trì, phối hợp với thường trực Ban an toàn giao thông TP, Sở GD-ĐT, Sở GTVT làm việc với ban giám hiệu các trường trên địa bàn yêu cầu sử dụng khuôn viên bên trong nhà trường hoặc thuê/mượn sân bãi trống của các tổ chức, cá nhân lân cận (trường hợp nhà trường không có đủ điều kiện về sân bãi) để tổ chức cho phụ huynh đưa rước học sinh và thực hiện đồng bộ các giải pháp phân luồng, điều tiết, hướng dẫn lưu thông hợp lý, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trong giờ cao điểm.

k8xEMI5M.jpgPhóng to
Tại Trường tiểu học Trần Quang Cơ, Q.10, TP.HCM, phụ huynh tràn xuống lòng đường chờ tới lượt vào trường đón con trên đường Ngô Gia Tự chiều 16-9 - Ảnh: Như Hùng

Siết chặt

Trao đổi về văn bản chỉ đạo trên của UBND TP, thượng tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua trước một số cổng trường, tình trạng phụ huynh học sinh đậu xe tràn lan dưới lòng đường để chờ đón con em tan học diễn ra phổ biến.

Ngoài ra, một số trường còn cho học sinh tan học đúng vào giờ cao điểm nên xảy ra ùn tắc giao thông. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở các phụ huynh học sinh đậu xe gọn gàng, đúng khu vực để không xảy ra ùn tắc xe trước các cổng trường. Khi UBND TP có văn bản chỉ đạo, lực lượng cảnh sát giao thông TP sẽ căn cứ theo đó để xử phạt.

"Ai cũng biết sân Trường tiểu học Trần Quang Khải rất hẹp, không thể cho phụ huynh mang xe vào đón con. Tuy nhiên, nếu thuê mướn sân bãi khác thì không có chỗ để thuê vì người ta còn tới đặt vấn đề thuê sân của trường cơ mà"

Thầy Lê Công Minh (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM)

Thạc sĩ Trần Khắc Huy, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc giữ gìn trật tự, an ninh trước cổng trường, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đã được sở chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, các trường bắt đầu thực hiện đồng bộ và nề nếp thì từ năm học 2010-2011, đa số trường đều đã thực hiện việc sắp xếp cho học sinh ra về lệch giờ, phân luồng cho phụ huynh đi vào, đi ra, phối hợp chặt với lực lượng công an, dân phòng ở địa phương... để tránh kẹt xe. Năm học mới 2013-2014 sở sắp ban hành một văn bản nhắc nhở về việc trên. Nếu trường nào để xảy ra việc ùn tắc sẽ bị trừ điểm thi đua.

Riêng đối với các trường quốc tế và trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ (vốn có sân bãi chật hẹp, phụ huynh không có chỗ đậu xe để đưa đón con em), ông Huy cho biết: “Trước đây, sở đã có văn bản nhắc nhở một số trung tâm về việc để xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm. Chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm đó phải giải quyết, không để tình trạng trên diễn ra nữa. Nếu cứ để lặp lại sở sẽ làm việc trực tiếp hoặc cao hơn nữa là rút giấy phép. Cho đến thời điểm này, theo quan sát và đánh giá của sở, tôi thấy các trung tâm có đội bảo vệ tăng cường trong giờ cao điểm để hướng dẫn phụ huynh chỗ đứng, chỗ đậu xe và tình trạng đã tương đối ổn. Nếu có ùn ứ thì chỉ một thời gian ngắn chứ không kéo dài”.

Lhnying9.jpgPhóng to
Hàng xe hơi nối đuôi nhau đón học sinh ra về trước Trường quốc tế Anh (British International School) trên đường Tú Xương, Q.3 (TP.HCM) gây ùn tắc giao thông (ảnh chụp lúc 15g ngày 16-9) - Ảnh: Như Hùng

Thuê/mượn sân bãi, được không?

Về việc sử dụng khuôn viên bên trong nhà trường hoặc thuê (mượn) sân bãi trống của các tổ chức, cá nhân lân cận (trường hợp nhà trường không có đủ điều kiện về sân bãi) cho phụ huynh đưa rước học sinh, ông Huy cho rằng cái khó nhất của các trường hiện nay là sân chơi hẹp, nhưng nếu thuê sân bãi ở chỗ khác cũng không khả thi.

Nguyên nhân là khi thuê mướn lại phát sinh kinh phí mà kinh phí thì lấy đâu ra trong điều kiện khó khăn như hiện nay? Ngay cả việc có thuê mướn được sân bãi thì chưa chắc phụ huynh đã chịu gửi xe ở đó và đi bộ đến trường đón con.

Ông Huy khẳng định: “Việc quan trọng nhất là do cách điều hành của chính hiệu trưởng các trường và quan trọng hơn nữa là ý thức phụ huynh học sinh. Vì trên thực tế, một số phụ huynh cứ đứng tràn dưới lòng đường, nếu có nhắc nhở có người còn cãi lại “ngồi đợi tí xíu rồi đi ngay”. Năm nay, sở sẽ yêu cầu các trường nhắc nhở và tuyên truyền cho phụ huynh về vấn đề trên trong cuộc họp phụ huynh đầu năm”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết trường có gần 1.400 học sinh trong khi diện tích sân chơi chỉ khoảng 700m2, đường ra cổng lại nhỏ nên không thể nào để phụ huynh vào sân trường đón con được. Đã có năm trường mở cửa cho phụ huynh vào sân nhưng họ không vào bởi “Tôi vào thì tí nữa ra đường nào?”.

Ban giám hiệu nhà trường rất đau đầu với việc giữ gìn trật tự giao thông vào giờ cao điểm. “Nếu bây giờ đi thuê mướn sân bãi để có chỗ cho phụ huynh gửi xe cũng được, nhưng chúng tôi biết thuê chỗ nào ở con đường Phan Đình Phùng chật như nêm với những hàng quán như hiện tại. Giả dụ nếu có thuê được chưa chắc phụ huynh đã vào đó gửi xe vì hầu hết phụ huynh đều bận rộn. Họ muốn đón con về thật nhanh” - cô Hằng nói.

Còn ở trường có sân khá rộng thì sao? Cô Hồ Thị Tuyết Tơ, hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng Trường Lê Quý Đôn có sân bãi rộng nhưng cũng không thể để cho phụ huynh vào sân trường đón con được. Trường Lê Quý Đôn có 2.700 học sinh, mỗi lần ra về từ 1.300-1.500 học sinh.

Cứ thử hình dung hơn 1.000 phụ huynh vào sân trường, cộng thêm xe cộ nữa thì sẽ rất nhốn nháo.

Và trong tình trạng đông đúc như thế, việc bảo vệ tài sản của nhà trường, nhất là máy móc ở các phòng chức năng, sẽ rất khó khăn. Chưa kể, Trường Lê Quý Đôn có hai cổng nhưng chỉ một cổng có thể chạy xe vào sân trường (cổng còn lại là bậc tam cấp, chỉ có thể đi bộ vào), nếu cho phụ huynh vào sân trường đón con thì lúc đi ra sẽ bị ùn ứ ngay.

Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó Ban an toàn giao thông TP.HCM):

Các trường phải bắt tay vào làm

Vừa qua Ban an toàn giao thông TP có khảo sát thấy tình hình ùn ứ giao thông tại các điểm trường vào giờ đưa đón học sinh vẫn còn phổ biến.

Từ cơ sở trên, UBND TP mới có chỉ đạo yêu cầu các trường phải bố trí được chỗ đậu xe, đưa đón con em mình, tránh tình trạng ùn ứ giao thông, việc này là cần thiết và các trường phải bắt tay vào làm.

Từng trường phải tính toán một cách cụ thể việc tận dụng khuôn viên trong nhà trường làm nơi đậu xe, mở thêm cổng, cử người hướng dẫn đậu xe như thế nào cho hợp lý. Trường nào có mặt bằng chật hẹp thì phối hợp với chính quyền địa phương vận động các công ty, xí nghiệp... gần đó cho thuê giá rẻ hoặc mượn mặt bằng làm chỗ cho phụ huynh đậu xe khi đưa đón con em mình.

Phụ huynh khi đến các cổng trường cần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, sắp xếp trật tự cũng là cách giáo dục con em mình.

Đậu xe ở đâu để đón con?

Hỗn loạn, lộn xộn là hình ảnh phụ huynh đứng chờ đón con trước cổng Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận). Hai hàng rào sắt di động được dựng chắn ngang phía ngoài hai cổng chính và cổng phụ của trường để ngăn phụ huynh không chen lấn vào phía trong. Chỉ một lối đi nhỏ được mở để học sinh bước ra khi đã nhìn thấy cha mẹ. Khối lớp 1 được ưu tiên ra về bằng cổng chính.

Các em xếp hàng theo lớp, em đi trước cầm bảng tên lớp. Giáo viên chủ nhiệm lớp cũng túc trực để ổn định học sinh trong khi chờ phụ huynh đón. Những phụ huynh đến sớm thì dựng xe chờ con trên khoảng vỉa hè rộng tầm 3m.

Ai tới trễ thì phải đậu xe tràn ra đường. Để nhìn thấy con, nhiều phụ huynh phải dựng xe dọc theo vỉa hè cách cổng trường cả chục mét rồi tập trung phía ngoài hàng rào, dáo dác tìm và gọi con. Ở cổng phụ của trường, phụ huynh cũng bám vào hàng rào sắt, kiễng chân để tìm con, trong khi những người khác đậu xe chắn hết lối đi trước cổng trường. Con đường Đặng Văn Ngữ vốn rộng rãi bỗng chốc trở nên ùn ứ khi đồng loạt học sinh của ba trường THPT Hàn Thuyên, THCS Ngô Tất Tố và tiểu học Đặng Văn Ngữ cùng ra về.

Trong khi Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) tranh thủ được khoảng sân khá rộng để phụ huynh có thể đậu xe trong lúc chờ đón con thì cách đó không xa, cả trăm phụ huynh đậu xe tràn ra lòng đường trước cổng Trường THCS Ngô Sĩ Liên vì thiếu chỗ đậu xe. Phần vỉa hè dọc theo cổng trường bị các xe đẩy bánh mì, bột chiên và xe hàng rong “chiếm dụng”. Phải khó khăn lắm phụ huynh mới “lách” được dòng xe ùn tắc ngay ngã tư Lê Văn Sỹ và Phạm Văn Hai để đón con về.

Tương tự, ở nhiều ngôi trường nằm ở mặt tiền đường khác như THCS Cầu Kiệu (đường Phan Đình Phùng), THPT Võ Thị Sáu (đường Đinh Tiên Hoàng), tiểu học Sông Lô (đường Nguyễn Văn Trỗi)... tình trạng nhốn nháo trong giờ cao điểm cũng tiếp diễn nhiều năm nay.

Lượng học sinh đông, thiếu chỗ đậu xe cho phụ huynh khiến những đoạn đường trước cổng các ngôi trường nằm “mặt tiền” thường xuyên tắc nghẽn. Tại cổng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, bảo vệ trường phải dùng một thanh rào chắn để “phân luồng” cho phụ huynh vào và đón con ra. Bãi đậu xe khá hạn chế nên phần lớn phụ huynh ngồi trên xe, vòng vào trường đón con lên xe rồi chạy ra ngay.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên