Đó là thông tin mà TS Lê Hồng Phước đưa ra trong buổi sinh hoạt chuyên đề Từ đờn ca tài tử đến nghệ thuật sân khấu cải lương tại Bảo tàng TP.HCM, nhằm mang các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với các bạn trẻ.
Xuyên suốt buổi chia sẻ, ngoài lắng nghe lịch sử, nguồn gốc của đờn ca tài tử, người tham gia còn có cơ hội trải nghiệm tiếng đàn, lời ca do TS Lê Hồng Phước và một số nghệ sĩ khác biểu diễn.
Nghệ thuật chết khi người trẻ quay lưng
Nói về tình trạng chung của các loại hình nghệ thuật, TS Lê Hồng Phước cho hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng sẽ chết khi người trẻ quay lưng.
Ông chia sẻ khi được hỏi về thực trạng ngày nay: “Có nhiều loại hình âm nhạc cho các bạn trẻ lựa chọn.
Mỗi người có sở thích âm nhạc khác nhau và tạo nên sự đa dạng. Tuy nhiên, vẫn có những người rất đam mê các thể loại âm nhạc dân gian này nhưng không dám thừa nhận, vì sợ bị cho rằng điều đó là sến”.
Là một người đam mê về văn hóa dân tộc, ông Phước nhấn mạnh cần giải thích cho những đối tượng ấy hiểu, tiếp tục yêu thích và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ngoài ra, TS Lê Hồng Phước đề xuất cần đưa các loại hình nghệ thuật dân gian vào trong môi trường học đường. Không chỉ dừng lại ở việc diễn xuất, thể hiện mà còn giải thích, phân tích để các thế hệ sau hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của những loại hình này.
Đối với những cá nhân, cộng đồng có niềm đam mê với những loại hình gắn liền với giá trị văn hóa của dân tộc, ông Phước chỉ ra cần có những học bổng liên quan nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các em gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị này.
Đờn ca tài tử vẫn đang sống
Bắt nguồn từ câu hò, điệu lý miền Nam, trước là đờn ca tài tử, sau là cải lương ra đời và gắn bó với đời sống sông nước của bà con Nam Bộ hơn 100 năm nay.
So với các loại hình âm nhạc hiện nay, hai loại hình này vẫn mang nét đơn sơ, giản dị và gần gũi, da diết.
Đờn ca tài tử không phải xuất phát từ sân khấu. “Người ta mệt thì ca, vui thì ca, buồn thì ca. Bất cứ lúc nào có hứng thì người ta ca. Nó đã nằm trong dân gian” - TS Lê Hồng Phước bày tỏ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Phước nhận định thanh âm đờn ca tài tử xuất phát từ tâm hồn của người miền Nam, khi họ ca sẽ có nét riêng, độc đáo vì đó là phẩm chất và con người họ.
Có thời gian những nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống trăn trở khi hai loại hình này ít xuất hiện hơn, thay vào đó là âm nhạc quốc tế dần phủ khắp các nền tảng tại Việt Nam.
Tính đến nay, đờn ca tài tử đang có dấu hiệu được người dân Việt Nam ưa chuộng trở lại. “Đặc biệt ở các tỉnh miền Tây, hầu như dịp lễ nào như đám cưới, đám giỗ… đều có đờn ca tài tử. Vì ở đâu nó cũng phù hợp” - TS Lê Hồng Phước chia sẻ.
“Không ai bắt buộc tất cả mọi người đều phải yêu, nhưng ít ra cần biết và đóng góp bằng nhiều cách để bảo tồn những bản sắc văn hóa dân tộc” - ông Phước bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận