Buông lỏng quản lý, cơi nới chung cư cũ tại địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội
Ngày 14-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nói: "Cả nước có khoảng 2.500 chung cư cũ, cải tạo chung cư cũ đặt ra gần 30 năm nay với nhiều giải pháp khác nhau nhưng kết quả không như mong đợi bởi chỉ 1,2% chung cư cũ được cải tạo.
Nghị định 69 mới được Chính phủ ban hành sắp có hiệu lực đã chốt lại vấn đề khung pháp lý, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều giải pháp về tái định cư như: tại chỗ, tái định cư nơi khác, đền bù bằng tiền…".
"Nghị định 69 thay thế Nghị định 101 (năm 2015) khẳng định vai trò của nhà nước, các địa phương lập quy hoạch, sau đó công bố cơ chế chính sách kèm theo mời gọi nhà đầu tư. Trước đây nhiệm vụ quy hoạch lại được giao cho doanh nghiệp nên thất bại…" - TS Nghiêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cái mới đáng chú ý của Nghị định 69 là làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp là một đối tác tham gia xây dựng qua hình thức đấu thầu.
Theo KTS Tùng, để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ thì phải chấp nhận điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch cao tầng theo kiểu đô thị nén cục bộ, cho phép xây nhà cao tầng để tiết kiệm diện tích đất làm công trình phúc lợi, công cộng, tạo nên môi trường xanh…
Khu chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) được đưa vào danh sách chung cư nguy hiểm cấp độ D
Bà Trần Lê Phương (chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa): "Cư dân bức xúc vì bao nhiêu năm nay cứ thi thoảng bà con lại được mời đi dự họp để đóng góp ý kiến nhưng sau đó không thấy kết quả. Nghị định mới có nội dung sát với thực tế nên người dân rất hy vọng, mong đẩy nhanh được quá trình cải tạo".
KTS Tùng cho biết, nhà chung cư cũ trên cả nước chủ yếu được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1955 -1990 và chỉ chấm dứt xoá bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp nhà ở bằng pháp lệnh năm 1991. Chung cư cũ được xây dựng chủ yếu bằng sàn lắp đúc sẵn, buông lỏng quản lý dẫn đến các căn hộ xuống cấp, mật độ dân số tăng cao đến 2 lần so với thiết kế ban đầu làm các khu chung cư cũ đang bị xuống cấp trầm trọng.
"Nghị định 69 là quy định khung, hy vọng tạo ra chất mới để thúc đẩy quy hoạch, cải tạo chung cũ tại các địa phương. Từ khung pháp lý đến cụ thể hoá đòi hỏi trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và vai trò của người dân tham gia cải tạo chung cư cũ…" - TS Nghiêm nói.
Ban công một chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình quá tải vì đường ống nước
Những "đột phá" của Nghị định 69
- Điều kiện phá dỡ chung cư cũ chỉ cần 70% chủ các căn hộ đồng ý, trước đây quy định 100%; quy định rõ chung cư buộc phải phá dỡ thuộc các trường hợp khẩn cấp như: do sự cố, thiên tai, cháy nổ, hết niên hạn.
- Giao quyền cải tạo cho Bộ Xây dựng phối hợp với UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm lên phương án quy hoạch, tái định cư, đền bù.
- Bồi thường tái định cư căn cứ vào từng khu vực, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu ở tầng 1 chung cư cũ có diện tích kinh doanh trước khi Nghị định 69 có hiệu lực được thuê hoặc mua một phần sàn thương mại dịch vụ để kinh doanh sau khi chung cư được xây mới…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận