Thủy điện Sông Ba Hạ trong một lần xả lũ năm 2010 - Ảnh: TT
Tránh lũ nhân tạo
Tại Phú Yên, có 44 hồ chứa thủy lợi, hầu hết là hồ chứa nhỏ, hình thức tràn tự do. Riêng các hồ chứa nước lớn và vừa hình thức tràn có cửa đang vận hành điều tiết tích trữ và xả nước theo quy trình.
Hiện cả 5 hồ chứa nước lớn và vừa ở Phú Yên đều tích nước gần đầy. Các hồ chứa này chỉ còn từ 0,5-5m nước nữa là đạt mực nước thiết kế.
Trong khi đó, sáng 22-11, lượng nước đổ về 3 hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng phổ biển từ 50-150m3/s. Hiện các thủy điện ở Phú Yên chỉ xả nước chạy máy, chưa xả nước điều tiết.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online đầu giờ chiều 22-11, ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh đang theo dõi sát tình hình diễn biến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và theo dự báo là thành bão số 9 để chỉ huy vận hành điều tiết sớm các hồ chứa thủy điện.
"Mục tiêu của tỉnh Phú Yên là chủ động điều tiết sớm, tránh để xảy ra lũ nhân tạo do xả lũ muộn gây nên", ông Thế cho hay.
Chiều 22-11, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra những khu vực xung yếu, nhất là những vùng ven biển ở huyện Đông Hòa (tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), vùng nuôi hải sản và tôm hùm lớn ở thị xã Sông Cầu, để chỉ đạo chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
"Tỉnh đã chỉ đạo cương quyết sơ tán dân vùng nguy cơ sạt lở, người trên lồng bè nuôi trồng hải sản đúng thời điểm đề ra, đảm bảo an toàn cho người dân", ông Thế cho hay.
Chiều 22-11, đại tá Nguyễn Văn Minh - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên - cho hay hiện còn 100 tàu thuyền của ngư dân Phú Yên đang hoạt động trong vùng dự báo có đường đi của áp thấp nhiệt đới.
"Chúng tôi đã liên lạc để thông tin về tình hình, đường đi của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão để ngư dân chủ động trú tránh an toàn", ông Minh nói.
Ông Trương Văn Cảnh (TT Khánh Hải, huyện Ninh Hải) khiêng lưới về nhà, nghỉ ra biển đánh bắt cá để trú bão - Ảnh: MINH TRÂN
Phải kiểm đếm tàu thuyền
Tại Ninh Thuận, ông Trần Văn Tuấn - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - cho biết tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh có 2.650 chiếc với 15.553 lao động, trong đó có 475 chiếc với 4.237 lao động đã liên lạc.
Ninh Thuận cũng đang có 299 lồng bè nuôi trồng thủy sản với 526 lao động. Nơi tập trung nhiều lồng bè nhất là Khu C xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) với 99 chiếc và 2.240 lao động.
Ông Lê Văn Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động tỉnh trên biển, giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
UBND tỉnh chỉ đạo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 13h ngày 23-11. Đồng thời, trước 15h cùng ngày 23-11, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản và thông báo số tàu thuyền còn hoạt động trên biển vào neo đậu nơi các khu tránh trú bão trong và ngoài tỉnh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức lực lượng xung kích kịp thời vận động, hỗ trợ các hộ dân ven biển chằng chống nhà cửa để giảm thiệt hại khi bão đổ bộ vào bờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận