16/10/2024 14:49 GMT+7

Đổi xuyệt điện lấy gạo ở Cà Mau

Tỉnh Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai các hoạt động hướng đến chấm dứt hành vi dùng xuyệt điện bắt cá.

Đổi xuyệt điện lấy gạo ở Cà Mau - Ảnh 1.

Người dân đem xuyệt điện đến giao nộp cho công an và nhận gạo hỗ trợ - Ảnh: THANH HUYỀN

Ngày 16-10, ông Nguyễn Văn Toàn - chủ tịch UBND xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) - cho biết sau gần hai tháng phát động phong trào đổi gạo, nhu yếu phẩm lấy vật liệu nổ, xuyệt điện đã đổi được gần 60 bộ xuyệt, trong đó có nhiều bộ xuyệt sông công suất lớn.

"Thực hiện chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về chống khai thác bất hợp pháp có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản, địa phương đã đồng loạt ra quân và đạt nhiều kết quả", ông Toàn cho biết thêm.

Xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau) vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, nông dân đang chuẩn bị đất để trồng tiếp vụ lúa đông xuân. Điều đáng mừng năm nay trên địa bàn xã không còn thấy bóng dáng người dân với bộ dụng cụ xuyệt điện đi theo sau máy gặt đập liên hợp để xuyệt cá. Cá non được sinh sản khá nhiều ở các kênh, mương nội đồng.

UBND xã Tân Lộc đã giao Công an xã thống kê tổng hợp danh sách các cá nhân, hộ gia đình có sử dụng, quản lý các công cụ xung điện tận diệt thủy sản, cá đồng để xây dựng kế hoạch phối hợp, tuyên truyền giao nộp. Khuyến khích người dân giao nộp bằng cách hỗ trợ gạo, mì gói, dầu ăn hoặc các nhu yếu phẩm khác để động viên tinh thần tự giác của họ.

Bên cạnh đó, địa phương còn tăng cường tuần tra xử lý đối với những người dân cố tình vi phạm, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận tin tố giác tội phạm. Các tổ chức đoàn thể ra quân đến từng nhà vận động người dân cam kết không đánh bắt thủy sản tận diệt.

"Nhà con trai tôi trước cũng có bộ xuyệt điện, được cơ quan tuyên truyền, nên bản thân nhận thức được đánh bắt thủy sản bằng xung điện là tận diệt nguồn lợi thủy sản nên tôi đã vận động con mình đem giao nộp lại bộ xuyệt cho cơ quan công an. Con tôi nó nghe được, hiểu ra nên giờ nó tiếp tục đi vận động bạn nó giao nộp các dụng cụ này cho lực lượng chức năng", bà Ngô Thị Phướng, chi hội phụ nữ ấp 7, xã Tân Lộc, nói.

Đổi xuyệt điện lấy gạo ở Cà Mau - Ảnh 2.

Ông Hữu Nghị, ấp 7, xã Tân Lộc, đã giao nộp xuyệt và chọn cách bắt cá bằng lưới để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Ảnh: THANH HUYỀN

Ông Hữu Nghị, ấp 7, xã Tân Lộc, cho biết trước đây ông cũng từng làm nghề xuyệt cá, khi xuyệt được nhiều, cá ăn không hết ông đem ra chợ bán. Từ ngày xã vận động giao nộp các dụng cụ xuyệt, ông đã đem bộ xuyệt của nhà đi giao nộp để đổi lấy gạo ăn.

"Trước tôi đi xuyệt cá là chính, làm hồ là nghề phụ, giờ tôi bỏ nghề xuyệt chuyển qua đi làm hồ kiếm sống, khi thời gian rảnh tôi giăng lưới kiếm cá. Mới bỏ xuyệt mấy tháng nay mà thấy nguồn cá đồng xung quanh nhà phát triển lại nhiều, cũng phấn khởi. Nhà nước làm vầy, mọi người cùng bỏ xuyệt, cá sẽ sinh sôi, người dân chài, lưới vùng này sẽ kiếm được nhiều cá hơn, thấy có hy vọng khôi phục được nguồn cá đồng", ông Nghị chia sẻ.

Ông Phan Hoàng Vũ - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho biết từ đầu năm đến nay người dân ở các xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tự nguyện giao nộp trên 1.800 bộ xuyệt điện cho lực lượng chức năng.

Nhờ tăng cường công tác xử phạt nên các địa phương đã xử lý hơn 500 vụ dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản, thậm chí có nhiều vụ bị đưa ra xử hình sự.

Đổi xuyệt điện lấy gạo ở Cà Mau - Ảnh 3.Đi xuyệt cá, một người đàn ông bị điện giật ngã xuống sông tử vong

Người đàn ông ở Vĩnh Long bị điện giật, ngã chìm xuống sông khi đang dùng bình điện đi xuyệt cá gần nhà. Thân nhân từ chối khám nghiệm tử thi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên