Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang xây dựng. Trong ảnh: công nhân thi công xây dựng chân cột tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mức độ của nó. Đội vốn gần như vượt quá tầm kiểm soát không chỉ của Hà Nội và TP.HCM mà cả của Chính phủ, mà ở đây trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải.
Nguyên nhân chính ở đây là do không xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong những siêu dự án này. Nguyên nhân khách quan như năng lực không đảm bảo, dự án mới nên không biết... thường hay được vin vào.
Tuy nhiên, không thể nói như vậy bởi những người đủ năng lực ở VN đâu có thiếu. Vấn đề là cơ chế và cách thức thực hiện các dự án metro nói riêng, các dự án công nói chung đã loại bỏ sự tham gia của các đối tượng chuyên môn này.
Trên thực tế, vai trò của tư vấn giám sát hay cơ quan thẩm định là rất hạn chế. Yếu tố quyết định là “động cơ”. Gần như không ai có động cơ để giải quyết những vướng mắc, những thứ không có trong quy trình. Nếu bỏ công sức làm cho dự án hiệu quả, chi phí thấp, minh bạch mọi thứ, vướng đâu gỡ đó vậy sẽ được lợi gì và bị đụng độ gì?
Thử đặt vấn đề lên bàn cân, nếu dự án có giá thấp, triển khai nhanh, hiệu quả thì cả nền kinh tế được lợi, nhưng nhà thầu, bên bán thiết bị và những người liên quan không được gì cả. Nếu dự án đội vốn lên cao thì được mất sẽ theo chiều ngược lại.
Vấn đề nghiêm trọng là dường như quả bóng giờ nằm lại trong chân nhà thầu nước ngoài, đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài. Tức người ta nêu ra sao thì mình biết vậy.
Ở một khía cạnh khác về tổ chức nhân sự, các dự án này là các dự án mới và khó, vì vậy đòi hỏi những người có nhiều động cơ (những người chuẩn bị đi lên) tham gia vào dự án. Cần phải đưa những người gắn trách nhiệm với sự nghiệp chính trị của họ thì mới mong có động cơ làm dự án tốt.
Thật ra, các siêu dự án trên thế giới thành công luôn có một liên minh mạnh mà nòng cốt là các đối tượng hưởng lợi từ sự thành công của dự án. Họ có động cơ đảm bảo dự án được thực hiện và mang lại hiệu quả.
Ví dụ, hệ thống đường cao tốc của Hoa Kỳ thành công khi hình thành liên minh: quân đội - cần hệ thống đường cao tốc tốt để chuyển quân, các nhà sản xuất xe hơi - phải có hệ thống đường tốt thì xe mới chạy được và sản xuất được... Các nhà thầu xây dựng hay một số chính trị gia có lợi ích ngắn hạn cũng có mặt trong liên minh nhưng không phải đóng vai trò quyết định.
Với một liên minh thực hiện các siêu dự án mà thiếu vắng những nhóm đối tượng có lợi ích dài hạn, hậu quả của nó thường không chỉ đội vốn mà sự thất bại là rất dễ xảy ra. Điều này dường như đang xảy ra trong các siêu dự án metro của VN.
Các hiệp hội doanh nghiệp, tiếng nói của người dân - những đối tượng hưởng lợi khi dự án thành công - dường như không có vai trò gì cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận