16/08/2019 09:33 GMT+7

Đội vốn do 'chưa lường được vấn đề'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Cao tốc Bắc - Nam, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ với nhiều băn khoăn, lo lắng.

Đội vốn do chưa lường được vấn đề - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi của đại biểu - Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là người được "quan tâm" nhất trong số 15 bộ trưởng, trưởng ngành và một phó thủ tướng trong phiên "tái chất vấn" các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau chất vấn và giám sát chuyên đề kể từ đầu nhiệm kỳ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 15-8.

Tôi đọc một câu châm biếm trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần phát hành ngày 11-8 vừa qua mà tôi đau lòng: “Ví dầu cao tốc miền Tây / Xây đi xây lại, xây hoài hổng xong”. Thực sự rất buồn.

Đại biểu Nguyễn Văn Giàu

Đảm bảo chất lượng, tiến độ?

Nêu lo lắng của dư luận về việc triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) "đề nghị Bộ trưởng Thể cho biết quan điểm chính thức của Chính phủ".

"Thứ nhất, đây là công trình trọng điểm quốc gia do đó tất cả trình tự, thủ tục phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Thứ hai, phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Thứ ba, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội, do đó cần phải xem xét đặc biệt về vấn đề an ninh quốc phòng" - ông Thể trả lời.

Nhiều đại biểu phía Nam chất vấn về tiến độ các dự án thuộc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự băn khoăn về thời điểm cao tốc này sẽ thông tuyến năm 2020 và đưa vào sử dụng năm 2021. "Thời gian còn rất ngắn, trong khi công việc bề bộn thì liệu tiến độ có đạt được như mục tiêu hay không?" - ông Giàu đặt vấn đề.

Đáp lại, Bộ trưởng Thể cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hứa với Thủ tướng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, bằng mọi giải pháp sẽ cung cấp vốn để xong được đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đến cuối năm 2020. "Chúng tôi với trách nhiệm của mình, nỗ lực thông tuyến đường sớm nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Thể hứa.

Tình trạng chậm tiến độ và đội vốn các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM cũng được đại biểu tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đưa lên bàn nghị sự. Ông Bình nêu 5 dự án đường sắt đô thị tại 2 TP này đã chậm trễ lại đội vốn khoảng 80.000 tỉ đồng, giải pháp nào để khắc phục?

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết do quá trình thực hiện các dự án bằng vốn ODA này "chưa lường hết được các vấn đề" vì thế có tình trạng điều chỉnh, tăng vốn rất lớn như dự án đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) tăng từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng, tăng tới 30.000 tỉ đồng. Tuyến đường sắt số 2 của TP.HCM cũng tăng tương tự. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000-50.000 tỉ đồng.

"Vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết các chi phí từ đầu vì vấn đề thay đổi quy mô dự án" - Bộ trưởng Dũng nói. Ông cũng cho hay với dự án Bến Thành - Suối Tiên hiện đã có hướng giải quyết, đã thu xếp được nguồn vốn cân đối, đang chờ TP.HCM hoàn thành thủ tục.

Đội vốn do chưa lường được vấn đề - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chất vấn Bộ trưởng Thể - Ảnh: QH

Dừng thu phí BOT nếu...

Đại biểu Nguyễn Văn Giàu nêu chất vấn: "Vừa qua Thủ tướng và Bộ GTVT chỉ đạo rất nhiều về vấn đề thu phí không dừng. Chính phủ đặt ra quyết tâm đến ngày 31-12 năm nay sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm và 620 làn. Nhưng hôm qua bộ trưởng làm việc với Tổng cục Đường bộ thì mới triển khai 29 trạm với 161 làn, bằng 26%, vậy có thực hiện được mục tiêu đặt ra không?".

Trả lời, Bộ trưởng Thể nêu lại chỉ đạo của Thủ tướng là đến hết ngày 31-12-2019 tất cả các trạm đều phải áp dụng thu phí không dừng. Tuy vậy, chính ông cũng lo ngại với trường hợp của Tổng công ty Đường cao tốc VN, đơn vị 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Ông nói: "Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng nhưng tiến độ hiện nay chậm. Bộ đã gửi văn bản đến Thủ tướng và chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để báo cáo tình hình. Nếu không cải thiện, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư. Đến ngày 31-12 sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm phu thí nếu không thu phí tự động không dừng".

Bộ trưởng đi xe buýt, chủ tịch tỉnh đi xe máy?

"Nếu các chủ tịch đi xe máy, bộ trưởng đi xe buýt, giám đốc sở đi xe đạp... thì có giảm được ùn tắc giao thông hay không?" - đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn.

"Nếu các đại biểu Quốc hội, chủ tịch, giám đốc sở ở Hậu Giang đi xe máy, xe buýt, xe đạp mà thành công thì chúng ta sẽ nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay được đâu" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên