Tiền vệ Takefusa Kubo (CLB Real Sociedad), cầu thủ đắt giá nhất tuyển Nhật Bản (60 triệu euro), không giấu sự ngạc nhiên khi đánh giá: "Họ có khả năng kiểm soát thế trận tốt và hoàn toàn có thể cạnh tranh với những đội bóng hàng đầu châu Á. Tuyển Việt Nam sẵn sàng chơi tấn công chứ không chăm chăm phòng ngự".
Tin dùng người trẻ
Đá với đội tuyển số 1 châu Á và thứ 17 thế giới, độ tuổi trung bình đội hình xuất phát của Việt Nam là 25,2 (Nhật Bản là 26,8).
Thủ môn Filip Nguyễn (32 tuổi) và đội trưởng Hùng Dũng (31 tuổi) là hai cầu thủ lớn tuổi nhất đội, còn lại đa phần đều rất trẻ. Trong đó, Đình Bắc (20 tuổi) là cầu thủ ghi bàn gỡ hòa khiến người Nhật sững sờ.
Kinh nghiệm không phải là ưu tiên số 1 của HLV Philippe Tropussier khi lựa chọn đội hình trước tuyển Nhật Bản.
Bốn cầu thủ U23 Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Thái Sơn và Đình Bắc tiếp tục được trao cơ hội đá chính như hai trận đầu tiên ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Cả bốn đều chơi tốt trước dàn sao đẳng cấp thế giới của Nhật Bản.
Đặc biệt Đình Bắc, cầu thủ trẻ thăng tiến nhanh chóng mặt dưới thời HLV Troussier. Sau bàn thắng đầu tiên cho tuyển Việt Nam ở trận thắng Philippines, Đình Bắc tiếp tục buộc thủ môn tuyển Nhật phải vào lưới nhặt bóng.
Màn trình diễn xuất sắc của Đình Bắc cho thấy dấu ấn từ cách dùng người của HLV Troussier trong cuộc trẻ hóa tuyển Việt Nam. 64 phút có mặt trên sân, ngoài bàn thắng, Đình Bắc còn tung ra 22 đường chuyền với độ chính xác 77%, thắng 7/8 pha tranh chấp để giúp đội nhà có thế trận không quá lép vế trước Nhật Bản.
"Tuyển Việt Nam với nhiều cầu thủ trẻ đã chơi tốt trước Nhật Bản là một tín hiệu tốt cho bóng đá Việt Nam. Trong đó, sự tỏa sáng của Đình Bắc thật đáng kỳ vọng", cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Phan Thanh Hùng đánh giá.
Tín hiệu tốt trong tấn công
Không chỉ vậy, HLV Troussier còn cho tuyển Việt Nam chơi tấn công trước Nhật Bản.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: "Không hề tự ti, các cầu thủ Việt Nam thể hiện sự tự tin trước Nhật Bản. Điều này đã giúp họ vượt qua áp lực để đá với đúng ý đồ của HLV. Trong nhiều tình huống, các vị trí ở hàng thủ đều tự tin phối hợp để phát triển bóng lên nhằm tạo ra cơ hội tấn công".
So với lối chơi phòng ngự rình rập trước đây, đoàn quân của HLV Troussier đã chủ động cầm bóng, mạnh dạn tấn công và có nhiều phương án để ghi bàn. Đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên của đội tuyển và xa hơn là bóng đá Việt Nam khi nhìn đến mục tiêu có mặt ở World Cup.
Trong quá khứ, tuyển Việt Nam từng thua Nhật Bản 0-1 ở tứ kết Asian Cup 2019, thua 0-1 ở lượt đi vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và hòa 1-1 trong trận lượt về.
Trong ba trận đấu này, cơ hội ghi bàn của tuyển Việt Nam không nhiều. Ngay như trận hòa 1-1, các chiến binh sao vàng chỉ cầm bóng 27%, có 277 đường chuyền và tỉ lệ chuyền chính xác là 64%, lép vế hoàn toàn so với 73% kiểm soát bóng, 713 đường chuyền và 87% chính xác của Nhật Bản.
Trong khi đó, HLV Troussier muốn các học trò cầm bóng chủ động và phát triển lối chơi để có thể tiệm cận trình độ châu lục. Gặp Nhật Bản ở Asian Cup 2023, dù vẫn phòng ngự nhiều nhưng tuyển Việt Nam cũng chủ động tấn công có đường nét.
Đoàn quân của HLV Troussier kiểm soát bóng 41%, dứt điểm 6 lần (3 trúng đích) và ghi được 2 bàn thắng. Một hiệu suất rất tốt khi đối đầu với đội tuyển đẳng cấp thế giới như Nhật Bản.
Tỉ số thua 2-4 trước Nhật Bản khiến cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam khá thuận lợi. Đây cũng là tín hiệu tốt trước trận đấu quan trọng với Indonesia vào ngày 19-1 tới.
Và chiến thắng trước Indonesia không chỉ thuận lợi về điểm số mà còn cả về tâm lý trước khi gặp Iraq trong trận cuối cùng của vòng bảng Asian Cup 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận