01/09/2016 20:54 GMT+7

​Đội tuyển Trung Quốc còn lâu mới hóa rồng

THÁI HÀ
THÁI HÀ

TTO - Trung Quốc thua Hàn Quốc trận mở màn vòng loại cuối cùng xác định 4 tấm vé dự World Cup 2018. Chuyện không mới, kể từ năm 1986, hai đội đá 31 trận, Trung Quốc chỉ thắng đối thủ vỏn vẹn có 1 trận.

Đội tuyển Trung Quốc (áo vàng) trong trận thua Hàn Quốc 2-3. Ảnh; REUTERS

HLV Gao Hongbo nói đội tuyển Trung Quốc cần phải học tập tinh thần chiến đấu của đội bóng chuyền nữ giành huy chương vàng Rio de Janeiro khi đến Seoul làm khách. Nhưng đội bóng của ông mới chỉ học được có một nửa.

Bị dẫn trước 0-3 sau 66 phút thi đấu, Trung Quốc bất ngờ bùng lên gỡ được 2 bàn ở các phút 74 và 77. Ông Gao chính là người cầm quân đội tuyển Trung Quốc thắng Hàn Quốc duy nhất trong 30 năm qua, vào năm 2010.

Bóng đá Trung Quốc thua xa Hàn Quốc

Được hơn 20.000 người Trung Quốc vượt biển Hoàng Hải đến Seoul cổ vũ nhưng lối chơi của đội quân ông Gao không có gì đặc sắc lắm. Các pha tấn công không có những miếng đánh đặc sắc trong khi hàng thủ chểnh mảng và thiếu thể lực bứt phá vào những đoạn cuối khiến họ thua 3 bàn.

Hàn Quốc không cần nỗ lực tìm kiếm các phương án tấn công đa dạng vẫn tìm được đường vào khung thành của Trung Quốc.

Trong vòng gần một tháng này, các cuộc đụng độ giữa các đội bóng Trung Quốc và Hàn Quốc ở vòng loại World Cup và AFC Champions League như một thuốc thử để xem bóng đá Trung Quốc đang đứng ở đâu. Kết quả là chưa có gì khả quan.

Tại lượt đi tứ kết AFC Champions League, FC Seoul đã hạ Sơn Đông Lỗ Năng của HLV Felix Magath với các cầu thủ nước ngoài đắt tiền như Gil, Graziano Pelle, Papiss Cisse 3-1.

Cùng với đó, Thượng Hải SIPG được HLV Sven Goran Eriksson dẫn dắt với Hulk, Elkeson, Dario Conca trong đội hình bị CLB Jeonbuk Hyundai Motors cầm chân 0-0 trên sân nhà. Khả năng hai đội bóng Trung Quốc đi tiếp vào bán kết khá thấp.

Giờ là đến đội bóng quốc gia không được đánh giá cao trong bảng đấu gồm Hàn Quốc, Uzbekistan, Syria, Iran và Qatar. Ở vòng loại trước đó, Trung Quốc chỉ giành vé vớt với tư cách là 4/8 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, điều này đã dẫn đến sự ra đi của HLV người Pháp Alain Perrin.

Từ trước đến nay, Trung Quốc mới một lần dự World Cup, vào năm 2002, khi Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự với tư cách chủ nhà. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu vòng loại thì Trung Quốc không có cửa giành vé tham dự World Cup năm đó.    

Trong danh sách 25 cầu thủ Trung Quốc triệu tập cho các trận gặp Hàn Quốc và Iran tới đây, chỉ có 1 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Ngược lại, chỉ có 3/20 cầu thủ trong đội tuyển Hàn Quốc thi đấu ở trong nước, còn lại thì đánh thuê ở Nhật Bản và châu Âu.

Tức là các CLB như FC Seoul và Jeonbuk không có tuyển thủ quốc gia mà vẫn chơi trên chân các CLB Sơn Đông và Thượng Hải giàu có. Tức là trình độ căn bản giữa bóng đá Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách xa.

Tham vọng khôn cùng của bóng đá Trung Quốc

Ở một bối cảnh nào khác, không bàn đến bóng đá Trung Quốc cũng chẳng sao. Nhưng hiện tại, bóng đá của họ bị soi chiếu rất kỹ vì tham vọng khôn cùng của lãnh đạo và giới tài phiệt nước này.

Điểm sơ sơ, các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD mua cổ phần các CLB bóng đá, các công ty nắm bản quyền truyền hình và những công ty khác liên quan đến thể thao. 

Họ đã xuất hiện ở nhiều CLB bóng đá châu Âu, từ một số tên tuổi khá khiêm tốn như West Brom, Aston Villa, Wolverhampton, Birmingham (Anh), Auxerre, Sochaux (Pháp), Slavia Prague (Séc), ADO Den Haag (Hà Lan) đến những tên tuổi hàng đầu như Inter Milan, AC Milan, Atletico Madrid, Manchester City và hãng chuyên phân phối bản quyền truyền hình bóng đá MP & Silva.

Các CLB ở Trung Quốc với sự chống lưng của các nhà tài phiệt đang nỗ lực từng ngày để biến Giải bóng đá ngoại hạng Trung Quốc trở thành giải đấu đáng xem.

Riêng trong kỳ chuyển nhượng cầu thủ mùa đông tháng 1-2016, các CLB Trung Quốc chi 337 triệu euro để mua cầu thủ, vượt Premier League (253 triệu euro), Serie A (87), Bundesliga (52), La Liga (36), Ligue 1 (35).

Họ không ngần ngại bỏ ra những khoản tiền rất lớn để chiêu mộ những cầu thủ chưa phải là đẳng cấp hàng đầu. CLB Jiangsu Suning mua tiền đạo Alex Teixeira giá 50 triệu euro và tiền vệ Ramires giá 28 triệu euro, Guangzhou Evergrande mua Jackson Martinez với giá 42 triệu euro.

Còn tiền đạo người Ý Pelle trở thành cầu thủ được trả lương cao thứ 5 trên thế giới: 16 triệu euro mỗi mùa bóng.

Lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu phải có 20.000 trường bóng đá vào cuối năm 2017 và có 50.000 trường bóng đá vào năm 2025, không giấu diếm tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá, tổ chức World Cup và vô địch World Cup.

Nhưng không phải bây giờ, riêng chuyện lấy được 1 trong 2 vị trí đầu bảng để có tấm vé dự World Cup 2018 với đội tuyển Trung Quốc cũng khó như lên trời hái sao.

THÁI HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên