Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố kế hoạch tiết giảm điện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trực thuộc quản lý của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC).
Điều tiết cắt giảm điện công bằng, công khai
EVN cho biết việc tiết giảm điện sẽ thực hiện theo thông tư 34 của Bộ Công Thương về lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu điện.
Việc cấp điện sẽ thực hiện trên nguyên tắc điều hòa, vận dụng linh hoạt để phân bổ công suất khả dụng cho từng địa bàn.
Cụ thể, với 27 tỉnh thành phía Bắc và Hà Nội, EVN sẽ ưu tiên cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND cấp tỉnh phê duyệt; các hoạt động chính trị - xã hội quan trọng và các sự kiện khác.
Căn cứ tình hình kinh tế, xã hội của từng địa phương để lựa chọn thứ tự ưu tiên cung cấp điện như: sinh hoạt dân cư, thương mại dịch vụ, các phụ tải sản xuất các mặt hàng thiết yếu (nước sạch, chế biến thực phẩm...), các khách hàng quan trọng chuỗi sản xuất, các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...
Nhóm nào thuộc diện ưu tiên không cắt điện?
Ngoài ra, ngành điện cũng sẽ ưu tiên đảm bảo cung cấp điện cho các kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
Trong khi đó, các khách hàng sử dụng điện có mức độ ưu tiên thấp hơn gồm: nhóm khách hàng thâm dụng năng lượng như sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng; tiểu thủ công nghiệp và làng nghề...; các khách hàng sử dụng điện có nguồn dự phòng tại chỗ.
Để thực hiện tiết giảm, EVN yêu cầu EVNNPC và EVNHANOI bám sát tình hình, nhu cầu của các cơ sở sản xuất để trao đổi, sắp xếp hoạt động sản xuất cho phù hợp nhằm hạn chế sử dụng điện trong giai đoạn tiết giảm điện.
EVN cho biết cũng cố gắng hạn chế tiết giảm điện quá 8 giờ và vào các khung giờ sinh hoạt đối với khách hàng sinh hoạt; với các khách hàng là du lịch, dịch vụ sẽ hạn chế cắt điện vào các ngày cuối tuần.
EVN đề nghị các tổng công ty điện lực chỉ đạo các đơn vị điện lực lập kế hoạch tiết giảm chi tiết, tuân thủ chế độ báo cáo, giát sát thực hiện. Các đơn vị điện lực có hình thức thông báo phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp phải thông báo trực tiếp để chủ động kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Đối với các khách hàng có sản phẩm có thể bị thiệt hại, hư hỏng khi bị ngừng giảm cung cấp điện khẩn cấp, cần khuyến nghị khách hàng chủ động có giải pháp phòng ngừa để tránh bị ảnh hưởng do việc ngừng cung cấp điện gây ra.
Việc thực hiện tiết giảm điện là trên cơ sở tình hình cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, khi có nhiều thủy điện ở mực nước chết.
Có 11 hồ thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Theo Bộ Công Thương, đến nay duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 13-6. Với nguồn điện huy động từ thủy điện thiếu hụt từ 5.000 - 7.000MW, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt cho toàn hệ thống.
Thêm vào đó, nhiều tổ máy nhiệt điện than vận hành liên tục nên gặp sự cố, với tổng công suất lên tới 2.600MW. Vì vậy, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo trong trường hợp thiếu nguồn điện, phải điều tiết cắt giảm điện, thực hiện công bằng, công khai, đúng quy định, giảm thiểu tác động đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
Như vậy, hệ thống sẽ thiếu khoảng 4.350MW, sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại “hầu hết các giờ trong ngày”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận