Son Heung Min là ngôi sao lớn bậc nhất của bóng đá Hàn Quốc và châu Á. Một ngôi sao như vậy phải khóc vào những dịp đặc biệt nhất.
Nhưng những người theo dõi Son Heung Min lại thấy tần suất khóc của anh ngày càng dày đặc. Và điều đáng nói, Son rơi nước mắt ở những dịp hết sức tầm thường.
Sau trận thắng Úc ở tứ kết Asian Cup, Sonny bật khóc nức nở. Dễ hiểu cho tâm trạng của anh. Đội bóng của Sonny từng thua Úc ở chung kết Asian Cup 2011. Kết quả này giúp Hàn Quốc "đòi lại" món nợ cũ. Đặc biệt hơn nữa là khi anh ghi bàn quyết định giúp Hàn Quốc đánh bại Úc. Đó thực sự là dịp để khóc. Nhưng là với ai khác, với ngôi sao Son Heung Min thì chưa phải.
Son là ngôi sao, là đội trưởng của tuyển quốc gia. Việc tỏa sáng giải cứu đội nhà vừa là trách nhiệm và là trọng trách một ngôi sao cần có. Nhưng Son thực sự quá dễ dàng rơi nước mắt và xúc động, đúng kiểu của một "oppa Hàn Quốc" chính hiệu.
Lịch sử bóng đá thế giới chứng kiến không ít những siêu sao bật khóc. John Terry không kìm được nước mắt khi Chelsea thua Man United ở chung kết Champions League 2008. Cristiano Ronaldo rưng rưng khi Bồ Đào Nha thua Hy Lạp ở chung kết Euro 2004…
Những sự kiện đó với giọt nước mắt của họ đã trở thành "điển tích" của bóng đá, được kể đi kể lại. Nó được nhắc đến theo hướng cực kỳ thi ca: "Sân bóng là nơi duy nhất người ta thấy đàn ông khóc".
Nhưng nếu một cầu thủ đụng đâu cũng khóc thì họ không khỏi bị đánh giá là yếu đuối. Son là một dạng như vậy. Có thể Son là người rất mạnh mẽ. Hãy đọc tự truyện của anh để biết rằng Son đã vượt lên số phận bé nhỏ của một cầu thủ châu Á và thành danh như thế nào tại châu Âu.
Tuy nhiên, không thể cấm người khác nghĩ Son yếu đuối, thiếu vững vàng về mặt tinh thần. Bởi, anh khóc quá nhiều.
Vậy thì việc Son hay khóc có liên quan gì đến sự yếu bóng vía của tuyển Hàn Quốc? Tất nhiên là liên quan rất lớn. Hãy thử tưởng tượng, các cầu thủ sẽ thi đấu ra sao nếu người đội trưởng của họ hay khóc?
Hàn Quốc có rất nhiều ngôi sao và thứ họ thiếu là một người có thể liên kết tất cả thành một thể thống nhất. Các cầu thủ cần một thủ lĩnh tinh thần, không cần một ngôi sao xuất chúng nhưng lại là "oppa khóc nhè".
Cái thiếu của Hàn Quốc tại Asian Cup 2023 rõ ràng là một thủ lĩnh tinh thần. Họ cứ đá xìu xìu trông thực sự rất chán nản. Xem Jordan rõ ràng là hứng thú và sảng khoái hơn nhiều.
Đừng phản biện rằng tinh thần Hàn Quốc yếu thì sao họ lại gỡ phút cuối, sao có thể ngược dòng? Nhưng nếu Hàn Quốc chơi đúng đẳng cấp của các cầu thủ mà họ đang có, đội bóng xứ kim chi có cần phải đá trối chết mới thắng không? Không.
Khi Hàn Quốc bị loại khỏi Asian Cup 2023 bởi Jordan, nhiều người đã khơi lại trận hòa Malaysia ở vòng bảng. Trận hòa đó đẩy Hàn Quốc vào nhánh đấu không có Nhật Bản. Chẳng có cơ sở nào nói rằng Hàn Quốc cố tình hòa Malaysia để tránh Nhật Bản.
Nhưng trận hòa đó không thể giúp Hàn Quốc tránh khỏi những điều tiếng. Ai cũng có thể nhận định Hàn Quốc yếu bóng vía đến mức không dám chạm trán Nhật Bản ở vòng 16 đội.
Danh dự của tuyển Hàn Quốc rõ ràng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù sao đội bóng xứ kim chi cũng là ứng viên cho chức vô địch và tinh thần dân tộc của họ chưa bao giờ bị xem thường. Cú sốc trước Malaysia đã phơi bày hầu hết vấn đề của Hàn Quốc tại giải. Thất thường, yếu bóng vía, sợ hãi và thiếu tinh thần dấn thân.
Phải chi tuyển Hàn Quốc bị Nhật Bản loại sớm thì mọi chuyện có lẽ sẽ dễ chịu hơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận