Bà Tôn Nữ Thị Ninh, tác giả Đặng Hoàng Giang và nhạc sĩ Dương Thụ tại buổi trò chuyện với giới trẻ sáng 28-11. Ảnh: L.Điền |
Đó là một trong những nội dung trong buổi trò chuyện tại không gian Cà phê thứ bảy (TP.HCM) sáng 28-11. Nhiều bạn trẻ ngồi tràn xuống các lối đi khi ghế đã chật kín. Tất cả muốn được nghe và đối thoại với tác giả Đặng Hoàng Giang - người vừa ra mắt quyển sách Bức xúc không làm ta vô can, với hàng loạt vấn đề trong cuộc sống được đặt ra một cách có trách nhiệm.
Mỗi chúng ta là một phần vấn đề
Dẫn lời một bạn trẻ “mỗi chúng ta là một phần của vấn đề, và mỗi chúng ta cũng là một phần của giải pháp”, Đặng Hoàng Giang cho rằng đó là cách tiếp cận tích cực cần thiết đối với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.
Tác giả nói mỗi chúng ta là một phần của xã hội, chúng ta lẽ ra nên có cách để can dự tốt hơn vào tình hình, chỉ "bức xúc suông" không thể làm chúng ta trở thành kẻ vô can trước cuộc đời được.
Nhà hoạt động xã hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng có người có bức xúc chân thành và họ loay hoay trong bức xúc chứ không kịp nghĩ rằng mình là một phần của vấn đề.
Nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho rằng "bức xúc cũng có mặt tích cực", bởi có những trường hợp cần đến sự bức xúc như một phản ứng, một thái độ sống tích cực.
Và ông Thụ đồng ý với ý kiến của Đặng Hoàng Giang, rằng nếu chỉ bức xúc để “làm màu”, để tỏ ra mình cũng quan tâm đến các chuyện thời cuộc trong khi bản thân lại đứng ngoài những vấn đề xã hội, thì bức xúc ấy là tiêu cực.
Tại sao nó lại như vậy?
Chia sẻ với bạn đọc về ý đồ “từ tập sách bước ra cộng đồng”, Đặng Hoàng Giang cho biết anh viết về các đề tài như một cách tự tìm hiểu và trả lời các thắc mắc về những gì xảy ra xung quanh anh trong cuộc sống hàng ngày.
Đơn cử một trường hợp, anh nêu vấn đề “sống chung với lũ” tức người dân đang sống chung với những mặt trái của xã hội, tệ nạn tiêu cực…
Chúng ta ứng xử (sống chung) với “lũ” ấy như thế nào? Anh dẫn câu nói của tác giả quyển sách Quyền lực của kẻ không quyền lực, rằng sự dối trá vẫn còn tồn tại vì chúng ta vẫn hỗ trợ nó mỗi ngày. Anh đề cập đến các hành vi “đi thầy”, “đi sếp” và các cách đưa - nhận phong bì… đang trở thành phổ biến.
Để chống lại thực trạng này, mỗi người cần tự mình có hành động. Hành động đó được gọi là “chủ nghĩa anh hùng thường nhật”, tức không phải làm việc gì to tát, nhưng không hỗ trợ cho sự dối trá và tiêu cực ở xung quanh mình.
Không gian buổi trò chuyện chật kín người. Ảnh: L.Điền |
Bất lực có phải là can dự?
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng cảm với những gì Đặng Hoàng Giang trình bày trong sách, nhưng cho rằng sách anh có quá ít giải pháp mà chỉ nêu hiện trạng. Một bạn đọc là doanh nhân cho rằng chúng ta đang cần những người truyền cảm hứng (inspiration).
“Tôi bất lực và không thấy con đường nào cả, mọi người có thấy vậy không”, vị này chia sẻ.
“Tôi không biết bạn đang chờ đợi cái gì để thoát ra khỏi tình trạng bất lực ấy”, Đặng Hoàng Giang đáp, và cho rằng "mỗi chúng ta còn có thể làm gì hơn là làm tốt công việc của mình mỗi ngày. Chính những việc tốt của mình sẽ lan tỏa ra cộng động, có tác động cộng hưởng để tạo nên sự thay đổi".
“Ta nên cố gắng trở thành người truyền cảm hứng cho người khác”, anh khuyến khích.
Một sinh viên 18 tuổi cho rằng hiện cô rất bức xúc trước tình trạng mọi người nơi công cộng không tôn trọng xếp hàng và kẹt xe thì tranh giành nhau hỗn loạn.
Đặng Hoàng Giang nói: “Chúng ta nên sống và làm việc tích cực, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi những người tốt xung quanh ta, cùng tiếp năng lượng sống cho nhau.
Hơn nữa, ta sống ở đây chỉ bằng một phần triệu những khó khăn mà các nhân viên Chữ thập đỏ đang làm việc tại các chiến trường, đối diện với đạn bom chết chóc để theo đuổi mục tiêu nhân đạo. Vậy thì không có lý gì ta mười tám tuổi đi ra đường thấy kẹt xe và tuyệt vọng”. Mọi người vỗ tay tán thưởng.
Nên ngước nhìn trời
Với hình ảnh ếch ngồi đáy giếng, TS Nguyễn Thị Hậu nhắc lại thói quen lâu nay ở ta vẫn cứ cho rằng thực trạng Việt Nam đang ở đáy giếng, thấp lắm tệ lắm. Quyển sách Bức xúc không làm ta vô can của Đặng Hoàng Giang chính là một mảnh trời xanh để chúng ta có thể ngước nhìn lên.
Đặng Hoàng Giang cho rằng giới trẻ có biết bao việc phải làm, bày tỏ thái độ khi Hà Nội chặt hàng ngàn cây xanh, hay lên tiếng giữ hang động Sơn Đoòng… "Hãy kết nối để có cộng đồng của mình và cùng hành động, và sức mạnh sẽ đến từ sự đồng hành của một tập thể".
Một bạn sinh viên đặt vấn đề cần hình thành tư duy phản biện ở giới trẻ và "có phải những ai để truyền thông “dắt mũi” thì thường thiếu tư duy phản biện không?".
Đặng Hoàng Giang cho rằng không cứ gì truyền thông, mà những ai bị dắt mũi (bởi chính trị, tôn giáo… hay cả chính bố mẹ mình) thì đều không có tư duy phản biện. Cái quan trọng là nên chủ động trong quá trình xây dựng và hình thành quan điểm cá nhân, đó là các bước thu thập thông tin, sắp xếp và đánh giá thông tin, rồi hình thành quan điểm của mình.
“Hãy cố gắng đừng để ai can thiệp vào quá trình hình thành quan điểm của mình, dù là giáo sư của đại học Stanford đi chăng nữa”. Buổi trò chuyện về việc mình nên can dự vào cuộc đời như thế nào đã kết thúc bằng lời khuyên đừng để người khác can dự vào quan điểm của mình như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận