21/07/2020 11:31 GMT+7

Đời tôi sang trang nhờ suất học bổng

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Khác với hình ảnh cô tân sinh viên rụt rè đến nhận suất học bổng Tiếp sức đến trường do báo Tuổi Trẻ tổ chức hai năm trước, giờ đây ở Lưu Bích Ngọc toát ra sự tự tin, yêu đời trên khuôn mặt và nụ cười.

Đời tôi sang trang nhờ suất học bổng - Ảnh 1.

Bích Ngọc tự tin, vui cười hẳn từ ngày có được suất học bổng - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Với mình bây giờ chỉ một mong ước là làm sao tốt nghiệp thật sớm, ra trường có được công việc tốt để có thể lo cho ông bà. Càng mong bao nhiêu mình lại càng lo bấy nhiêu. Mình sợ sẽ không kịp bởi sức khỏe của ông bà ngày càng xấu.

LƯU BÍCH NGỌC

Ngọc nay đã là sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Với cô, việc được nhận suất học bổng đặc biệt vào năm 2018 là món quà vô cùng quý giá.

Lớn lên trong gian khó

Ngọc đang làm thêm ở một văn phòng kiểm toán - kế toán ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Trong trang phục sơmi, quần tây của dân công sở, cô sinh viên với khuôn mặt sáng này nói rằng cuộc sống mình đang rất tươi vui. 

Ngọc nói rằng ký ức về cha chỉ bằng con số 0, vì từ nhỏ đến nay cô chưa từng được nghe bất kỳ ai kể về cha. Ngay từ khi sinh ra, Ngọc đã sống với ông bà ngoại, bởi không lâu sau đó mẹ cô cũng lập gia đình mới rồi chuyển về Vũng Tàu ở.

Tuổi thơ Ngọc lớn lên mỗi ngày bằng hai việc: sáng đến trường, chiều theo bà ngoại đi bán vé số. Thu nhập từ việc bán vé số dạo của hai bà cháu không quá cao, nhưng Ngọc nói cuộc sống lúc đó không quá khó khăn. 

Năm Ngọc lên lớp 6, bà ngoại không may bị một gã "quái xế" lao lên vỉa hè tông gục. Di chứng từ lần tai nạn khiến bà bị chấn thương sọ não, trí nhớ kém và mất khả năng lao động. Rồi căn bệnh tim của ông ngoại Ngọc cũng trở nặng, phải luôn đặt ống trợ thở.

Mọi chi phí thuốc thang, ăn ở của ông bà ngoại, tiền học hành của Ngọc phụ thuộc cả đồng lương công nhân ít ỏi từ một người chị họ chu cấp. Ngọc bảo, thời gian đó, cuộc sống gia đình cô rất khó khăn. Cô từng nghĩ đến chuyện bỏ học, dù rất thích học và học rất giỏi. 12 năm liền Ngọc đều là học sinh giỏi toàn diện.

"Thời đó tôi thích học lắm! Bởi khi đến trường, say con chữ giúp tôi quên hết mọi lo lắng, buồn phiền" - Ngọc chia sẻ.

Suất học bổng đặc biệt

Tốt nghiệp lớp 12 cũng là lúc Ngọc thi đại học. Thời điểm đó (năm 2016), Ngọc thi khối A đạt 21,3 điểm, đậu vào hai trường là ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Sài Gòn. Giấy báo gửi về, thế nhưng cô chẳng đi làm thủ tục nhập học. 

Ngọc nói vì lúc đó chị gái họ đã đi lấy chồng, trong nhà còn mỗi cô có sức lao động, nên không thể theo tiếp nghiệp học được. "Tình cảnh lúc đó không cho phép tôi lựa chọn. Tôi buộc phải nghỉ học dù vẫn còn rất muốn học lên" - Ngọc nhớ lại rồi tâm sự.

Ngày các bạn bè háo hức làm quen với môi trường ĐH cũng là ngày Ngọc nộp hồ sơ xin việc vào một công ty may ở Q.12. Tuổi 18 của Ngọc bắt đầu bằng những bài học về đường kim mũi chỉ. Nhưng sau bảy tháng làm công nhân may, Ngọc xin nghỉ. Cô muốn tìm một công việc tốt hơn, mức lương cao hơn để có thể đủ trang trải cho gia đình.

Và rồi một công ty xây dựng đang tuyển văn thư là nơi để Ngọc nuôi hi vọng. Cô được nhận vào làm với mức 3,5 triệu đồng, khá hơn trước chỉ 2,5 triệu. "Ngoài làm ở công ty xây dựng, thời gian rảnh mình còn xin làm bưng tiệc cưới, chạy bàn, gia sư... Với mình, phải lao động, phải làm việc để kiếm được thật nhiều tiền" - Ngọc nói.

Khi các công việc đã dần đi vào ổn định cũng là lúc Ngọc nhận ra niềm đam mê với con chữ trong cô vẫn còn. Hơn cả, Ngọc nói lúc đó cô đã thấm hiểu được những khó khăn nếu như không một bằng cấp. 

Hai năm sau khi đã ở tuổi 20, Ngọc xin nghỉ mọi công việc đang theo để nộp hồ sơ thi lại ĐH. Lần này Ngọc lại thi khối D. Hai năm không cầm sách, trước khi thi cũng chẳng bỏ thời gian ôn tập lại, thế nhưng Ngọc vẫn thi đậu với số điểm 19,6 điểm.

Cảm xúc trong ngày nhận giấy báo đỗ ĐH lần hai của Ngọc không quá rõ ràng. Đó là cái cảm giác vừa mừng lại vừa lo làm cô nhớ mãi. Nhưng mừng một thì lại lo mười, khi trước mắt Ngọc là vô vàn khoản tiền cần phải có nếu nhập học.

"Thật may mắn khi tôi biết đến chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ thời điểm ấy. Càng may mắn hơn khi các anh chị trong chương trình đã trao cho tôi suất đặc biệt trị giá 15 triệu đồng. Suất học bổng ấy như khai sinh, giúp đời tôi sang trang vậy" - Ngọc bồi hồi nói.

"Sợ không kịp"

Từ ngày lên đại học, Ngọc thức dậy vào 5h sáng để có thể kịp từ nhà ở Q.12 đến Q.Thủ Đức. Buổi trưa của cô là những lần ăn cơm giá rẻ, ngả lưng ở phòng chờ hay ghế đá trong trường. Để có tiền ăn học, chăm sóc ông bà, ngoài làm bán thời gian cho một công ty kiểm toán tại Q.Bình Thạnh, Ngọc còn nhận làm gia sư lớp 8 cho một học sinh gần nhà.

Cô đùa cười nói rằng việc chậm hơn mọi người trong lớp hai năm, rồi cứ luôn tất bật với bao lo toan khiến mình như "già trước tuổi". Thế nhưng, học lực của Ngọc vẫn luôn nằm tốp đầu của lớp, với điểm trung bình môn hơn 7,8. Thay vì tốt nghiệp ĐH trong bốn năm, Ngọc chia sẻ hiện cô học đôn môn để có thể kết thúc chương trình trong ba năm.

Mời bạn đọc đi bộ gây quỹ "Tiếp sức đến trường"

Để chăm lo, hỗ trợ và gây quỹ học bổng cho học sinh - sinh viên tiêu biểu hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể tham gia đăng ký đi bộ trực tuyến gây quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2020 tại ứng dụng tài chính ví điện tử MoMo.

Các bước đăng ký tham gia đi bộ gồm: cài đặt ứng dụng ví điện tử MoMo trên CH Play hoặc App Store về điện thoại. Đăng ký đi bộ trực tuyến thông qua tính năng "Đi bộ cùng MoMo" trên ứng dụng ví điện tử MoMo. Cuối cùng là đồng bộ dữ liệu bước chân theo hướng dẫn trên ứng dụng và tham gia chương trình.

Chương trình sẽ bắt đầu mở đăng ký và ghi nhận tham gia kể từ bây giờ đến hết ngày 14-8. Ngoài liên tục cập nhật và hiển thị trên bảng xếp hạng của chương trình, kết quả còn được thông báo định kỳ trên trang cộng đồng Thành đoàn TP.HCM cũng như trang của chiến dịch tình nguyện hè.

Mỗi cá nhân được xác nhận hoàn thành khi thực hiện đủ 100.000 bước chân (tương ứng với 4.000 bước chân/25 ngày) sẽ nhận được một huy hiệu và giấy chứng nhận trực tuyến của chương trình. Căn cứ trên kết quả, ban tổ chức sẽ chọn ra 100 cá nhân có thành tích xuất sắc nhất để trao giải tại chương trình đi bộ đồng hành "Tiếp sức đến trường" năm 2020 (dự kiến diễn ra vào ngày 16-8).

Đặc biệt, cứ mỗi cá nhân tích lũy đủ số bước chân, ban tổ chức sẽ đóng góp 200.000 đồng vào quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường", kinh phí do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ. Mục tiêu chương trình hướng đến là "1 tỉ bước chân", qua đó gây quỹ và trao ít nhất 300 suất học bổng (mỗi suất trị giá 10 triệu đồng) cho các hoàn cảnh học sinh, sinh viên khó khăn.

Chương trình do Thành đoàn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng ví điện tử Momo tổ chức.

Tiếp sức đến trường chắp cánh ước mơ cho những thiên thần áo trắng Tiếp sức đến trường chắp cánh ước mơ cho những thiên thần áo trắng

TTO - 30 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” do Ủy ban tương trợ người Việt tại Đức thông qua báo Tuổi Trẻ đã được trao cho các sinh viên ngành y đang học tập tại Huế chiều 12-6.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên