Đời tôi giữa những đàn kiến

TRÚC ANH 14/01/2022 10:10 GMT+7

TTCT - Không thể nhìn xa vì một mắt hỏng thị lực, nhưng ông không ngừng trông rộng. Không thể nghe tiếng chim hót vì thính lực giảm sút, ông chọn nghiên cứu loài côn trùng câm lặng là kiến. Đó là nhà sinh học Edward O. Wilson, “người kiến” trong đời thực chứ không phải trong phim siêu anh hùng Marvel. Ông qua đời hôm 26-12 ở tuổi 92.

 
 Ảnh chân dung ưa thích của Edward Wilson, cùng với mô hình kiến xén lá. Bức ảnh này được chọn làm ảnh bìa quyển Tales from the ant world (2020) của ông. Ảnh: Getty Images

Wilson là người khám phá ra các chất hóa học mà kiến dùng để giao tiếp; giúp phổ biến các thuật ngữ như đa dạng sinh học và ưa thích sinh học (biophilia); đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học mới về sinh học xã hội (sociobiology)… 

Những thành tựu này có được, theo Doug Tallamy, giáo sư côn trùng học Đại học Delaware, viết trong bài tiễn biệt trên The Conversation, là nhờ khả năng phi thường của Wilson trong việc “kết hợp các ý tưởng mới bằng cách sử dụng thông tin thu được từ các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau”, hay luôn có “tầm nhìn lớn từ những vật nhỏ bé”, như loài kiến.

Một đời vì kiến

E.O. Wilson sinh ngày 10-6-1929 ở Birmingham (Alabama, Mỹ). Vì gia đình liên tục chuyển chỗ ở, Wilson phải chuyển trường hơn chục lần trong 10 năm, và tuổi thơ ông bầu bạn với thiên nhiên. Năm 7 tuổi, khi đang câu cá, Wilson bị gai cá chốt đập vào mắt phải, vĩnh viễn mất tầm nhìn xa và nhận thức chiều sâu. 

Đến tuổi trưởng thành, Wilson phát hiện mình không thể nghe âm thanh cao tần, như tiếng một số loại chim hoặc ếch. Vì lẽ đó, Wilson hướng hết sự tò mò vào các con vật nhỏ, dễ bắt và quan sát ở khoảng cách gần, những con mà chả ai để ý. Vương quốc kiến - nơi thị giác và thính giác không tồn tại mà chỉ có vị giác và khứu giác, cùng với lối tổ chức xã hội phức tạp - đã mê hoặc Wilson từ thủa bé và theo ông trọn đời.

Ở tuổi 13, khi đang sống ở Mobile (Alabama) Wilson phát hiện một đàn kiến lửa ngoại lai, sau này được xác định là kiến Solenopsis invicta, một loài côn trùng có hại cho mùa màng. Đàn kiến mà Wilson thấy là lần đầu tiên loài kiến lửa này xuất hiện ở Bắc Mỹ; chúng “nhập cảnh” bằng cách đi quá giang các tàu hàng từ Nam Mỹ, cụ thể là Argentina và Uruguay. Báo cáo kết quả nghiên cứu về sự tiến triển của loài kiến lửa này ở Alabama, do Wilson thực hiện khi đang học Đại học Alabama vào năm 1949, là công bố khoa học đầu tiên của ông.

Wilson lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Alabama năm 1950, sau đó học một thời gian ngắn tại Đại học Tennessee, rồi chuyển đến Harvard để nghiên cứu tiến sĩ. Ông lấy bằng tiến sĩ năm 1955, kết hôn, dạy ở Harvard đến khi nghỉ hưu năm 1996. Với vai trò thành viên Hội nghiên cứu sinh của Harvard, ông bắt đầu chu du khắp nơi để theo chân những đàn kiến, tìm kiếm, quan sát, phân loại, thu thập dữ liệu, thậm chí tìm cách cứu chúng khỏi bờ tuyệt chủng, với các cuộc nghiên cứu thực địa ở Cuba, Mexico, New Guinea, Fiji rồi Úc, Mozambique và Sri Lanka.

Năm 1959, Wilson xuất bản công trình về chất pheromone, trở thành người đầu tiên nghiên cứu cách kiến dùng các hợp chất sinh hóa học để giao tiếp và hành động - chỉ chỗ có thức ăn, phát hiện trong tổ có kiến chết để xử lý hay thông báo có kẻ thù. Cùng với nhà côn trùng học người Đức Bert Hölldobler, Wilson đã mở rộng các nghiên cứu của mình sang sinh vật học xã hội, xây dựng các phương trình toán học dự đoán một loạt hành vi của kiến, chẳng hạn thay đổi tỉ lệ sinh cho phù hợp với các điều kiện môi trường.

 
 Wilson đã phát hiện ra hàng trăm loài kiến trong suốt sự nghiệp của mình. Ảnh: Hugh Patrick Brown/Getty Images

Những đàn kiến trong đời

Trong tự truyện Naturalist (Nhà tự nhiên học) năm 1994, Wilson cho rằng “kiến dưới kính hiển vi là thứ tuyệt vời về mặt mỹ học nhất trong số các loài côn trùng”. ¼ thế kỷ sau, Wilson thuật lại toàn bộ 80 năm say mê với hơn 15.000 loài kiến, từ lúc phát hiện đàn Solenopsis invicta ở Alabama đến những chuyến thực địa trong rừng mưa nhiệt đới ở Brazil, trong Tales from the ant world (Chuyện kể từ thế giới kiến) tháng 8-2020, quyển sách cuối cùng trong gia tài đồ sộ hơn 30 tác phẩm của ông.

Wilson gọi những chuyến đi mà ông hồi tưởng lại là “những cuộc phiêu lưu về thể chất và trí tuệ”, nhằm tìm kiếm loài kiến hung dữ nhất, chậm chạp nhất, hay loài kiến đang bị đe dọa tuyệt chủng. Ở Mozambique, Wilson mục sở thị “một trong những cảnh tượng động vật hoang dã ấn tượng nhất của châu Phi” - kiến Matabele tấn công ổ mối để lấy thức ăn, mỗi con sẽ trở về với chiến lợi phẩm tối đa 10 con mối chết ngoạm bằng hàm dưới. Nhưng loài kiến hung ác nhất thế giới, “theo kinh nghiệm bị cắn và bị phun axit formic (trong nọc kiến) xuyên suốt” của Wilson, là Camponotus femoratus ở rừng Amazon. Ông tả lại cảnh lần đầu phát hiện một bầy kiến Camponotus femoratus trên một cành cây chỉ cách mặt đất 2-3m: “Khi tôi quay lại và đi theo hướng ngược gió về phía chúng, một đám kiến thợ đã bùng nổ gần như ngay lập tức. Khi tôi đến gần hơn, nhưng vẫn không chạm vào tổ, chúng đã trở nên điên cuồng. Xếp chồng lên nhau, chúng ưỡng bụng chĩa về phía tôi và phun ra một đám mây axit formic…”.

 
 Camponotus femoratus, loài kiến hung ác nhất. Ảnh: Viện hàn lâm khoa học California

Kiến đã tồn tại trên Trái đất từ ít nhất 140 triệu năm trước. Ngày nay, có khoảng 10 triệu tỉ con kiến đang bò khắp tinh cầu này. Thế mà cũng có những loài kiến đang bị đe dọa tuyệt chủng, chẳng hạn loài Myrmecia apicalis, Wilson đã chủ động đi tìm và thấy chúng ở một nơi xa xôi là New Caledonia...

Vì sao Wilson chọn kiến mà không phải bướm hay một loài côn trùng khác? Ông từng giải thích: “(Kiến) quá dồi dào, dễ tìm, dễ nghiên cứu và rất thú vị. Mỗi loài kiến gần như tương đương với một nền văn hóa khác nhau của con người. Vì vậy, bản thân mỗi loài là một đối tượng nghiên cứu tuyệt vời. Đúng ra tôi thực sự không thể hiểu tại sao hầu hết mọi người không nghiên cứu về kiến”.

“Ed Wilson là cái tên kỳ diệu đối với nhiều người trong chúng ta khi làm việc trong thế giới tự nhiên vì hai lý do. Thứ nhất, không ai trên thế giới từng biết về kiến nhiều như Ed Wilson. Nhưng ngoài kiến thức và sự hiểu biết sâu rộng đó, ông ấy có tầm nhìn rộng nhất. Ông nhìn hành tinh và thế giới tự nhiên mà nó chứa đựng một cách chi tiết đến kinh ngạc nhưng cũng mạch lạc lạ thường. Và ông ấy có khả năng của một nhà văn để truyền đạt cho tất cả chúng ta, chuyên gia lẫn người không chuyên, rằng tại sao điều này không chỉ đẹp, cảm động và không thể thay thế, mà còn cần thiết cho sự tỉnh táo của chúng ta”.

Chuyên gia tự nhiên Sir David Attenborough nhận xét trong phóng sự “Chúa tể loài kiến” trên PBS năm 2008.

Từ kiến sang cứu trái đất

Từ nghiên cứu kiến, sau này Wilson chuyển mối quan tâm của mình sang cả môi trường sống nói chung của muôn loài, đa dạng sinh học và sự phức tạp của thế giới tự nhiên. Ông xoay sang sinh học bảo tồn, tiếp tục viết sách và đi khắp thế giới để cổ võ cho quan điểm “cứu lấy nửa Trái đất”: Cuộc sống như ta biết chỉ có thể bền vững nếu ta bảo tồn hệ sinh thái trên ít nhất một nửa hành tinh. 

Trên thực tế, gần một nửa hành tinh đang được dùng để sản xuất nông nghiệp, và 7,9 tỉ người với mạng lưới hạ tầng khổng lồ chiếm nửa còn lại. Cách duy nhất để đạt được mong ước cả đời của Wilson là học cách chung sống với thiên nhiên, điều mà nhân loại vẫn còn loay hoay khi ông giã biệt cõi đời.

Một thầy giáo lớp 6 từng phê vào sổ liên lạc rằng Wilson “viết tốt và biết rất nhiều về côn trùng. Nếu kết hợp được hai thứ này, trò ấy có thể làm gì đó đặc biệt”. Và “điều gì đó đặc biệt” đã quá rõ. Wilson đã viết hàng chục quyển sách có sức ảnh hưởng với các nhà khoa học khác trong khi thu hút được sự chú ý của công chúng. Ông giành Pulitzer thể loại phi hư cấu nói chung năm 1979 với quyển On human nature (Về bản chất con người), và giải thứ 2 năm 1991 với The ants (Loài kiến), viết chung với đồng nghiệp lâu năm Hölldobler. Wilson còn đi vào văn chương đích thực với tiểu thuyết đầu tay Anthill (Đồi kiến) ở tuổi 81.

Nhà tiên phong sinh học tiến hóa, chuyên gia côn trùng học, nhà sinh vật học, nhà tự nhiên học, tác giả 2 lần nhận Pulitzer, giáo sư Đại học Harvard, truyền nhân của Darwin hoặc Darwin của thời hiện đại. Có rất nhiều cách để gọi E. O. Wilson trong các bài viết tưởng niệm ông những ngày cuối năm 2021. 

Nhưng nếu được sống thêm một đời nữa, Wilson chỉ muốn trở thành nhà sinh thái học vi sinh vật, như ông chia sẻ ở cuối cuốn Naturalist. “Quả là một cách kết thúc hồi ký khác thường - tưởng tượng một cuộc đời lý thú hơn cả cuộc sống độc đáo mà bản thân tác giả đã sống qua” - tác giả viết về môi trường Christoph Irmscher nhận xét trong một bài viết cho Wall Street Journal hồi tháng 10-2020.

* Tựa bài viết này mượn tựa bài viết về Wilson trên tạp chí New Scientist năm 1995

Năm 1975, Wilson xuất bản quyển Sociobiology: The new synthesis (Xã hội học: Tổng hợp mới), nêu ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa hành vi con người và di truyền. Tác phẩm đã tạo ra một cơn bão tranh cãi giữa các nhà hoạt động và học giả, những người đánh đồng các lý thuyết đột phá của sinh học xã hội Wilson nêu ra với chuyện phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và thậm chí chủ nghĩa quốc xã. Nhiều thập kỷ sau, các nhà khoa học thừa nhận rằng gene có một số vai trò trong bản chất con người, dù chưa xác định rõ, theo Washington Post. Nhưng chính sự phẫn nộ xoay quanh quyển sách đã thúc đẩy Wilson viết tiếp cuốn On human nature và được trao Pulitzer sau đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận