05/08/2007 03:13 GMT+7

Đời thương hồ (kỳ cuối): Ước mơ trên sông

QUỐC VIỆT - TẤN ĐỨC
QUỐC VIỆT - TẤN ĐỨC

TT - Ngược xuôi sông nước miền Tây, thấy có nhiều trẻ em phải bỏ trường lớp vì khó khăn, kể cả lý do “con không thích học nữa”!

KPyobZbs.jpgPhóng to
Ảnh: Tấn Đức
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhưng cũng có nhiều bậc cha mẹ cố gắng cho con đến trường, bởi như lời một thương hồ mù chữ ở chợ nổi Cà Mau: “Ba má rồi cũng già, ghe rồi cũng hư, chỉ có chữ nghĩa là tài sản để lại cho con”.

Lênh đênh ghé các chợ nổi, ghe chúng tôi thường xuyên phải len lỏi, lách tránh các em nhỏ trên các ghe thương hồ nhảy xuống bơi lội, vui đùa dưới sông. Ngày hè, nhiều em được nghỉ học trên bờ để theo ghe cha mẹ. Nhưng vô mùa tựu trường vẫn không ít em phải rời xa sách vở để đi theo sông nước.

Tuổi thơ trôi theo sóng nước

67KXmJSu.jpgPhóng to
Lênh đênh theo cha mẹ - Ảnh: Quốc Việt

Mấy năm trước, cậu bé 12 tuổi có tên Trần Văn Lắm cũng được đi học ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Long Xuyên. Nhưng em mới học hết lớp 2 thì không thể đến lớp được nữa. Ba em, một thương hồ chuyên mua bán trái cây, trong một đêm lặn sông gỡ neo ghe đã bị vọp bẻ, chìm luôn xuống lòng sông Hậu. Ba mất, mẹ đi bước nữa, hai anh của Lắm bỏ ghe, lên bờ làm phụ hồ.

Lắm một mình tự bươn chải sống bằng nghề bán vé số cho khách thương hồ trên chợ nổi Long Xuyên. “Thấy mấy bạn đi học con cũng ham lắm, nhưng đi học thì lấy cơm đâu mà ăn? Cho nên con phải chèo ghe đi bán vé số, mỗi ngày phải bán hết ít nhất 50 tờ thì mới đủ để đốt lửa nồi cơm”, Lắm nói. Cậu bé tâm sự thêm với chúng tôi rằng nếu mai này dành dụm đủ tiền, cậu sẽ mua ghe lớn hơn để nối nghề ba.

Ở chợ nổi Cà Mau, thương hồ Nguyễn Hùng Hậu đặt tên cho hai đứa con của mình là Tiền, Vàng và quyết tâm “cho con đi học đến nơi đến chốn để đời con sẽ khá hơn đời mình”.

Song, cô bé Vàng ráng lắm cũng chỉ học được đến lớp 3 rồi rời sách vở bước xuống hẳn với ghe để phụ cơm nước và bán hàng với má. Người anh Nguyễn Văn Tiền kiên trì học thêm bốn năm nữa, nhưng chưa xong hết lớp 7 đã bước xuống ghe. Ngày nối ngày của những đứa trẻ thương hồ là làm việc, ngủ và lại làm việc, không có sách báo, tivi hay phương tiện gì để giải trí. “Không biết theo nghề buôn bán sau này giàu có hơn ai, chứ giờ con đã thấy tủi vì ít chữ rồi!”, Vàng nay đã lớn, buồn buồn nhìn theo ngọn sóng, nói như vậy.

Cũng có một số trường hợp thất học không phải do hoàn cảnh mà chính vì các em và ba má chấp nhận như vậy. Ở Giồng Riềng, Kiên Giang, thương hồ Lê Thị Thúy kể: “Hồi xưa ba má đi ghe, tui ở nhà đi học. Thui thủi hết lớp 7 thì buồn quá xin theo ba má. Con tui bây giờ cũng vậy”. Không hiểu cậu bé Nguyễn Đình Thường buồn vui thế nào với tâm sự của mẹ, nhưng hiện cậu đang là tay việc đắc lực trên ghe trái cây 24 tấn, gia đình nghĩ cậu sẽ tiếp tay lái ba má khi họ về già.

Con sẽ học đến lớp 18!

q70uzVYp.jpgPhóng to
Nga là người hiếm hoi có máy tính trên ghe - Ảnh: Tấn Đức

Qua sông Tiền, sông Hậu, về Vĩnh Tế, Cái Sắn, rồi ngược Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, đi đến đâu cũng gặp thương hồ trẻ thơ thất học, nhưng không ít em đã vượt lên được hoàn cảnh. Buổi chiều trên bến sông chợ Tà Đảnh, huyện Tri Tôn (An Giang), chúng tôi gặp hai bé gái đen nhẻm, tóc vàng hoe, lặn hụp như rái cá dưới lòng sông.

Một chị bán dừa khô cười kể: “Con Tư Lai đi ghe mui đen đó, tướng tá còm ròm vậy chứ học giỏi thiệt, chuyện gì tụi nó cũng rành rẽ”! Lại càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện trong góc ghe chật hẹp của các em, ngổn ngang báo Mực Tím, Nhi Đồng, truyện tranh, kể cả tác phẩm của Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng…

Thì ra Nguyễn Tô Na Vy (13 tuổi) và Nguyễn Tô Tường Vy (6 tuổi) mê chữ hơn mê ăn. Cứ tan trường là các em vô thư viện xã, rồi mang về đủ thứ. Nhờ vậy, đứa nhỏ 5 tuổi đã đọc chữ ro ro, cứ nằng nặc đòi đi học. Chị Tư Lai tự hào kể thêm một hôm chị đánh liều dẫn con vô Trường tiểu học Tà Đảnh, xin cô giáo cho vào lớp 1. Ban đầu cô giáo còn ngần ngừ, nhưng sau khi kiểm tra thấy học trò “ốc tiêu” đã biết đọc chữ, làm toán thạo nên cho học dự thính.

Hơn 30 năm rong ruổi thương hồ, ông Hai Thuận về già cất nhà bè, bán tạp hóa trên sông nước Cái Răng, tận mắt chứng kiến bao cảnh đau lòng ở ngay chợ nổi lớn nhất miền Tây này: “Ba má bận bán hàng, con rớt xuống sông. Ba má ngủ quên, con rớt xuống sông. Tụi nhỏ bước qua ghe nhau chơi cũng rớt xuống sông. Thậm chí bệnh hoạn không kịp đưa lên bờ”.

Ngồi trước mũi ghe chòng chành theo từng cuộn sóng vỗ, chúng tôi lặng nhìn đám trẻ đang vui đùa trên những chiếc ghe nhỏ xíu mà hiểu nỗi niềm tâm sự của người thương hồ già: “Đời sông nước có nhiều niềm vui tự do, phóng khoáng nhưng cũng lắm nỗi buồn. Hình như không phải chúng tôi chọn sông nước mà chính sông nước đã chọn chúng tôi. Đời cha xuống sông trước, đời con rồi sẽ nối theo sau. Ai bước vào rồi khó dứt ra lắm”.

Mấy tháng trước, vợ chồng Tư Lai đi ghe về, bất ngờ nhận được hóa đơn thu tiền của Bưu điện xã Tà Đảnh. Hóa ra chị em Na Vy, Tường Vy mê báo, tự đến bưu điện xã đặt báo, rồi khai tên cha mẹ nên bưu tá gửi hóa đơn tới. Chị Tư Lai khoe một bữa nằm dưới ghe thoáng nghe đài giới thiệu tên con mình rồi đọc bài thơ gì đó.

Na Vy đã âm thầm sáng tác rồi đến bưu điện gửi bài: “Nếu khi bố mẹ hỏi/Lớn lên con làm gì/Con sẽ trả lời ngay/Mà không cần suy nghĩ/Con sẽ học thật giỏi/Để làm một công dân/Giúp ích cho nước nhà…”. Tường Vy ngây thơ nói: “Bài thơ Ước mơ của chị hai con được đọc trên cột điện (loa truyền thanh công cộng). Còn con sẽ học đến lớp 18 mới thôi”.

Những ngày ba má đi ghe, chị em Na Vy, Tường Vy ở chòi tạm như lều vịt ven sông để đi học, hay nhờ bác chạy xe ôm đưa đến thư viện xem sách báo. Riết rồi quen, lái xe cứ đưa rước rồi tính tiền với vợ chồng Tư Lai. Năm học tới, Na Vy vào lớp 9, Tường Vy lên lớp 2. “Tui tính đưa hai đứa về nội học cho ổn định. Vợ chồng tui sẽ cố lo cho hai đứa học hành đến nơi đến chốn”, Tư Lai nói như đinh đóng cột.

Ở chợ nổi Long Xuyên, anh Trần Văn Điệp bị tai biến bảy năm trước, yếu nửa người, nhưng hằng ngày vẫn cố bơi xuồng đi bán vé số cho dân thương hồ. Không đất đai, nhà cửa, vốn liếng, anh lại không biết chữ. Cuộc sống gia đình khó chồng lên khó, chiếc ghe mục lườn, phải lấy nilông bọc ngoài để khỏi chìm.

Nhưng anh Điệp vẫn động viên con: “Đời ba mù chữ, thua sút quá rồi, các con phải ráng học bù lại”. Thương ba má, cả ba đứa con đều cố đến trường. Chị hai Trần Thị Kim Xuyến (16 tuổi) ban ngày phụ mẹ, học lớp bổ túc văn hóa đêm. Xuyến nay đã xong lớp 9, hai em Xuyên, Hoàng xong lớp 5 và lớp 3 Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, Long Xuyên. Xuyến quyết tâm: “Khó đến mấy con cũng sẽ đeo hết lớp 12, rồi tìm nghề lo cho cha mẹ, các em”.

Trong những ngày làm khách thương hồ, người học hành may mắn nhất mà chúng tôi được gặp có lẽ là Huỳnh Thị Thu Nga, sinh viên năm 3 ngành quản lý đất đai và bất động sản. Ngoài chuyện lo buôn bán trên sông nước, lo đóng học phí hơn 3,6 triệu đồng/năm cho con, vợ chồng anh Bảy Xị còn gồng mình mua trả góp một máy tính 4,6 triệu đồng để con học hành.

Rồi một người tốt bụng trên bờ cho “câu đuôi” đồng hồ điện nên hằng đêm Nga có thể ngồi trên ghe neo giữa sông Hậu mà nhấp chuột thực hành các bài giảng đồ họa của thầy cô. “Thời buổi giờ không chữ thì khó làm ăn lắm, nên tui và ba nó ráng đầu tư cho con”, mẹ Thu Nga vừa chèo xuồng bán tạp hóa về, vừa nói như vậy. Người đàn bà thương hồ có nước da đen nhẻm, nhưng ánh mắt sáng rực niềm hi vọng đời con sẽ hơn mình.

Ngoài đăng 4 kỳ trên Tuổi Trẻ, ký sự “Đời thương hồ” còn được phát trên Tuổi Trẻ Online tại trang Media (www3.tuoitre.com.vn/media). Mời bạn đón xem.

-----------------------------

Đón đọc loạt bài khởi đăng số tới:

Vịnh Hạ Long - kỳ quan huyền ảo

Cách nay hơn 600 năm, đại thi hào Nguyễn Trãi sau khi từ quan để về Côn Sơn ở ẩn, ông đã có một chuyến chu du dài ngày tới vùng non nước Đông Bắc. Nguyễn Trãi đã sửng sốt trước vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng của vịnh Hạ Long và thốt lên: “Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan” ( Kỳ quan đất dựng giữa trời cao).

Giờ đây, vịnh Hạ Long vẫn giữ nguyên vẻ đẹp ấy. Và Hạ Long không chỉ là kỳ quan thiên nhiên, ở đó còn có những giá trị bây giờ mới kể.

QUỐC VIỆT - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên